Các công ty sản xuất Trung Quốc đối mặt với sự u ám trong mùa mua sắm lớn nhất của năm vì hậu quả nặng nề của thuế quan từ Mỹ
Thông thường, các nhà máy Trung Quốc đặc biệt bận rộn vào quý thứ 3 của năm, họ sản xuất tất cả mọi thứ từ búp bê Barbie cho đến xe tải đồ chơi để kịp vận chuyển sang Mỹ cho mùa mua sắm lớn và quan trọng nhất trong năm. Thế nhưng, năm nay mọi thứ lại không còn như vậy.
Dù Tổng thống Donald Trump đã hoãn thuế quan trừng phạt với 160 tỷ USD các loại đồ chơi cho đến smartphone để giúp các nhà bán lẻ ở Mỹ vẫn có hoạt động kinh doanh bùng nổ ở mùa Giáng sinh, thế nhưng những tổn thất đã hiện rõ ở đây. Theo các quan chức ngành công nghiệp, đó là bởi những là cung cấp đồ chơi lớn như Walmart đã có đủ lượng hàng hoá tồn kho cần thiết, trong bối cảnh bất ổn về cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang và lan rộng.
Justin Yu, một giám đốc ngoại thương tại nhà sản xuất xe hơi và scooter cho trẻ em Pinghu Mijia Child tại Chiết Giang, Trung Quốc, chia sẻ: "Chúng tôi sẽ là những người phải chịu gánh nặng. Sức ảnh hưởng của chiến tranh thương mại rõ ràng là rất lớn."
Hiện tại, Yu dự định sẽ tìm kiếm những khách hàng mới ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi để bù đắp cho sự thiếu hụt khi kinh doanh với Mỹ gặp khó khăn. Công ty này đang cân nhắc việc hạ triển vọng doanh thu tại Bắc Mỹ để tránh những tác động từ các đợt thuế quan trong tương lai. Yu cho biết anh hiện đang gửi 25 triệu USD hàng hoá mỗi năm cho các nhà bán lẻ Mỹ, như Target và Walmart.
Khoảng 1 năm trước, các nhà bán lẻ đã mua hàng một cách "điên cuồng" khi chiến tranh thương mại mới có dấu hiệu nóng lên. Theo số liệu của Bloomberg, khối lượng hàng hoá vận chuyện từ châu Á sang Bắc Mỹ đã tăng 7,9% trong nửa đầu năm 2018. Sự gia tăng này đã chậm lại đáng kể trong năm nay, chỉ còn 0,2% nửa đầu năm, khi các kho hàng của Mỹ đã được lấp đầy. Và một con số nữa cho thấy sự sụt giảm liên tiếp về khối lượng hàng hoá đó là, lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 6,5% trong tháng 7 so với 1 năm trước, tính theo đơn vị USD.
Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ thấy ít mặt hàng mới hơn trong mùa lễ năm nay, bởi các nhà bán lẻ đã hạn chế mua để hạ số lượng hàng hoá xuống mức bình thường, Rahul Kapoor, người đứng đầu lĩnh vực nghiên cứu và phân tích tai IHS Maritime & Trade tại Singapore, nhận định. Ông nói: "Sẽ không có kệ hàng nào bị trống. Lượng hàng hoá được trữ trong kho là rất lớn."
Hồi giữa tháng 8, ông Trump đã hoãn thời hạn tăng thuế đối với một số hàng hoá Trung Quốc, như smartphone, laptop và đồ chơi cho trẻ em. Ông cho biết việc hoãn thuế được thực hiện "để không ảnh hưởng đến mùa mua sắm cho Giáng sinh." Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau đó, cả ngành bán lẻ bất ngờ với tuyên bố mới của ông: Mức thuế mới sẽ cao hơn dự kiến ban đầu để trả đũa, sau khi Trung Quốc đe doạ áp thuế bổ sung với hàng hoá Mỹ.
Yu, giám đốc thương mại tại Pinghu Mijia Child, cho biết việc hoãn tăng thuế của Mỹ là một tin tức tích cực, nhưng khi quyết định nâng thuế có hiệu lực trong thời gian tới, thì ông lại lo sợ rằng hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, ông cũng hy vọng người tiêu dùng sẽ yêu cầu chi phí cho mức thuế bổ sung được phân chia giữa người mua, nhà sản xuất và bên trung gian, dù điều này có thể khiến giá sản xuất bị ảnh hưởng.
Một ngành công nghiệp khác cũng chịu tổn thấy, đó là vận chuyển. Ngành vận chuyển đang phải cắt giảm công suất khi khối lượng hàng hoá bị thu hẹp. CMA CGM SA, công ty vận tải container lớn thứ 3 thế giới, sẽ thu lại 2 tàu dịch vụ Á - Âu vào đầu tháng này. Orient Overseas Container Line, thuộc sở hữu của công ty vận tải lớn nhất Trung Quốc, cũng tạm dừng một số dịch vụ vận chuyển đến Mỹ và châu Âu từ tháng 7.
Ngoài ra, khối lượng hàng hoá sụt giảm đã khiến chi phí vận chuyển tăng lên với tốc độ chóng mặt. Tỷ lệ vận chuyển hàng hoá trên các tuyến thương mại lớn đã giảm 7,4% trong năm nay, trong khi tỷ lệ của Mỹ giảm 26%, theo Drewry World Container Index.
Um Kyung-a, một nhà phân tích ngành vận tải tại Shinyoung Securities ở Seoul, nhận định: "Mùa cao điểm năm nay sẽ thực sự khó khăn. Một số công ty vận tải dường như không thể chi trả cho các khoản chi phí."
Một mối lo ngại nữa đó là cuộc chiến thương mại sẽ tiếp tục kéo dài sang năm tới, điều này khiến tâm lý người tiêu dùng trùng xuống khi mua sắm. Tháng trước, IMF chỉ ra rằng căng thẳng thương mại là một trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu, tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng của năm nay và năm tới. Còn ngân hàng Goldman Sachs cho biết họ ngày càng lo ngại rằng chiến tranh thương mại sẽ gây ra cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ.