Cô gái hoại tử hậu môn vì tự chữa bằng thuốc "truyền miệng": BS viện 108 cảnh báo căn bệnh dân văn phòng rất hay gặp nhưng NGẠI không đi khám, để lâu buộc phải đụng dao kéo
Nghe lời bạn sử dụng thuốc nam để chữa bệnh trĩ, cô gái nhận quả đắng khiến vùng cơ hậu môn và tầng sinh môn đều bị hoại tử.
Theo thống kê trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh trĩ tại Mỹ, ở những người từ 50 tuổi trở lên chiếm 70%. Ở nước ta độ tuổi 40 trở lên, số người mắc bệnh trĩ chiếm khoảng 60-70%.
Cùng với tài xế, dân văn phòng là những đối tượng dễ mắc bệnh trĩ nhất do tính chất công việc thường xuyên phải ngồi nhiều. Bên cạnh đó, áp lực công việc cao, thói quen nhịn đi đại tiện và thường xuyên uống bia, rượu... cũng là nguyên nhân trực tiếp gây trĩ.
Nhận "trái đắng" khi tự chữa trĩ bằng thuốc "truyền miệng"
Chị Trần Thị Kh. (31 tuổi, quê ở Bắc Giang) mắc bệnh trĩ 11 năm nay. Chị bôi thuốc nam khoảng 2 tuần, bệnh tình không tiến triển, thậm chí gây hoại tử vùng cơ hậu môn và tầng sinh môn.
Theo lời chia sẻ của chồng chị Kh, chị Kh bị bệnh trĩ nhiều năm nhưng chưa từng đi khám hay chữa ở cơ sở y tế. Khoảng 1 tháng trở lại đây, chị Kh thấy đau rát nhiều, đi vệ sinh khó khăn, trĩ có biểu hiện sưng to hơn.
Sau đó, chị Kh được bạn giới thiệu sử dụng thuốc nam nhưng khi bôi, thuốc chảy rớt xuống vùng hậu môn khiến chị thấy đau rát, bỏng và loét vùng hậu môn. Thật không may, sau khi dùng thuốc, búi trĩ không những không khỏi mà trĩ sa to nhiều hơn, kèm theo đau rát. Đến khi búi trĩ có nhiều điểm tím đen thì gia đình mới đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (TWQĐ 108) khám.
Nữ bệnh nhân bị hoại tử hậu môn vì dùng thuốc nam để chữa bệnh trĩ. Ảnh: BV 108
Qua thăm khám, bác sỹ Bệnh viện TWQĐ 108 chẩn đoán bệnh nhân bị trĩ hỗn hợp độ IV, hoại tử rộng vùng cơ hậu môn và tầng sinh môn. Các bác sỹ đã cắt lọc búi trĩ hoại tử, làm hậu môn nhân tạo đại tràng sigma, sau đó tiếp tục điều trị ngâm rửa để chờ phẫu thuật những lần tiếp theo.
PGS.TS Triệu Triều Dương – Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa cho biết: "Bệnh nhân Kh cần phải phẫu thuật nhiều lần mới hy vọng cải thiện một phần chức năng tự chủ của hậu môn. Di chứng rất nặng nề sau điều trị nguy cơ bệnh nhân bị hẹp hậu môn, rối loạn chức năng hậu môn do tổn thương cơ thắt hậu môn và có thể phải tạo hình cơ thắt hậu môn bằng cơ thon".
"Tôi chẳng dám trách ai cả, trách mình chưa tìm hiểu kỹ. Bây giờ, nằm cũng đau, ngồi cũng đau", chị Kh chia sẻ.
Bệnh trĩ là gì và phân loại bệnh trĩ
Bệnh trĩ theo dân gian còn gọi là bệnh lòi dom, bệnh được tạo thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn.
Trĩ chủ yếu có 2 loại, bao gồm trĩ nội (internal hemorrhoids) và trĩ ngoại (external hemorrhoids) .
