Cơ hội "lãi to" cho doanh nghiệp từ CPTPP và "từ khoá" để nắm bắt thời cơ
Hôm nay (8/3), Hiệp định CPTPP sẽ được 11 nước ký kết chính thức tại Chile. Phiên bản mới của TPP sẽ mang lại không ít lợi ích cho đất nước về tăng trưởng kinh tế và kim ngạch xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp cơ hội "lãi to" nhờ CPTPP
Cũng như TPP, Hiệp định CPTPP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Bởi vậy, hiệp định không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế qua đối với hàng hoá, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ… mà còn xử lý vấn đề mới, phi truyền thống, ví dụ như lao động, môi trường, mua sắm chính phủ, DNNN…
Mặt khác, CPTPP còn đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hoá cũng như đưa ra các cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc chặt chẽ. Đơn cử như việc mở cửa thị trường, các nước tham gia CPTPP đồng ý xoá bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình hay tự do hoá dịch vụ đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật nước sở tại… Những điều này đã tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp, người tiêu dùng các nước thành viên.
Mặc dù CPTPP không còn Hoa Kỳ, nhưng Bộ Công thương vẫn khẳng định lợi ích mà Việt Nam đạt được là không hề nhỏ. Nguyên nhân là thị trường các nước tham gia CPTPP vẫn quy mô lớn. Việc ký kết sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt sang các nước như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico… cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực và Việt Nam có nhu cầu phát triển.
"Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… là các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ Hiệp định", Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ví dụ như đối với ngành dệt may, Nhật Bản đang là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân là 23%/năm. Dù tỷ trọng hàng may mặc của Việt Nam thấp hơn so với Trung Quốc (6% so với 65%) nhưng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc về lượng đang giảm mạnh, trong khi từ Việt Nam thì tăng lên do những ưu đãi về thuế. Australia và Canada cũng là các thị trường tiềm năng, dư địa lớn.
Hay như ngành thuỷ sản, theo ước tính, các nước CPTPP hàng năm nhập khẩu 2 tỷ USD hàng hoá, tương đương 23% tổng kim ngạch. Trong đó, riêng thị trường Nhật đã chiếm đến 15%. Như vậy, riêng với thị trường này các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
"Các ngành sản xuất hàng hoá phát triển mạnh sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho ngành vận tải", ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nói với Trí Thức Trẻ. Ông nhấn mạnh CPTPP sẽ là cú huých cho các doanh nghiệp logistics bùng nổ trong thời gian tới.
"Chúng tôi đang rất hào hứng", ông không dấu được kỳ vọng và cho biết các doanh nghiệp đang đi vào xem xét từng vấn đề cụ thể, từ đó xây dựng chiến lược phát triển để đón đầu lợi ích có được khi CPTPP được ký kết.
Chủ động thì hưởng lợi, lơ là sẽ trả giá!
Các thông báo phát đi gần đây của Bộ Công thương đều nhấn mạnh hai từ "chủ động". Lợi ích của CPTPP đang ở trước mắt, tuy nhiên, để nắm được nó, các doanh nghiệp Việt Nam cần có các động thái quyết liệt.
"Nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá". Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Theo đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan đối với những mặt có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát đối với Hiệp định, không chỉ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Một yếu tố quan trọng khác là cần thay đổi tư duy trong kinh doanh bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
Bởi vì CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.