Có khởi nghiệp thất bại, mất hết tiền đầu tư tôi mới biết: Ông chủ tốt sẽ nói chuyện với nhân viên về LỢI NHUẬN, ông chủ tồi hoàn toàn chỉ bàn về ƯỚC MƠ!

30/10/2018 14:07 PM | Kinh doanh

Sau khi thành công bạn mới có thể nói về nỗi vất vả của chính mình. Lúc chưa thành công, bạn nên im lặng.

Nội dung bài viết trích từ cuốn "Sống thực tế giữa đời thực dụng", tác giả Mễ Mông, do Vibooks phát hành.


Thời điểm công ty mới thành lập, quy mô rất lớn, chí hướng rất cao: Chúng tôi phải trở thành công ty lớn mạnh nhất toàn cầu. Văn hóa doanh nghiệp, chế độ nhân sự đều tham khảo từ Apple, Facebook, Google. Tôn chỉ hoạt động của chúng tôi là: Xây lại trật tự, thay đổi thế giới.

Kết quả, dưới sự lãnh đạo anh minh của tôi, chưa đến hai năm.

Đến tháng 8 năm ngoái, đúng 10 tháng thành lập

Công ty của tôi

đã nhanh chóng…

phá sản rồi.

(1)

Doanh nghiệp không có lợi nhuận chính là một cái tội

Tôi là người có thói quen chuẩn bị trước mọi việc. Khi mới mở công ty, tôi đã nghiên cứu Steve Jobs, Mark Zuckerberg. Chỉ những người ở đẳng cấp như họ mới xứng làm thầy giáo tinh thần của tôi. Dù sao tôi cũng sắp trở thành doanh nhân xuất sắc trên thế giới. Mục tiêu căn bản để họ thành lập công ty không phải vì lợi nhuận, mà là vì theo đuổi sự nghiệp, để thay đổi thế giới.

Tôi luôn nhấn mạnh điểm này với nhân viên, tôi có một mơ ước, tôi muốn làm ra một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng nhất, thay đổi ngành giải trí trong nước. Tôi mở công ty tuyệt đối không phải vì lợi nhuận, điều đó quá thấp kém.

Một nhân viên của tôi nói, sếp ơi, lần đầu tiên em nghe chị nói câu này, em cảm thấy chị không phải kẻ lừa đảo, chỉ là quá ngốc nghếch. Sau khi cùng làm việc với chị một thời gian, em khẳng định, chị chính là một kẻ ngốc.

Tôi không phục. Thế là, tôi dùng thời gần một năm trời để chứng minh, anh ta đúng rồi.

Tôi nói được làm được, nói không vì lợi nhuận lập tức làm việc không vì lợi nhuận.

Đến tháng 8 năm ngoái, 4 triệu tệ (gần 3,5 tỷ VNĐ) công ty đầu tư đều thua lỗ hết.

Trong tài khoản của tôi không còn một đồng. Không có tiền lương để trả cho nhân viên.

Jack Ma từng nói, công ty hoạt động không vì lợi nhuận là công ty vô đạo đức. Một doanh nghiệp nên cảm thấy xấu hổ vì không kiếm ra tiền. Cho dù giá trị quan của doanh nghiệp đó là gì, thành lập dựa trên nền tảng nào, điều đầu tiên phải làm là kiếm tiền. Tất cả các doanh nghiệp đều phải nhớ kỹ, tuyệt đối đừng nghĩ đến chuyện đầu tư trước, sau mới kiếm tiền. Phải kiếm tiền ngay từ đầu.

Ngay cả nhân viên còn không nuôi nổi, có tư cách gì thay đổi thế giới?

Ngay cả tiền lương hàng tháng không trả nổi, có cơ hội gì nói về tương lai?

Ngay cả tiền cũng không kiếm được, có tư cách gì nói đến ước mơ?

Kiếm tiền là tiêu chuẩn duy nhất kiểm tra phương thức buôn bán của bạn.

Xin hãy nhớ: Ông chủ tốt nói chuyện với nhân viên về lợi nhuận. Ông chủ tồi hoàn toàn không nói chuyện về lợi nhuận, chỉ nói về ước mơ.

Có khởi nghiệp thất bại, mất hết tiền đầu tư tôi mới biết: Ông chủ tốt sẽ nói chuyện với nhân viên về LỢI NHUẬN, ông chủ tồi hoàn toàn chỉ bàn về ƯỚC MƠ! - Ảnh 2.

(2)

Tính chuyên nghiệp cơ bản còn không có thì đừng nói đến văn hóa doanh nghiệp

Tháng 11 năm kia, công ty chúng tôi lần đầu đăng thông báo tuyển dụng. Được cho là một trong những thông báo tuyển dụng thú vị nhất lịch sử. Cũng chính là một dấu hiệu rõ ràng cho việc công ty sắp đi vào ngõ cụt.