Trĩ ngoại: Là khi búi trĩ xuất phát phía dưới đường lược (hay còn gọi là đường hậu môn-trực tràng). Lúc này búi trĩ được phủ bởi lớp biểu mô vảy và nằm bên dưới lớp da bao quanh hậu môn.
Trĩ nội: Nếu búi trĩ xuất phát phía trên đường lược thì được gọi là trĩ nội. Búi trĩ được bao phủ bởi niêm mạc và lớp biểu mô chuyển tiếp.
Dựa vào sự tiến triển của búi trĩ còn nằm bên trong hay đã sa ra khỏi hậu môn, chúng ta có các cấp bậc phân loại sau:
Trĩ độ 1: Búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn.
Trĩ độ 2: Lúc bình thường trĩ nằm gọn trong ống hậu môn, khi rặn đi cầu búi trĩ thập thò hay lòi ít ra ngoài. Khi đi cầu xong đứng dậy búi trĩ tự thụt vào trong.
Trĩ độ 3: Mỗi lần đi cầu hoặc đi lại nhiều, ngồi xổm, làm việc nặng thì búi trĩ lại sa ra ngoài. Lúc này phải nằm nghỉ một lúc búi trĩ mới tụt vào hoặc dùng tay đẩy nhẹ vào.
Trĩ độ 4: Búi trĩ gần như thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn.
Dân văn phòng "đứng ngồi không yên" với bệnh trĩ
Triệu chứng của bệnh trĩ
Các dấu hiệu và triệu chứng của trĩ có thể bao gồm:
- Chảy máu không kèm đau trong quá trình đi tiêu. Ban đầu có thể thấy một lượng kín đáo máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu. Chảy máu là triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất. Về sau khi rặn nhiều thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Nặng hơn là khi ngồi xổm cũng chảy máu.
- Ngứa hoặc kích thích ở vùng hậu môn do dịch nhầy từ sự bài tiết của niêm mạc ống hậu môn.
- Đau hoặc khó chịu, dao động từ không đau, đau ít đến rất đau do nứt hậu môn, tắc hoặc nghẹt.
- Sưng vùng quanh hậu môn
- Một khối nhô lên gần hậu môn, rát hoặc đau (có thể là huyết khối tại búi trĩ)
Phòng ngừa trĩ bằng cách nào?
Một chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý có thể giúp phòng bệnh trĩ như:
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả mát, uống nhiều nước, sẽ làm phân mềm hơn khi đi cầu sẽ dễ dàng hơn giúp giảm nguy cơ gây bệnh.
- Tập luyện: Một chế độ tập luyện thể dục phù hợp sẽ giúp làm giảm áp lực lên tĩnh mạch, nhất là trong các trường hợp dân công sở ngồi nhiều, đứng lâu, tập luyện cũng sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng béo phì gây nên bệnh trĩ.
Bệnh trĩ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thường ngày của dân công sở
- Tránh căng thẳng hoặc làm việc quá sức; tránh đứng, ngồi lâu
- Đại tiện ngay khi có cảm giác muốn đi cầu
- Dân văn phòng cần thay đổi các thói quen xấu như nhịn hay đi đại tiện quá sức, thường xuyên để cơ thể gặp căng thẳng, uống rượu, bia...
PGS.TS. Triệu Triều Dương cũng khuyến cáo người dân cần trang bị kiến thức, tìm hiểu thuốc trước khi sử dụng. Hiện nay, các phương pháp không rõ nguồn gốc, thiếu cơ sở khoa học, nhiều người dân đã tin dùng và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Như trường hợp của bệnh nhân Kh, hậu quả để lại nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Những bệnh nhân mắc bệnh vùng hậu môn trực tràng, trong đó có bệnh trĩ cần đến khám ở các cơ sở y tế chuyên về hậu môn – trực tràng để có chẩn đoán một cách chính xác, đầy đủ và đưa ra phương án điều trị tốt nhất.
Nguồn: Bệnh viện TWQĐ 108; y tế Vinmec