Cô gái Hà Nội chi gần 1 tỷ để mua nội y và lý giải của thạc sĩ tâm lý về chứng "nghiện" mua sắm của nhiều người
Theo Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Xuân Phong, hành vi nghiện mua sắm chỉ là bề nổi, chưa phải là vấn đề chính mà những người nghiện mua sắm thực sự gặp phải. Họ là những kẻ cô đơn, vướng mắc những căng thẳng trong cuộc sống. Họ nghĩ rằng mua sắm thật nhiều như một giải pháp để giải quyết các vấn đề đó.
An, 25 tuổi, có xuất hiện hành vi nghiện mua sắm trong suốt nhiều năm qua, kể từ khi cô đi làm và làm chủ tài chính. Dẫu biết mua sắm là hoạt động có vẻ bình thường của chị em phụ nữ, nhưng An như một con "thiêu thân", cô lao vào đủ thứ quần áo, mỹ phẩm và quà tặng, đặc biệt trong những dịp khuyến mãi, "mua hai tặng một".
Đối với những người tạm gọi là nghiện mua sắm như An, có mua bao nhiêu, săn sale kịch liệt đến nhường nào, nhưng dường như là chưa bao giờ đủ. Thoạt đầu, như biết bao cô gái khác, An chỉ mua khi tiền bạc dư dả. Nhưng sau đó, để thỏa mãn "đam mê" của mình, cô chấp nhận ăn mì tôm trừ bữa, sẵn sàng vung chục triệu đồng cho một chiếc áo "tren - đì". Những khi nhẵn túi, cô vẫn cố gắng mua bằng được một thứ gì đó, một đôi tất rẻ tiền thôi cũng đủ làm cô an tâm và hài lòng.
Mua sắm mang lại cảm giác thoải mái, vui vẻ, giúp giảm căng thẳng. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc yêu thích và nghiện mua sắm khá mong manh. Không thể kiểm soát hành vi, thường xuyên chạy theo xu hướng hay xem mua sắm là biện pháp giải khuây duy nhất, vô tình đẩy một người đến gần hơn với chứng nghiện mua sắm.
Chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Xuân Phong, từ Trung tâm Hỗ Trợ và Trị Liệu Tâm Lý Vincent (Hà Nội) về "Hội chứng nghiện mua sắm" hiện đang phổ biến trong xã hội thời đại 4.0.
"Nghiện mua sắm" - câu chuyện không của riêng ai. Ảnh minh họa.
Nghiện mua sắm luôn có những cái cớ đằng sau nghe chừng là hợp lý, nhưng chỉ để xoa dịu căng thẳng cho bản thân
Thưa ông, nghiện mua sắm có thể tác động đến tâm lý của con người và trở thành một "căn bệnh" tâm thần hay không? Nếu có một cụm từ để gọi tên chính xác triệu chứng này ở con người, thì đó là gì?
Đầu tiên, về mặt thuật ngữ, không nên coi việc nghiện mua sắm là một căn bệnh. Thay vào đó, triệu chứng này nên được coi là một dạng rối loạn hành vi mà trong đó, mục tiêu ban đầu là để căn bằng lại hành vi cho chính đối tượng đấy.
Trong rất nhiều năm, hành vi này được coi là đặc quyền của phụ nữ, nhưng trong khoảng thời gian gần đây, khi mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử phát triển, hoặc các kênh mua sắm tiếp cận người dùng tinh vi hơn, thì đối tượng rối loạn hành vi mua sắm mở rộng sang cả nam giới, thanh thiếu niên, và cả những người già. Chưa cần tiền, chỉ cần một cú chạm hay click chuột, thì một mặt hàng hữu hình hay vô hình đã được trao đổi, mua bán.
Dấu hiệu để nhận biết một cá nhân nghiện mua sắm và liệu có thể "phân loại" họ hay không?
Dấu hiệu căn bản và mấu chốt nhất là sự thiếu hoặc gần như là không thể kiểm soát hành vi khi cá nhân đó có nhu cầu cần mua sắm. Họ rơi vào trạng thái mất bình tĩnh và cảm thấy phải có sản phẩm đó ngay lập tức. Hành vi mua sắm ấy hoàn toàn không nằm trong tính toán hay được "thiết kế" trước trong bất kì kế hoạch nào cả. Sau khi "vung tiền qua cửa sổ", tất cả đều cảm thấy bình thường và sau đó sẽ trải qua cảm giác hối hận.
