Cô gái sinh năm 2000 khoe từng làm chủ doanh nghiệp, kinh qua nhiều vị trí C-levels ‘đấu’ thế nào với Marketer 27 tuổi mong lương 45 triệu?

28/11/2022 12:15 PM | Kinh doanh

“Cơ Hội Cho Ai?” tập 13 đã chứng kiến cuộc đối đầu của hai ứng viên Gen Z đầy tự tin. Trần Mai Anh, sinh năm 2000, cho biết từng là chủ doanh nghiệp, kinh qua nhiều vị trí cao như Giám đốc điều hành, Giám đốc Vận hành, Giám đốc Phát triển trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối thủ của Mai Anh là Duy Anh, sinh năm 1995, mong lương 45 triệu đồng/tháng, đặt mục tiêu năm 30 tuổi sẽ trở thành CMO.

Ứng viên Trần Mai Anh (trái) và Phạm Lâm Duy Anh (phải).
Ứng viên Trần Mai Anh (trái) và Phạm Lâm Duy Anh (phải).

Cơ Hội Cho Ai? - Whose Chance?” vừa ghi nhận cuộc đối đầu của 2 ứng viên Gen Z khá thú vị.

Trần Mai Anh, 22 tuổi, đến từ Đà Nẵng. Nữ ứng viên cho biết từng làm chủ doanh nghiệp, cũng từng trải qua các vị trí như: Giám đốc điều hành, Giám đốc Vận hành, Giám đốc Phát triển trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cô cũng từng là Chủ nhiệm miền Trung CLB Doanh nhân Khởi nghiệp Việt Nam (VSBC) với hơn 68 nghìn thành viên.

“Tôi từng là chủ doanh nghiệp, cũng từng là Giám đốc Phát triển của một công ty về bán lẻ, mà ở đây tôi có 35 ngày để mở cửa 9 chi nhánh. Vào đầu năm 2022, tôi là Giám đốc Vận hành của một doanh nghiệp về ngành dịch vụ. Chúng tôi đã cùng nhau tăng trưởng doanh thu lên đến 8 lần so với tháng đầu tiên mà tôi nhận dự án”, Mai Anh bổ sung các thành tích đạt được.

Đối thủ của Mai Anh là Phạm Lâm Duy Anh, 27 tuổi, đến từ TPHCM. Nam ứng viên tốt nghiệp cao đẳng, chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp, thuộc ĐH Tài chính – Marketing. Anh có 10 năm kinh nghiệm làm việc tại các agency lớn trong lĩnh vực Marketing cho nhiều ngành hàng từ Tiêu dùng nhanh, Ăn uống, Bất động sản, ở nhiều vai trò như: Sáng tạo nội dung, truyền thông, quản trị khủng hoảng.

Cô gái sinh năm 2000 khoe từng làm chủ doanh nghiệp, kinh qua nhiều vị trí C-levels ‘đấu’ thế nào với Marketer 27 tuổi mong lương 45 triệu? - Ảnh 1.

Ứng viên Phạm Lâm Duy Anh.

Duy Anh cho hay, tại một doanh nghiệp về ăn uống mà anh từng cộng tác trước đây, sau thời gian dài đóng cửa vì dịch, thì từ tháng 10/2021 đến hết tháng 12/2021, tức chỉ sau 3 tháng kể từ lúc các chỉ thị liên quan đến giãn cách xã hội ở TPHCM được dỡ bỏ, nam ứng viên đã hoàn thành KPI của trọn năm. Nam ứng viên cho biết mục tiêu của anh là 3 năm nữa có thể trở thành Giám đốc Marketing, hoặc CMO.

Cựu CEO và CMO tương lai tranh luận thế nào?

Cô gái sinh năm 2000 khoe từng làm chủ doanh nghiệp, kinh qua nhiều vị trí C-levels ‘đấu’ thế nào với Marketer 27 tuổi mong lương 45 triệu? - Ảnh 2.

Câu hỏi tranh biện dành cho 2 ứng viên ở vòng Đối mặt là: “Bạn ủng hộ hay phản đối việc tiểu thương đập bỏ hoa chiều 30 Tết?”.

Là người đưa ra quan điểm trước, Duy Anh cho rằng sẽ không có đúng và sai hoàn toàn trong trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, nam ứng viên thông cảm cho tình huống này dưới góc độ của những tiểu thương. Khi họ quyết định đập bỏ hoa vào chiều 30 Tết, có nghĩa là ít nhất họ đã huề vốn, không phải tốn chi phí vận chuyển hoa không bán được về nhà và cũng là sự thể hiện thái độ với người mua về việc cứ đợi đến sát giờ mới mua hoa để ép giá.

Mặt khác, về phía người mua, bao năm qua, như một quy luật bất thành văn, giá hoa từ những ngày 20 Tết đến ngày 30 Tết có sự chênh lệch rất lớn. Tiểu thương thách giá rất cao đối với những người đi mua hoa sớm, chính vì thế mới dẫn đến tâm lý đến tận ngày 30 Tết mới đi mua hoa của một số bộ phận người dân.

Duy Anh cũng bổ sung, những tiểu thương, nông dân là những người không có quá nhiều kiến thức về kinh tế, xã hội, nên việc họ đặt lợi ích cá nhân lên trên có thể thông cảm được.

