Cổ phiếu bất động sản ra sao sau cuộc họp ‘nóng’ về vốn?

13/11/2023 17:04 PM | Kinh doanh

Hôm nay (13/11), thông tin từ cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp bất động sản được giới đầu tư mong chờ. Giải pháp gỡ khó đã được Ngân hàng Nhà nước công bố, tuy nhiên, thị trường chứng khoán phản ứng không mấy tích cực, sôi động sau thông tin này.

Áp lực bán gia tăng cuối phiên chiều đẩy VN-Index về dưới tham chiếu. Tuy nhiên, trên nền thanh khoản thấp, lực bán cũng không quá mạnh khiến VN-Index giảm nhẹ. Ngược lại, một số cổ phiếu VN30 nhận được lực cầu đỡ giá vào cuối phiên, giúp chỉ số chính thu hẹp đà giảm. VN-Index lấy lại được mốc 1.100 điểm, đóng cửa chỉ còn giảm hơn 1 điểm, tích cực hơn đáng kể so với trước phiên ATC, có thời điểm “rơi” 8 điểm.

Cổ phiếu bất động sản ra sao sau cuộc họp ‘nóng’ về vốn? - Ảnh 1.

Diễn biến các mã cổ phiếu.

Nhóm bất động sản giao dịch chậm, nhiều mã lớn điều chỉnh như CEO, TCH, ITA, SCR, DXS, DRH, LDG…

Nhóm cổ phiếu lớn khác là ngân hàng cũng giao dịch ảm đạm, thậm chí nhiều mã như VCB, VPB, SSB còn khiến thị trường thêm khó khăn. Sắc đỏ chiếm ưu thế, dù mức giảm không lớn, chủ yếu trên dưới 1% với BID, HDB, TCB, VCB, STB, SHB, VPB. Tuy nhiên, với sức ảnh hưởng của nhóm vốn hoá lớn, sự điều chỉnh đồng loạt của cổ phiếu ngân hàng cũng khiến áp lực điều chỉnh trên thị trường lớn hơn.

Trong khi thị trường phân hoá, điểm sáng nổi lên hôm nay là nhóm ngành thép. HPG dẫn dắt thị trường, đóng góp 1 điểm vào đà tăng chung. Cổ phiếu trong ngành ngập sắc xanh, với TVN, NKG, HSG, VGS, POM, TLH cùng tăng giá. HPG cũng dẫn đầu thanh khoản toàn sàn, giá trị giao dịch gần 1.200 tỷ đồng.

Diễn biến tích cực cùng thanh khoản vượt trội của cổ phiếu thép phần nào gây bất ngờ với thị trường. Bởi, sau thông tin giá điện tăng, dự báo lợi nhuận ngành thép nhận về những ý kiến kém tích cực. Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó có nhóm thép.

Theo ước tính, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất. Chi phí điện tăng 4,5% làm cho giá vốn tăng thêm, tổng lợi nhuận trước thuế của ngành thép giảm 23%.

Thị trường đầu tuần còn ghi nhận giao dịch đột biến tại DBC, tăng 5,26% lên 23.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu tăng mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa công bố phát triển thành công vắc xin Dacovac-ASF2 phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF). Tính từ đầu tháng 11, cổ phiếu DBC của Dabaco đã tăng hơn 30%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,61 điểm (0,15%) xuống 1.100,07 điểm. HNX-Index giảm 0,54 điểm (0,24%) xuống 226,11 điểm. UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (0,06%) xuống 85,98 điểm. Thanh khoản cũng sụt giảm, giá trị giao dịch trên HoSE chỉ hơn 16.040 tỷ đồng. Khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng sang phiên thứ 5 liên tiếp, giá trị gần 360 tỷ đồng, tập trung vào VCB, VHM, MWG, HPG...

Theo Việt Linh

Cùng chuyên mục
XEM