Dù rằng không có một nghiên cứu nào chính thống về việc phân loại các cá nhân nghiện mua sắm, nhưng chúng ta có thể tạm thời chia ra:
- Những người nghiện mua sắm theo dạng Collector, họ thường sưu tầm các bộ sản phẩm.
- Những người nghiện mua sắm theo dạng Big Spender, họ thường mua những thức đắt nhất, tốt nhất một cách phi lý trí. Mặc dù đứng trên quan điểm của một người mua sắm thông minh, việc mua một thứ đồ rất tốt, dùng được trong nhiều năm, là một hành động sáng suốt. Tuy nhiên, nếu không được lên kế hoạch, đó có thể là hành động mang tính "cưỡng bức" bản thân buộc phải mua.
- Những người nghiện mua sắm theo dạng Bulimia, sau khi mua sản phẩm, trải nghiệm một thời gian, họ sẽ bán ra và chấp nhận lỗ một khoản tiền.
- Những người nghiện mua sắm theo dạng Perfectionniste, nghĩa là họ sẽ tìm trong cả quầy hàng một món đồ tốt nhất.
Thông thường việc phân loại này chỉ giúp cho họ hiểu hơn tại sao họ lại như vậy và đi kèm một loạt chẩn đoán khác liên quan đến từng hành vi.
Có người đã từng mua đến 150 hộp đựng thực phẩm chỉ vì ban đầu họ cần một nhóm nhỏ, khoảng vài hộp. Những loại này thường đi theo bộ và nhiều màu, từ nhiều hãng khác nhau, nên họ nghĩ, hãy mua thêm những chiếc hộp để mang tặng hoặc một lúc nào đó họ sẽ dùng đến.
Có người lại có nhu cầu mua những chiếc áo trắng theo từng tháng, vì họ nghĩ rằng càng nhiều thì họ sẽ càng an tâm.
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Xuân Phong, từ Trung tâm Hỗ Trợ và Trị Liệu Tâm Lý Vincent (Hà Nội).
Khách quan mà nói, nghiện mua sắm là tốt hay xấu?
Nó tốt với xã hội, nhưng xấu với cá nhân. Dưới quan điểm của một người làm tâm lý trị liệu, thì rõ ràng hành vi nghiện mua sắm khiến đối tượng trở nên bị động và suy giảm cảm giác tự tin, giá trị của bản thân. Nó sẽ gán giá trị đấy thông qua đồ vật hoặc qua những thứ họ mua.
Có một số kiểu mua sắm sẽ cố gắng biến người mua thành kẻ tiêu xài nhiều. Họ muốn những người xung quanh nhận ra mình thông qua những vật lấp lánh, những món đồ đắt tiền. Đất nước Công-gô thậm chí có một nhóm "Những người đàn ông nghiện mua sắm". Đó là trào lưu để lại sau thế chiến thứ 2 khi mà thực dân Pháp rút đi, và những người đàn ông này, dù thuộc tầng lớp lao động, như thợ mộc, tài xế taxi,... nhưng đều cố gắng ăn mặc lịch lãm như những quý ông lắm tiền. Họ có thể vay mượn, hoặc đi làm nhiều nghề để có thể mua những vật phẩm đắt tiền trên thế giới. Tuy điều kiện vật chất rất tệ, nhưng thứ họ khoác lên người lại cực kì đẹp.
Đâu là nguyên do dẫn đến hành vi nghiện mua sắm?
Khởi phát của việc nghiện mua sắm thường bắt nguồn từ căng thẳng, nhưng kết thúc thường dẫn đến lo âu và trầm cảm. Khi một người tìm đến nhà trị liệu hay chuyên gia tâm lý, thì họ đã ở trong giai đoạn rất nặng. Bản thân họ không coi việc nghiện mua sắm là vấn đề, họ coi những yếu tố liên quan đến cảm xúc mới là vấn đề.
Mua sắm là hành vi mang tính tượng hình, có tính biểu tượng khi mà người mua nghĩ rằng với đồ vật này thì tình hình, vấn đề của mình sẽ được thay đổi. Rất nhiều người đàn ông nghiện mua sách làm giàu, họ nghĩ chỉ cần mua, vấn đề sẽ được giải quyết. Giống như con người đang bế tắc và mong muốn mua một giải pháp nào đấy.