Ý kiến này của Duy Anh vấp phải sự phản bác từ phía đối thủ, Mai Anh cho rằng nếu muốn biết nhu cầu của khách hàng là gì, thì hãy đến chợ. Vì thế, đôi khi chính những tiểu thương, những người nông dân mới là những người am hiểu thị trường nhất.

“Đến chợ là chợ gì? Chợ hoa Tết có đại diện cho nền Kinh tế Việt Nam không? Không chắc. Đúng hay sai thì mình phải chọn góc độ để nhìn vào hiện tượng. Nếu Mai Anh nhìn vào lợi ích xã hội thì hoan hô. Còn ở đây, Duy Anh đang nhìn với góc độ của những người nông dân”, Duy Anh phản pháo.

Quay trở lại câu hỏi tranh biện, Mai Anh cho rằng việc các tiểu thương đập hoa vào chiều 30 Tết, với lối suy nghĩ rằng “tôi không muốn ai trục lợi từ tôi”, nữ ứng viên đồng ý, tuy nhiên cô phản đối hành động đập hoa vì 3 lý do: lãng phí, phản ảnh một văn hóa không đẹp và tiêu tốn các nguồn lực khác ví dụ như phải dọn dẹp vệ sinh. Cô cho rằng đã đến lúc các hiệp hội, thương hội có liên quan hãy cùng chung tay để giúp đỡ những người nông dân trong tình huống này. Cựu CEO 22 tuổi khẳng định “có niềm tin là hoàn toàn có thể làm được”.

Vấn đề ở tư duy, không ở “đúng – sai”, cả hai đều bị loại

Cô gái sinh năm 2000 khoe từng làm chủ doanh nghiệp, kinh qua nhiều vị trí C-levels ‘đấu’ thế nào với Marketer 27 tuổi mong lương 45 triệu? - Ảnh 3.

Quan sát 2 ứng viên phản biện lẫn nhau, Sếp Thuấn đặt câu hỏi: “Nếu em làm Marketing cho một doanh nghiệp về hoa, thì em sẽ làm như thế nào để không dẫn đến tình trạng hàng tồn và phải tiêu hủy. Trong trường hợp tồn thì làm thế nào để không phải tiêu hủy?”.

Mai Anh đưa ra 2 phương án: Một là mang đi làm thành hoa khô, hai là dùng để làm từ thiện.

Duy Anh bổ sung dưới góc độ của một doanh nghiệp, chúng ta cần phải quản trị được nguồn hàng, nguồn vào và ra phù hợp, không thể cứ để tồn rồi đi làm từ thiện mãi.

Ý kiến của các ứng viên được CEO ASIM đánh giá là “tích cực và ngây thơ”.

Sếp Quyền tìm hiểu Mai Anh: “Em có nói nếu tồn hoa thì mang đi từ thiện. Vậy lật ngược vấn đề, như vậy có công bằng không đối với những người đã tiêu tốn nhiều tiền để mua hoa sớm. Và ngân sách mang hoa đi từ thiện ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

Nữ ứng viên sinh năm 2000 chia sẻ doanh nghiệp thì phải kiếm tiền, nhưng bên cạnh việc tạo ra doanh thu còn phải có trách nhiệm với xã hội, có nhiều phương án khác nhau cho hệ sinh thái đó.

Sếp Quyền tiếp tục hỏi Mai Anh: “Anh vẫn muốn tìm hiểu nhiều hơn về chủ đề của chương trình. Lúc nãy em có chia sẻ là chúng ta cùng nhau chung tay để chấm dứt hiện trạng đó. Vậy chúng ta, mà ở đây là em, sẽ làm gì để chấm dứt tình trạng đó?”.

Mai Anh khẳng định cô sẽ tạo ra một cộng đồng. Đi từ suy nghĩ, lý tưởng, cô sẽ tìm kiếm những con người có chung mục đích để cùng nhau nỗ lực vì mục tiêu chung.

Kết thúc vòng Đối mặt, Duy Anh giành chiến thắng suýt soát trước đàn em với điểm số 3/5, đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng trong.

Mặc dù chiến thắng đối thủ để vào vòng trong, Duy Anh cũng không đủ điều kiện đi tiếp khi có tới 4/5 sếp bấm đèn đỏ, không lựa chọn anh. Nhảy việc quá nhiều, thời gian gắn bó với công ty ngắn, cộng thêm bệnh “ám ảnh quyền lực”, mong muốn được trao quyền của Duy Anh là những điểm trừ.

Là người duy nhất bấm đèn xanh cho nam ứng viên, sếp Thuấn cho biết dù định hướng của Duy Anh chưa rõ ràng, ông vẫn dự tính đưa ứng viên vào vị trí trưởng nhóm Marketing khu vực miền Nam, phụ trách một hệ thống phân phối công nghệ. Tuy nhiên, mức lương kỳ vọng của chàng trai có tham vọng làm CMO 3 năm tới là 45 triệu đồng – một mức mà ngay cấp trưởng phòng của Bảo Ngọc, khi được offer trên truyền hình, cũng còn cách khá xa.

Mai Anh, mặc dù không được chính thức lựa chọn trên truyền hình, nhưng cô gái trẻ đến từ Đà Nẵng cũng nhận được 2 offer "ngầm" từ sếp Thuấn của Bảo Ngọc và sếp Lưu Nga của Elise. Tuy nhiên, cô gái không đưa ra lựa chọn nào trên sóng truyền hình.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM