Có một bãi rác rộng bằng 480 lần Hà Nội ngoài khơi Thái Bình Dương, và một chàng trai chuẩn bị dọn sạch nó
Ước mơ của Boyan Slat thể hiện khả năng của cả một thế hệ trẻ, thế hệ sẽ thay đổi thế giới này.
Năm 2012, khi mới 18 tuổi, em Boyan Slat – nhà sáng chế, nhà đầu tư quốc tịch Hà Lan – đứng trên sân khấu của TEDx Talk, trình bày dự án dọn sạch biển đầy tham vọng của mình.
Lúc ấy, em đưa ra kế hoạch Mảng Rác Lớn Thái Bình Dương – khu vực quy tập rác khổng lồ ngoài khơi Thái Bình Dương, nằm giữa California và Hawaii. Ngay tại thời điểm này đây, rác vẫn cứ liên tục dồn về đây theo dòng biển.
Mảng Rác Lớn Thái Bình Dương được phát hiện năm 1997 bởi thủy thủ, nhà nghiên cứu đại dương Charles Moore, khi ông đang tham gia cuộc thi Đua Thuyền Vượt Thái Bình Dương.
Rác thải dồn về đây do một vòng xoáy nước tạo nên bởi các dòng biển tại vùng Bắc Thái Bình Dương. Một nghiên cứu mới đây cho thấy Mảng Rác này chủ yếu bao gồm rác nhựa, lưới đánh cá và nhiều loại rác thải khác của con người. Nghiên cứu cũng đưa ra số liệu đáng lo ngại: Mảng Rác này lớn hơn dự kiến từ 4 tới 16 lần, và hiện đã gấp đôi kích cỡ của Texas, gấp 3 lần kích cỡ nước Pháp và lớn hơn Hà Nội của chúng ta 480 lần.
Charles Moore dự kiến sẽ phải mất 79.000 năm mới dọn sạch được Mảng Rác khổng lồ này. Nhưng em Boyan Slat tin rằng với một cách thức tiếp cận vấn đề hiệu quả và với công nghệ phù hợp, em có thể dọn sạch chỗ rác này chỉ trong 5 năm.
Không những thế, cách thức dọn biển của em sẽ ít ảnh hưởng tới môi trường và thậm chí nó sẽ còn tạo ra được lợi nhuận.
Đây không chỉ là lời nói suông của cậu bé 18 tuổi muốn có được sự chú ý của toàn thế giới. Tổ chức của cậu Boyan Slat sẽ tiến hành dự án này vào mùa hè này.
Kể từ khi Tổ chức Dọn sạch Biển được thành lập năm 2013, Boyan Slat đã làm việc không ngừng nghỉ để nghiên cứu vấn đề nan giải trên, phát triển những công nghệ phù hợp cho công việc phức tạp này. Nghĩ ra ý tưởng là một chuyện, bắt tay thực hiện ý tưởng với mục tiêu dài hạn lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Sáu năm qua, Slat đã nghiên cứu dòng biển tại Bắc Thái Bình Dương, bên cạnh việc nghiên cứu chính Mảng Rác Lớn Thái Bình Dương, nhằm hiểu rõ về vấn đề mình sẽ phải đối mặt và tìm ra cách thức dọn rác hiệu quả nhất. Dự án này có sự đóng góp công sức của 70 kĩ sư, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và những chuyên gia máy tính mà thành.
Mới chỉ 18 tuổi, Boyan Slat đã nghĩ tới một dự án có thể thay đổi thế giới. Sự thông minh, óc sáng kiến của em đã mang lại cho em những giải thưởng xứng đáng. Năm 2014, Slat trở thành người trẻ nhất từng nhận giải Nhà Vô địch của Trái Đất, giải thưởng môi trường cao nhất mà Liên Hợp Quốc trao tặng. Tạp chí Time tuyên bố mẫu thiết bị dọn biển của Tổ chức Dọn sạch Biển là một trong những Sáng chế Tuyệt vời nhất 2015.
Lịch trình dọn biển sẽ bắt đầu vào mùa Hè năm 2018 này. Slat dự kiến dự án có thể dọn sạch được nửa số nhựa tại Mảng Rác trong vòng 5 năm. Ngày mà cậu Boyan Slat tuyên bố dự án này trước toàn thế giới, em đã nói em có thể dọn sạch trong vòng 5 năm. Nhưng hãy nghĩ tới số rác đã đổ thêm về trong 6 năm qua và những nghiên cứu kĩ càng của tổ chức trước khi bắt tay vào dự án, thì con số 5 năm dọn được một nửa quả thực vẫn cực kì đáng nể.
Slat và đội ngũ của mình đưa ra số liệu rằng Mảng Rác Lớn Thái Bình Dương chứa xấp xỉ 1,8 nghìn tỷ mảnh rác nhựa. Con số ấy tương đương với việc mỗi người trên Trái Đất thải ra 241 mảnh rác. Nhiều trong số đó vỡ ra thành những mảnh nhỏ, nhưng chúng chẳng bao giờ phân hủy được, cứ thế gây ảnh hưởng tới cuộc sống của sinh vật biển và rồi cuối cùng, ảnh hưởng tới chính con người khi chúng ta ăn hải sản.
"Em có những bằng chứng hậu thuẫn mình để nói rằng", Boyan Slat nói, "mọi chuyện tồi tệ hơn chúng em tưởng nhiều".
Tuy vậy, Slat vẫn rất lạc quan khi em mô tả quá trình nghiên cứu để dự án dọn biển đến được ngày hôm nay.
Một điều mà nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra đó là "để vớt được rác nhựa", một người phải "hành động, suy nghĩ như thể chính mình là mảnh nhựa ấy". Không phải coi mình là rác rưởi đâu, mà là sử dụng các chương trình giả lập máy tính để xem xem dòng biển chảy ra sao, rác nhựa sẽ dập dềnh trên đại dương như thế nào để có thể đón đầu rác, không cần tới những biện pháp giải quyết khi rác đã về tới Mảng Rác Lớn.
Dự án được Boyan Slat ấp ủ từ những ngày em mới 18 tuổi sắp chứng minh với thế giới tính hiệu quả của nó. Theo dõi từng bước chân của Slat, chúng ta có thể thấy nguồn cảm hứng mãnh liệt từ tuổi trẻ cũng như thấy rõ rằng chính lớp trẻ sẽ là những người thay đổi thế giới này. Từ những việc "nhỏ nhặt" nhất, như dọn một bãi rác rộng 1,6 triệu km2 lênh đênh ngoài khơi Thái Bình Dương.