Vậy, để hợp thức quá thói quen nghiện mua sắm, những người này thường biện minh mua sắm làm họ tự tin hơn? Hoặc viện cớ mua cho người thân, anh em họ hàng?
Đầu tiên, xã hội đã từng công nhận từ trước, rằng những người nghiện mua sắm trông thật tự tin mỗi khi sải bước. Hơn nữa, việc mua một món đồ đắt tiền dẫn đến một hình thức "ăn gian", đại loại như: "Mình có khả năng như những người giàu để mua những món đồ đấy", "Mình có cảm giác cùng đẳng cấp, tầng lớp với những người giàu".
Nghiện mua sắm là hành vi phức tạp, vì đơn thuần không chỉ làm cho cá nhân đó bị ảnh hưởng mà bản thân những người xung quanh cũng bị ảnh hưởng theo. Đôi khi nó là một cuộc đua giữa những con người đều đang trong cùng một trạng thái tâm lý nghiện mua sắm. Mình phải sở hữu bằng mọi giá thứ mà cô ta hay anh ta có.
Luôn có những cái cớ để hành vi mua sắm được thực hiện, luôn có những hoàn cảnh để hành vi mua sắm được diễn ra. Đôi khi hành vi sẽ xuất hiện trong hoàn cảnh cực kì đặc thù. Ví dụ như buổi trưa, sau khi ăn xong, không có việc gì để làm, họ có thể lướt qua những trang mua sắm. Hoặc trong lúc họ cảm thấy quá mức căng thẳng và cần phải giải khuây.
Hành vi được coi là nghiện mua sắm luôn có những cái cớ đằng sau nghe chừng là hợp lý, nhưng chỉ giúp xoa dịu cảm giác tội lỗi sau khi họ quyết định mua sắm. Tất cả hành vi mua sắm chỉ là tạm thời, nhưng một chuỗi hành vi không thể kiểm soát được coi là rối loạn hành vi.
Thời đại 4.0 càng làm cho việc mua sắm càng trở nên dễ dàng. Ảnh minh họa.
Và nếu mong muốn đó không được đáp ứng vì nhu cầu tài chính hạn hẹp?
Một số người sẽ ăn cắp hoặc nói dối. Họ nói dối không phải để bảo vệ mình, mà để tạo ra một cái cớ, một sự kiện giả, khiến mọi người xung quanh bị "ngã" vào trong đó như một cách để cá nhân bảo vệ bản thân.
Về cơ bản, đây giống như hình thức lạm dụng việc mua sắm để tạo ra một cái vỏ bên ngoài cho mình. Đồng thời họ có rất nhiều hành vi bất chấp để kiếm được tiền, hoặc sử dụng một vài mối quan hệ để có được những đồ vật mong muốn. Họ thậm chí yêu cầu, gợi ý, đề nghị người đối diện, đồng thời làm những hành vi phi pháp để đoạt được món đồ.
Thậm chí, họ sẽ mua món đồ "fake" để xoa dịu tạm thời và mua những thứ không cần đến để đánh lạc hướng bản thân khỏi những thứ họ muốn mua ban đầu.
Có khi nào những người nghiện mua sắm bình tĩnh và nhận ra bản thân đã tiêu quá nhiều tiền?
Ngay trong khoảng thời gian họ nhận ra đã tiêu tốn quá nhiều tiền, họ lại tiếp tục mua và sau đó cảm thấy stress. Với khoản tiền đó, họ nghĩ bản thân có thể tiêu tốt hơn bằng cách mua một món đồ khác đẹp hơn, rẻ hơn, hoặc mua nhiều hơn những món đồ khác. Vì thế, giải pháp của họ là tiếp tục mua, lâu dần trở thành một thứ phản xạ thân quen.
Nghiện mua sắm chỉ là bề nổi, những thứ không nói, không kể ra, mới là vấn đề họ thực sự mắc phải
Trong nhiều năm làm nghề, đâu là những trường hợp tiêu cực nhất từng đến nhờ chuyên gia giúp đỡ?
Đó là một người đàn ông mua một điếu cigar chỉ trong một lần với giá 500 triệu đồng. Sau khi chuyển khoản, người đấy cảm thấy cực kì hối tiếc.
Đó là một cô gái còn rất trẻ, bị sang chấn tâm lý cách đây 3, 4 năm. Cô ấy đã tiêu gần 1 tỷ cho việc mua đồ lót lưu trữ trong nhà. Những món đồ ấy không bao giờ được mặc, không bao giờ được quan tâm, chỉ bị chất thành đống ở góc xó. Bản thân cô gái không đam mê sưu tầm đồ lót, nhưng lại có vấn đề khác liên quan đến việc cần được tôn trọng thông qua bộ đồ lót đó.
Từ những năm đầu tiên, trong một mối quan hệ yêu đương, cô gần như là bị cưỡng bức bởi chính bạn trai mình. Bộ đồ lót bị xé ra và cô muốn khôi phục lại nguyên vẹn món đồ ấy. Nhưng thế nào được coi là nguyên vẹn? Cô không thể nào quay ngược thời gian. Cô nghĩ, vậy thì hãy chữa lành bằng cách mua thật nhiều đồ lót, càng mới càng tốt, để luôn nhắc nhở: Những món đồ này chưa bao giờ được bóc tem, như thể cô chưa từng bị xâm hại. Cô cảm thấy an tâm và được xoa dịu nhờ điều này.
Cô cũng từng nói dối rằng bố mình bị ốm để kêu gọi quyên góp. Con số thu về cực kì lớn, khoảng 300 triệu, được gửi về dưới nhiều hình thức, thậm chí là từ nước ngoài. Có ngày cô mua 100 bộ, 200 bộ. Mọi chuyện đều hết sức bình thường. Khi quá cô đơn, không có việc gì để làm, cô tự mua 1 bộ, gần như ngày nào cô cũng mua.
Liệu những người xung quanh có xem hành vi đó của cô gái hay của bất kì cá nhân nghiện mua sắm nào khác, là kì dị và lên tiếng chỉ trích hay không?
Việc một người mua sắm thường là câu chuyện kín đáo, mang tính chất cá nhân. Mọi thứ chỉ vỡ lỡ ra khi nó nằm ngoài tầm kiểm soát và mọi người bắt đầu nghĩ rằng họ có vấn đề về mặt tâm lý. Bản thân chính những cá nhân đấy phải muốn thoát ra trước khi những người xung quanh có thể hỗ trợ.
Việc chỉ trích đương nhiên sẽ xảy ra, nhưng nó sẽ đến dưới nhiều hình dạng, nhiều mặt. Và bản thân những người nghiện mua sắm cũng từng chỉ trích bản thân rất nhiều. Khi bị những nguời xung quanh chỉ trích, họ cảm thấy phải mua nhiều hơn để sửa chữa những sai lầm.
Vậy thì chỉ có cách duy nhất là lắng nghe, xem vấn đề của họ thực sự là gì và đưa ra một "lời mời gọi". Có 2 hướng giải quyết: hoặc là tiếp tục và đón nhận hậu quả; hoặc là có những phương thức điều chỉnh để hạn chế mua sắm.
Ông Phong chia sẻ: "Nghiện mua sắm chỉ là bề nổi của mỗi cá nhân, những thứ không nói, không kể ra, mới là vấn đề họ thực sự mắc phải".
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu những cá nhân nghiện mua sắm không muốn đón nhận sự giúp đỡ, họ kháng cự và từ chối những lời khuyên?
Nếu không muốn thoát ra, để quên đi thói quen mua sắm, nhiều người có thể đẩy sang một vấn đề khác nghiêm trọng hơn. Họ tự tạo ra một vấn đề mới lớn hơn để khoả lấp vấn đề cũ. Đó sẽ là một hành vi nghiện mới, kín đáo và rất khó bị phát hiện.
Kháng cự là một phần trong trị liệu tâm lý. Nó giống như việc bạn dùng 1 con dao sắc để mổ sống bệnh nhân không gây mê, không gây tê. Ở trong tâm lý học, việc làm giảm nhẹ tâm lý hay làm tâm lý trở nên dễ chịu, thuộc về kĩ năng của người làm tâm lý. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là khách hàng sẽ không kháng cự. Họ sẽ luôn kháng cự, vì ở trong vấn đề rất lâu, họ nghĩ rằng vấn đề đấy chính là bản thân mình, nó đại diện cho con người và cái tôi của họ. Họ nghĩ đã đủ, và không cần điều trị gì thêm.
Vậy nó sẽ được coi là vấn đề giữa nhà tâm lý, người làm trị liệu với khách hàng của chính mình, để xem liệu mối quan hệ có đủ tốt đến mức người làm trị liệu có thể giúp họ cân nhắc những thứ họ đang làm hay không. Khách hàng sẽ luôn là trung tâm, chứ không phải là nhà trị liệu.
Sẽ có phác đồ điều trị cụ thể nhưng không mang tính phổ quát, không phải khách hàng nào cũng áp dụng chung một phương pháp. Trên thực tế, chỉ có khách hàng mới là người lựa chọn hay quyết định xem bản thân mình có nên thay đổi từ lời đề nghị của nhà trị liệu hay không.
Không có lời khuyên nào cho những người nghiện mua sắm. Họ không cần lời khuyên, họ không yêu cầu được khuyên bảo. Họ chỉ cần mình lắng nghe và giúp họ giải quyết những căng thẳng bên trong nhiều hơn.
Trước tiên, một người có khả năng giải quyết căng thẳng là khi họ phải thừa nhận bản thân đang căng thẳng. Chúng ta không thể nào giúp cho một người bình thường kiểm soát, xử lý, giải quyết những vấn đề mà họ không nhìn thấy.
Với những nỗi căng thẳng thường nhật, có thể họ tự cho rằng mình đã quá quen với điều ấy. Và vì quá quen nên họ xem như là không tồn tại.
Tôi chỉ hy vọng, nếu trong tình trạng không kiểm soát việc mua sắm, họ nên ý thức cực kì rõ ràng về những gì đang diễn ra. Họ có thể thống kê lại theo từng tuần, hoặc thậm chí là hàng ngày xem những nhu cầu ấy xuất hiện như thế nào, để xem mình có kiểm soát được nhu cầu không, hay ngược lại nó đang kiểm soát mình.
Cách tốt nhất để giúp đỡ những cá nhân nghiện mua sắm là lắng nghe vấn đề thực sự bên trong họ. Vậy cần khoảng thời gian bao lâu là đủ?
Có thể khoảng 6 tháng đến 1 năm, ngắn hơn từ 3 đến 6 tháng. Có những trường hợp kéo dài hơn 2 năm.
Sau đó họ có hoàn toàn tự thoát ra khỏi chuyện mua sắm?
Mục tiêu cuối cùng của họ không phải để thoát ra khỏi chuyện mua sắm, vì họ không thể làm được điều đấy khi sống trong cộng đồng xã hội như hiện nay, mà là hướng họ tới khả năng kiểm soát nhu cầu mua sắm ở mức độ cao nhất.
Họ có khả năng mua, hoặc không mua, hoặc từ chối món đồ mà họ rất thích trong điều kiện, trường hợp cần thiết. Và khi họ có ý thức về nhu cầu mua sắm của mình, họ có thể làm nhiều thứ để nhu cầu đấy trở nên cần bằng. Nghĩa là họ có kĩ năng giải quết vấn đề đó, chứ không chỉ đơn thuần là sẽ chấp nhân, chịu đựng cho nó qua đi. Tiêu cực nhất, họ sẽ phải sử dụng thuốc chống trầm cảm, chuyển chỗ ở, nơi làm việc.
"Đối với những người nghiện mua sắm, cách tốt nhất là chúng ta nên lắng nghe họ".
Thông thường, những người nghiện mua sắm có đồng ý thay đổi sau khi đã hiểu ra vấn đề?
Với người nghiện mua sắm, họ luôn nghĩ việc thay đổi là một chuyện tất yếu. Họ mong muốn hành vi mua sắm vẫn được duy trì, vẫn tồn tại bằng hình thức này hoặc hình thức khác. Nhưng sự thay đổi sẽ giúp họ cảm thấy tốt hơn, ổn hơn. Họ sẽ thay đổi và muốn thay đổi. Tuy nhiên nếu thay đổi quá trực diện hoặc quá mạnh, họ sẽ không đủ khả năng đáp ứng hay chấp nhận chuyện ấy.
Thường khi họ tìm đến người trị liệu hay chuyên gia tâm lý đều ra về trong trạng thái rất hài lòng. Họ có chủ đích mua sắm hơn. Họ vẫn có những nỗi lo âu, nhưng nó không còn là vấn đề của họ nữa. Tâm lý ổn định sẽ giúp họ kiểm soát tốt hành vi.
Suy cho cùng, nghiện mua sắm chỉ là bề nổi, chưa phải là vấn đề chính. Những thứ họ không nói, không kể ra, mới là vấn đề họ thực sự mắc phải.
Cảm ơn ông về buổi trò chuyện!