Có nên miễn phí học đại học? : Câu hỏi nhức nhối với cả các nước Phương Tây

17/07/2019 15:00 PM | Xã hội

Bản thân cựu tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chỉ thanh toán xong tiền học phí còn nợ khi vẫn đang tại nhiệm.

Tại Việt Nam, học phí đại học luôn là câu chuyện nhức nhối với phần đông sinh viên. Việc phải thanh toán cả một khối tiền lớn để nhận lại một tấm bằng mà chưa chắc có dùng được hay không khiến nhiều bạn trẻ ngày nay phân vân.

Dẫu vậy, Việt Nam là một xã hội vẫn trọng bằng cấp và một lãnh đạo có tài nhưng không bằng đại học sẽ khó được tôn trọng, một lao động không có tấm bằng trong tay sẽ khó xin việc hơn người tốt nghiệp đại học.

Quay trở lại câu chuyện học phí, rất nhiều ý kiến được đưa ra về miễn phí giáo dục hay các mô hình tài trợ cho sinh viên, bởi nhân lực là tài sản quý giá nhất để phát triển một đất nước. Ngay cả ở Mỹ, người dân hiện nay đang vô cùng bức xúc với tình trạng học phí quá cao ở các trường hàng đầu. Bản thân cựu tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chỉ thanh toán xong tiền học phí còn nợ khi vẫn đang tại nhiệm.

Trớ trêu thay, việc miễn phí giáo dục cũng lại đang gặp nhiều chỉ trích khi bị cho rằng tiền thuế của người dân bị lãng phí cho giới nhà giàu hơn là để trợ cấp cho những người nghèo.

Miễn phí hay không miễn phí?

Năm 2015, ứng cử viên tranh cử tổng thống Bernie Sanders tạo nên cuộc tranh cãi chưa từng có khi quyết định học tiếp tại một trường đại học công lập miễn phí dù đang ở giữa giai đoạn vận động tranh cử.

Những người phản đối cho rằng tiền thuế của nhân dân đáng ra nên dùng để chu cấp người nghèo, tăng an sinh xã hội hơn là phân phối cho giáo dục như vậy. Nguyên nhân là một bộ phận rất đông người giàu, hoặc những người có điều kiện được hưởng lợi từ giáo dục miễn phí, từ tiền thuế của người dân.

Có nên miễn phí học đại học? : Câu hỏi nhức nhối với cả các nước Phương Tây - Ảnh 1.

Trong khi học phí đại học bình quân tại Thụy Điển và Đan Mạch gần như bằng 0 thì lại khá cao ở Mỹ và Anh (USD)

Trên thực tế, phần lớn các nước giàu trên thế giới đều miễn phí hoặc gần như miễn phí tiền học đại học, ngoại trừ những trường quá nổi tiếng hoặc trường tư (tất nhiên là chưa tính đến chi phí sinh hoạt hay các loại tiền thuê sách thư viện, ký túc xá…). Thậm chí các sinh viên Đan Mạch còn được chính phủ chu cấp cả tiền sinh hoạt khi học đại học.

Mặc dù vậy, tiền học phí tại Mỹ và Anh lại đang ngày một tăng và cao ở mức ngất ngưởng. Sự nổi tiếng của những tấm bằng đại học tại Mỹ và Anh khiến nhu cầu học tập tại đây tăng cao, dù chưa chắc chương trình giáo dục đã theo kịp nhu cầu tuyển dụng của các công ty.

Tại Anh, chính phủ cho phép các trường công lập thu học phí từ năm 1998 trong khi tại Mỹ, học phí đại học đã tăng bình quân 3 lần tính kèm lạm phát chỉ trong 30 năm qua.

Những người ủng hộ chuyện đóng học phí cho rằng chính phủ nên tiết kiệm ngân sách cho những thứ hiệu quả hơn, còn chuyện học thì ai có nhu cầu người đó bỏ tiền. Luận điểm của những người này là phần lớn người giàu mới đi học đại học, còn tầng lớp người nghèo thì không có khả năng nên việc trợ cấp giáo dục là lãng phí.

Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy tại những nước giàu, chỉ có khoảng 45% số người trong độ tuổi 25-34 học tiếp và có chứng chỉ sau cấp 3. Phần lớn những sinh viên tốt nghiệp này đến từ tầng trên của xã hội và kiếm được nhiều tiền hơn mặt bằng chung.

Một số chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng sinh viên phải chấp nhận thanh toán chi phí cơ hội khi họ có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai nhờ học đại học.

Trái ngược lại, những người ủng hộ giáo dục miễn phí cho rằng số liệu trên không phản ánh đúng sự thực. Họ cho rằng phần lớn sinh viên thuộc gia đình có điều kiện là do học đại học quá tốn kém. Dù học phí có được trợ cấp phần nào thì vẫn còn rất nhiều khoản chi tiêu như tiền ăn ở, sinh hoạt cùng các loại phí khác.

Việc học đại học không miễn phí đã đẩy rất nhiều lao động tiềm năng thuộc tầng lớp nghèo khỏi những cơ hội việc làm mà họ đáng được hưởng.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy học phí tăng sẽ khiến số sinh viên đại học giảm. Báo cáo của Viện IFS tại Anh cho thấy học phí tăng khoảng 1.243 USD sẽ khiến tổng số sinh viên giảm 3,9 điểm phần trăm. Các kết quả nghiên cứu của trường đại học Harvard, Michigan và Columbia cũng cho ra tương tự.

Thêm nữa, phần lớn những người giàu có sẽ cho con họ học các trường tư hoặc những trường hạng sang nổi tiếng thay vì những trường công lập miễn phí. Bởi vậy trợ cấp học phí là điều đáng làm để nâng cao trình độ lao động cũng như phân phối hiệu quả cơ hội việc làm cho những người nghèo.

Có nên miễn phí học đại học? : Câu hỏi nhức nhối với cả các nước Phương Tây - Ảnh 2.

AB

Cùng chuyên mục
XEM