Cổ phiếu thăng hoa, vốn hóa của quốc tửu Trung Quốc vượt mặt cả Coca-Cola và 'ông trùm' đồ hiệu LVMH
Đà tăng chóng mặt trong năm nay đã đưa các nhà sản xuất rượu hàng đầu Trung Quốc đứng vững trong top những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có giá trị nhất thế giới.
Đầu năm 2020, Mao Đài Quý Châu là công ty sản xuất đồ uống có cồn giá trị nhất thế giới, cổ phiếu công ty này đã tăng 56%, đưa vốn hóa lên khoảng 353 tỷ USD tính đến ngày 21/12. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp nhà nước này đã vượt mặt những đối thủ đến từ phương Tây như Diageo và "gã khổng lồ" ngành đồ uống Anheuser-Busch InBev. Ngoài ra, Mao Đài Quý Châu còn có giá trị lớn hơn cả Coca-Cola, LVMH hay Toyota.
Cổ phiếu của công ty cùng ngành Ngũ Lương Dịch (Wuliangye Yibin) cũng tăng gấp đôi trong năm nay, đạt mức vốn hóa 167 tỷ USD. Một chỉ số theo dõi 36 công ty ngành đồ uống giao dịch tại Thượng Hải và Thâm Quyến đã tăng 86,7% trong năm nay, trong khi CSI 300 chỉ tăng 23%, theo Wind.
Chỉ số này cũng bao gồm các công ty sản xuất bia, nhưng những thành viên có giá trị lớn nhất chủ yếu là những nhà sản xuất bạch tửu - loại rượu mạnh của Trung Quốc được nấu từ men lúa hoặc các loại ngũ cốc khác. Loại rượu của Mao Đài có mùi thơm khác biệt, thường chỉ được phục trong các bữa tiệc của cơ quan nhà nước. Theo đó, rượu Mao Đài trở thành biểu tượng cho sự giàu có ở Trung Quốc.
Các nhà đầu tư và phân tích cho rằng sự hồi phục nhanh chóng của Trung Quốc sau thời gian dịch Covid-19 hoành hành, "cơn khát" đồ uống đắt tiền đã quay trở lại và ngày càng tăng lên tại quốc gia này. Allen Cheng – nhà phân tích chứng khoán tại Morningstar, nhận định: "Ngành này đang phát triển nhờ tiềm lực của tầng lớp trung lưu."
Theo Wall Street Journal, các tổ chức nước ngoài là nhóm nắm giữ lượng cổ phần lớn trong ngành này. Ví dụ, tính đến tháng 9, Mao Đài nằm trong nhóm những cổ phiếu Trung Quốc được quỹ quản lý tài sản Mỹ - New World Fund của Capital Group, nắm giữ lượng cổ phần lớn nhất. Quỹ này hiện nắm giữ khoảng 627 triệu USD giá trị cổ phiếu.
Eva Wang – nhà phân tích nghiên cứu về Trung Quốc tại J.P. Morgan Asset Management, cho biết người tiêu dùng Trung Quốc đang mua những sản phẩm cao cấp hơn khi thu nhập của họ tăng lên. Ngoài ra, họ ưu chuộng các công ty rượu, tiêu dùng hàng đầu thị trường. Theo đó, Mao Đài và Ngũ Lương Dịch ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng nhanh hơn các công ty cùng ngành, từ đó thị phần được thúc đẩy. Các nhà phân tích được FactSet thăm dò ý kiến dự đoán lợi nhuận của 2 công ty này lần lượt sẽ đạt 13% và 17% trong năm 2020.
Ngoài ra, 2 gã khổng lồ này cũng đang thực hiện cuộc đại tu trong hoạt động kinh doanh. Mao Đài đang giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà phân phối truyền thống và đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Điều này sẽ giúp họ tăng tỷ suất lợi nhuận mà không khiến nhu cầu sụt giảm. Cheng đến từ Morningstar cho biết Mao Đài đã gặp nhiều khó khăn để chấm dứt mối quan hệ lâu dài với các nhà phân phối hồi năm ngoái, nhưng đại dịch đã giúp quá trình này kết thúc nhanh hơn.
Trong khi đó, Ngũ Lương Dịch đã chi mạnh tay hơn cho việc quảng bá thương hiệu. Công ty này cũng áp dụng chiến lược tiếp cận trực tuyến, chẳng hạn như sử dụng mã QR để theo dõi doanh số bán hàng và quản lý hàng tồn kho. Theo các nhà phân tích, động thái này đã giúp hoạt động kinh doanh của họ hiệu quả hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Shen Zhifeng – nhà phân tích tại UOB Kay Hian, cho biết những thay đổi này giúp các nhà sản xuất rượu hoạt động hiệu quả hơn trong năm 2020.
Đợt tăng giá vừa qua của thị trường đã giúp 2 nhà sản xuất rượu được hưởng lợi lớn. Cổ phiếu Mao Đài và Ngũ Lương Dịch giao dịch ở mức 42 và 43 lần lợi nhuận dự báo, theo FactSet. Trong 5 năm qua, mức trung bình 25 và 22 lần.
Dẫu vậy, một số nhà quan sát thị trường nhận thấy những yếu tố mà nhà đầu tư nên cẩn trọng. Euan McLeish – nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein, cho biết chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc có thể đang chuẩn bị được kích hoạt. Năm 2012 và 2013, giới chức Trung Quốc đã đưa ra quy định nghiêm khắc đối với vấn đề này và ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu Mao Đài, bởi loại đồ uống này thường được sử dụng trong các bữa tiệc của giới lãnh đạo và làm quà biếu.
Hồi tháng 7, tài khoản mạng xã hội của People’s Daily cho biết người dân không nên sử Mao Đài để đầu cơ hoặc hối lộ. Theo đó, đợt bán tháo cổ phiếu công ty này đã diễn ra trong thời gian ngắn. Ngoài ra, McLeish cho biết ông cũng lo ngại về hoạt động quản trị của Mao Đài, bởi công ty này khá "mờ mịt" về mục tiêu và chiến lược.