Có 2 con đường để đạt được mục tiêu: Thế lực và nghị lực, thế lực chỉ thuộc về số ít còn nghị lực thuộc về những người kiên trì đến cùng
Trên con đường làm giàu, khi gặp phải trở ngại, những ai làm việc qua loa sẽ dễ dàng bỏ cuộc; còn người kiên trì đến cùng sẽ bước lên đỉnh cao giàu có.
Nội dung trích từ cuốn sách "Sự Khác Biệt Giữa Người Giàu Và Người Nghèo", tác giả Thái Phú Cường, do Vibooks phát hành.
Rất nhiều người nghèo không thể thoát khỏi số nghèo, không phải vì họ có IQ thấp cũng không phải thiếu may mắn, mà vì họ thiếu tính kiên trì nhẫn nại.
Napoleon từng nói: "Có hai con đường để đạt được mục tiêu – thế lực và nghị lực. Thế lực thuộc về số ít những kẻ vừa sinh ra đã ngậm thìa vàng, còn nghị lực thuộc về những người kiên trì đến cùng". Quả thực, trong xã hội hiện đại dù là người vừa sinh ra đã ngậm thìa vàng, nếu không có tính kiên trì, thành công của họ cũng như hoa quỳnh sớm nở tối tàn. Có thể thấy, kiên trì là một tính cách không thể thiếu của những người thành công.
Nhưng trong hiện thực cuộc sống, vẫn có rất nhiều người vừa gặp phải khó khăn đã vội vàng bỏ cuộc. Cũng chính vì vậy mà họ không thể có được cuộc sống giàu sang như ý muốn.
Về điểm này, đa số người giàu đều có tính kiên trì đến cùng trong mọi việc. Trong đó, Honda Soichiro người thành lập hãng xe Honda nổi tiếng toàn cầu chính là một đại diện điển hình.
Honda Soichiro sinh năm 1906 trong một gia đình nghèo ở Nhật Bản, từ nhỏ ông đã rất yêu thích máy móc. Năm 1922, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, ông mới 16 tuổi đã bất chấp sự phản đối của cha mẹ, kiên quyết lên Tokyo làm thợ học việc cho một gara sửa xe hơi.
Sau sáu năm học tập và nghiên cứu cực khổ, Honda Soichiro đã thạo nghề. Ông trở về quê mở một gara sửa xe hơi, nhờ có kỹ thuật thành thạo và phục vụ chu đáo, gara của ông làm ăn rất phát đạt. Nhưng, Honda Soichiro có chí hướng cao xa không dừng lại ở đó, năm 1934, ông thành lập công ty Tokai Seiki, chuyển sang sản xuất linh kiện xe hơi.
Năm 1937, Honda Soichiro nghiên cứu thành công vòng bạc piston, một linh kiện quan trọng của xe hơi. Năm sau đó, Honda Soichiro lại bán một số gia sản để đầu tư nghiên cứu chế tạo vòng bạc piston xe hơi chất lượng cao.
Để rút ngắn thời gian, Honda Soichiro điên cuồng làm việc cả ngày lẫn đêm, mệt thì gục xuống bàn làm việc chợp mắt một lát. Khi cần vốn mà trong nhà chẳng còn gì để bán, ông đã cắn răng đem đồ trang sức của vợ đổi lấy tiền mặt, mua vật liệu chế tạo.
Sau mấy tháng cực khổ, cuối cùng Honda Soichiro đã chế tạo ra sản phẩm mẫu. Trong lúc ông tràn đầy tự tin muốn bán quyền sử dụng cho công ty Toyota thì đối phương đã từ chối. Vì Toyota cho rằng vòng piston chất lượng tốt mà ông chế tạo cũng giống với các sản phẩm khác cùng loại, không có ưu điểm gì rõ rệt.
Lời từ chối của công ty Toyota giống như tạt gáo nước lạnh vào mặt Honda Soichiro, nhưng ông vẫn không từ bỏ. Để đáp ứng được yêu cầu của đối phương, Honda Soichiro quyết định phải bổ sung thêm kiến thức, thế là ông quay trở lại trường học, mặc kệ sự chế nhạo của thầy giáo và bạn học, kiên trì học cách chế tạo vòng piston.
Sau hai năm kiên trì nỗ lực, cuối cùng công ty Toyota đã đồng ý ký hợp đồng đặt mua vòng piston của Honda Soichiro. Để mở rộng quy mô công ty, Honda Soichiro định xây xưởng mới nhưng lúc này lại nổ ra Chiến tranh thế giới thứ hai, tất cả vật tư đều vô cùng thiếu hụt. Nhưng Honda Soichiro vẫn không chịu từ bỏ, dưới sự nỗ lực của ông và những người cùng hội cùng thuyền, họ đã xây được nhà máy.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, xưởng của Honda Soichiro bị đánh bom hai lần, rất nhiều thiết bị đã hư hại nghiêm trọng. Muốn sửa được những thiết bị này, cần có một lượng sắt thép lớn, nhưng là vật tư chiến lược quan trọng thời đó, sắt thép không thể mua được. Vậy là, Honda Soichiro vận động toàn thể nhân viên ra ngoài nhặt thùng dầu của máy bay Mỹ vứt đi để làm vật liệu sửa chữa những thiết bị hư hại.
Nhưng không lâu sau một trận động đất đã biến xưởng của Honda Soichiro trở thành một đống phế liệu. Không còn cách nào khác, Honda Soichiro không thể không bán kỹ thuật chế tạo vòng piston cho Toyota. Cho dù vậy, Honda Soichiro vẫn không ngừng nuôi hy vọng.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật thiếu xăng, rất nhiều người không thể sử dụng xe hơi, Honda Soichiro nhân cơ hội này lắp mô tơ cho xe đạp rồi đem bán, kết quả rất được mọi người ủng hộ. Thấy chuyện buôn bán phát đạt như vậy, Honda Soichiro quyết địn mở một nhà máy chuyên sản xuất loại sản phẩm này. Tuy nhiên nguồn vốn là vấn đề lớn nhất lúc này, sau khi suy đi nghĩ lại, Honda Soichiro quyết định viết thư cho từng cửa hàng xe đạp để gom góp vốn.
Nhờ không ngừng phát triển và tích lũy, những năm 70 của thế kỷ 20 Honda Soichiro đã bắt đầu sản xuất thương hiệu xe hơi của riêng mình. Đến nay, Honda đã trở thành một thương hiệu xe hơi nổi tiếng trên thế giới.
Để có thể từ một người học việc trở thành ông chủ hãng sản xuất xe hơi, Honda Soichiro đã phải trải qua biết bao trắc trở. Ông trở thành tấm gương sáng về lòng kiên trì không mệt mỏi cho những ai muốn có được cuộc sống giàu sang.
Từ đó có thể thấy, thói quen làm việc qua loa là hòn đá ngáng chân trên con đường làm giàu, còn tinh thần kiên trì đến cùng là phẩm chất không thể thiếu. Jack Ma từng nói: "Lúc nhỏ tôi rất ngốc, đến giờ vẫn cảm thấy bản thân kém thông minh. Trình độ vi tính của tôi rất hạn chế, không biết IT cũng không hiểu về Internet. Nhưng tôi có một câu cách ngôn tâm đắc đó là ‘Mãi mãi không từ bỏ’. Tôi nghĩ nếu ai cũng có thể làm được điều này, 80% sẽ có thể thành công giống tôi".