Hãy đọc những dòng dưới đây:

"Đúng vậy, thức ăn trong căn tin công ty chúng tôi đều là mỹ vị, nhưng chúng tôi không phải trường học nấu nướng kiểu phương đông mới thành lập, chúng tôi là công ty truyền thông giải trí. Việc chính của chúng tôi là ăn, thời gian rảnh rỗi mới truyền thông."

Công ty như vậy mà không phá sản thì đúng là ông trời không có mắt, đúng không?

Lúc đó, tôi đang xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho công ty: vui vẻ, phát triển và vẻ vang. Một mình tôi phải kiêm rất nhiều công việc khác: tiếp thị, phát hành, quảng cáo. Tôi còn dành nhiều thời gian nấu đồ ăn ngon cho công nhân viên. Sau mấy tháng, việc làm này thu được hiệu quả rõ rệt, bình quân công nhân viên của tôi đều tăng lên 5kg. Một công ty, sản phẩm không làm tốt, tính chuyên nghiệp căn bản chưa được thiết lập, thì không nên nói đến văn hóa doanh nghiệp.

Điều quan trọng nhất tôi học được trong thời gian này chính là đừng tiếp tục học theo Steve Jobs nữa. Tôi không đủ tư cách. Bạn không thể trở thành thiên tài, trừ phi bạn vốn là một thiên tài.

Lúc mới gây dựng sự nghiệp, điều duy nhất chúng tôi nên làm là tập trung vào sản phẩm nòng cốt. Tận tâm tận lực xây dựng kỹ thuật nòng cốt với trình độ cao gấp 10 lần công ty khác. Tập trung cao độ, đột phá từng bước. Công ty mới có chỗ đứng.

Sở trường duy nhất của tôi là viết content. Đầu tư, phát hành, quản lý, quảng cáo, tôi đều không biết gì. Vì vậy hiện tại ngoài viết content ra, còn lại đều không phải việc của tôi. Tôi cũng không thể tốn thời gian đi làm những thứ khác.

Nếu tôi thật sự là một kẻ ngốc. Thì ít nhất tôi cũng là một kẻ ngốc chuyên tâm, chứ không phải một kẻ ngốc cái gì cũng làm chút chút.

Có khởi nghiệp thất bại, mất hết tiền đầu tư tôi mới biết: Ông chủ tốt sẽ nói chuyện với nhân viên về LỢI NHUẬN, ông chủ tồi hoàn toàn chỉ bàn về ƯỚC MƠ! - Ảnh 3.

(3)

Đừng tự khiến mình cảm động, bạn thê thảm, bạn xứng đáng.

Tự lập nghiệp rất dễ bị cảm xúc chi phối, cảm thấy chao ôi, tôi đang theo đuổi ước mơ, tôi đang vất vả , tôi thật vĩ đại. Tôi cũng đã trải qua cảm giác đó. Để tiết kiệm thời gian, ngày nào tôi cũng ở lại công ty, ngủ trên sô pha, đấy là lúc may mắn thôi, lúc xui xẻo chỉ có thể ngủ dưới sàn nhà. Bận bịu từ sáng sớm tới đêm khuya, không có một giây ngơi nghỉ.

Tôi cảm thấy mình đang nỗ lực. Giống như lúc mới sinh con, nhìn công ty của mình, lúc nào cũng thấy thật oách. Chiến lược của tôi quá xuất sắc, hạng mục của tôi quá lớn lao.

Đây là một dạng tự kỷ. Thực tế, tự lập doanh nghiệp phải hiểu rõ, nỗ lực là việc nên làm có gì đâu phải khoe khoang. Bạn theo đuổi mơ ước là lựa chọn của bạn, đâu ảnh hưởng đến người khác? Sau khi thành công bạn mới có thể nói về nỗi vất vả của chính mình. Lúc chưa thành công, bạn nên im lặng. (Tại sao tôi chưa thành công mà vẫn kể lể mình khó khăn? Bởi tôi là một người nói không suy nghĩ.)

Bạn vất vả, bạn thê thảm, bạn đáng bị như vậy.

Quan trọng hơn, nhiều lúc nỗ lực của chúng ta cực kỳ mù quáng. Sự siêng năng chúng ta nhìn thấy rất nhỏ bé. Ngày nào cũng mệt nhoài, chúng ta không kịp dừng lại suy nghĩ mục tiêu của mình có đúng không? Việc chúng ta nên làm nhất là suy nghĩ kỹ mục tiêu và chiến lược của bản thân. Mục tiêu sai, nỗ lực của bạn chẳng qua cũng chỉ là kiên trì làm sai.

Có khởi nghiệp thất bại, mất hết tiền đầu tư tôi mới biết: Ông chủ tốt sẽ nói chuyện với nhân viên về LỢI NHUẬN, ông chủ tồi hoàn toàn chỉ bàn về ƯỚC MƠ! - Ảnh 4.

(4)

Tuyệt đối đừng tùy hứng, toàn đội sẽ phải gánh chịu sai lầm của bạn.

Thời gian đầu lập nghiệp, tôi tự cho mình là người sếp tâm lý, giàu tình cảm. Tôi hùng hồn hứa với công nhân viên rằng, công ty chúng ta không ép ai nghỉ việc, muốn nhân viên và công ty cùng nhau tiến bộ, trưởng thành.

Đến tháng 8 năm ngoái, công ty phá sản, một mình tôi về cơ bản không thể nuôi được một đội hơn 20 người, tôi chỉ dám giữ lại một nhóm nhỏ khoảng vài người, cùng tôi tìm một con đường mới, những công nhân viên còn lại tôi buộc phải cho nghỉ việc.

Lúc đó nhân viên của tôi đều rất ưu tú và chăm chỉ. Họ trường kỳ tăng ca, có nhân viên còn lập kỷ lục làm việc liên tục 60 giờ không ngủ.

Họ là những công nhân viên tốt nhất, còn tôi là một vị sếp kém cỏi. Công ty rơi vào tình cảm này đều do sơ suất trong quyết sách của tôi. Bọn họ vô tội, nhưng tôi vẫn phải cho nghỉ việc. Tôi gọi những người đó tới, chưa mở lời đã khóc. Tôi không còn mặt mũi nào, tôi đã nói nhiều lần rằng tuyệt đối không bắt ai phải nghỉ việc, nhưng bây giờ lại nuốt lời, thật quá mất mặt.

Dù họ tức giận, oán trách hay trở mặt, cũng chẳng có gì sai.

Vậy mà họ lại an ủi tôi.

Họ rất hiểu cho hoàn cảnh của tôi, bảo tôi tuyệt đối đừng lo lắng và không cần phải áy náy, họ tìm việc rất dễ dàng. Thậm chí họ còn chấp nhận tiếp tục làm việc không lương nữa. Họ đóng góp ý kiến phải lên kế hoạch thế nào để sau này đội còn lại đến Bắc Kinh làm việc không mắc phải sai lầm. Việc này càng làm tôi thêm áy náy.

Ba ngày cho nhân viên nghỉ việc, tôi khóc từ sáng đến tối muộn, không thể nào chợp mắt, ăn cơm cũng khóc, tắm cũng khóc, đi trên đường cũng khóc. Sau khi tuyên bố cho công nhân nghỉ việc, công ty chúng tôi vẫn có một vài việc cần phải làm tiếp, đến cuối tháng 9 mới kết thúc. Những nhân viên buộc phải nghỉ việc vẫn bằng lòng ở lại, làm tốt những việc cần làm. Họ tiếp tục đóng góp, tiếp tục tăng ca, tiếp tục dốc sức vì công ty.

Ba ngày cho công nhân nghỉ việc là trải nghiệm đau lòng nhất trong lịch sử lập nghiệp của tôi. Tâm trạng tôi khi đó khó chịu hơn nhiều so với việc phải bồi thường hết tiền và thế chấp nhà. Chuyện đó trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất trong đầu tôi, khi nghĩ đến công ty hoạt động không tốt phải giải tôi không dám lười biếng, càng không dám tùy tiện quyết định việc gì.

Trước đây tôi vô tâm vô tư, thiếu trách nhiệm, thường quên những việc đã hứa với người khác, không nộp bản thảo đúng hẹn. Dù hiện tại tôi vẫn chậm tiến độ nhưng đã có trách nhiệm hơn, cứ nghĩ bất cứ sơ suất nào cũng có thể khiến cả đội phải trả giá, tôi không dám tùy tiện nữa. Một trong những động lực lớn nhất của tôi bây giờ là công ty nhanh chóng tăng lợi nhuận, để có thể đón những công nhân viên cũ đến làm việc.

Khởi nghiệp có cảm giác gì?

Khởi nghiệp là mỗi ngày mở mắt, lập tức muốn rời giường, bởi có cả một tập thể đang chờ đợi.

Khởi nghiệp là bước lên tàu cướp biển, muốn xuống không xuống được.

Khởi nghiệp là hận thù chính mình sao lại đi đến nông nỗi này, cảm giác giống như gặp quỷ.

Khởi nghiệp là cảm giác rất mạo hiểm, rất kích thích, và không muốn dừng lại.

Càng quan trọng hơn, nếu không có kinh nghiệp lập nghiệp một năm trước… Sao tôi có thể buột miệng nói ra câu: Tôi cũng là một người từng mở công ty bị phá sản.

Mai Phương

Cùng chuyên mục
XEM