Clip bố mẹ Việt phản ứng khi tận mắt thấy "quái vật Momo": Tôi sẽ kiểm soát những gì con xem từ bây giờ!
Trên thực tế, để dễ bề "che mắt" phụ huynh, quái vật Momo - nỗi ám ảnh kinh hoàng thời gian gần đây, tiếp cận trẻ em thông qua những bộ phim hoạt hình nổi tiếng, như Fortnite, Peppa Pig. Hầu hết bố mẹ đều thừa nhận không thể kiểm soát hết nội dung con em mình xem thường ngày trên Youtube.
"Xin chào, tôi là Momo - cơn ác mộng tồi tệ nhất của bạn. Tôi định giết bạn. Tôi sẽ giết bạn. Tối nay tôi sẽ ngủ cùng bạn, và đến sáng bạn tiêu đời.
Ngủ ngon nhé, người bạn nhỏ.Và hãy nhớ về tôi".
Những âm thanh tồi tệ vang lên, từ một "nhân vật bí ẩn" mang hình thù kinh dị. Quái vật Momo - nỗi ám ảnh kinh hoàng gây ra nhiều nỗi đau thương tâm cho trẻ em trên khắp thế giới, đã bắt đầu khiến nhiều phụ huynh Việt Nam hoang mang lo sợ.
Momo Challenge ("Thử thách Momo") được cho là trào lưu đến từ nước Anh từ tháng 8/2018. Cụ thể, một người phụ nữ có hình hài đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi sẽ hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân. Đối tượng mà quái vật Momo nhắm đến là giới trẻ, đặc biệt là trẻ em hoặc những người có vấn đề tâm lí, tâm thần.
Năm 2018, hình ảnh kinh dị của Momo gây đau khổ và ám ảnh cho trẻ em trên khắp thế giới. Sau một thời gian, đến đầu năm 2019, Momo một lần nữa "sống dậy". Không chỉ xuất hiện trên WhatsApp hay Facebook như trước đây, Momo bắt đầu len lỏi vào những đoạn video trên Youtube và được "ngụy trang" một cách rất tinh vi dưới dạng những hoạt hình dành cho trẻ em như Fortnite, Peppa Pig.
Trào lưu "thử thách tự sát Momo" này bắt đầu từ hồi đầu tháng 8 năm ngoái nhưng gần đây nó đã xuất hiện ẩn bên trong các video hoạt hình nổi tiếng dành cho trẻ em như Peppa Pig.
Bố mẹ thừa nhận không kiểm soát kĩ nội dung con trẻ xem trên Youtube
Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với những cặp bố mẹ có con trong độ tuổi từ 3 đến 14. Một điều đáng chú ý là hầu hết họ đều thừa nhận không thể kiểm soát tốt nội dung con em mình xem thường ngày trên Youtube. Lý do họ đưa ra là vì bận công việc, nhà cửa, nên thành thử ít có thời gian để mắt tới con cái.
Bố mẹ Việt phản ứng khi tận mắt thấy "quái vật Momo" trong các video dành cho trẻ em?
Trên thực tế, để dễ bề "che mắt" phụ huynh, Momo tiếp cận trẻ em thông qua những bộ phim hoạt hình nổi tiếng. Có thể trên màn hình đang hiển thị hình ảnh Momo cùng những lời lẽ ghê rợn. Nhưng âm thanh lại phát ra trên nền nhạc dễ thương khiến phụ huynh không ngờ con mình đang tiệm cận với sự đe dọa.
Anh Đông cùng 2 bé gái nhà mình.
Anh Đông (43 tuổi) có hai con gái 6 và 9 tuổi. Peppa Pig là một trong số những hoạt hình yêu thích nhất của 2 bé. Thông thường, anh Đông đưa điện thoại cho 2 con, và để chúng tự chọn bộ phim mình thích. Anh không thể kiểm soát hoàn toàn nội dung con xem, vì quỹ thời gian eo hẹp phân bố không đủ.
Sau khi được chúng tôi cho xem một đoạn clip phim hoạt hình Peppa Pig bị lồng ghép hình ảnh quái vật Momo, anh Đông thốt lên: "Con gì kinh dị thế này, trông giống ma quỷ".
"Tôi bận việc nhà, việc cơ quan nên những lúc các con muốn giải trí, tôi để chúng tự xem. Sợ nhất là những lời dụ dỗ tự làm hại bản thân được phiên âm sang tiếng Việt, không biết hậu quả sẽ như thế nào.
Tôi không ủng hộ những ý tưởng, việc làm với mục đích hãm hại trẻ em. Trước đây vì tin tưởng con nên tôi mới giao điện thoại cho chúng. Nhưng có lẽ, tôi sẽ kiểm soát từ bây giờ, để tránh những hình ảnh kinh dị ám ảnh các con" - anh Đông nói.
Sau thời gian để cháu "nghiện" Youtube, cô Bích đã tìm cách kiểm soát tốt nhất 100%.
Cô Bích (62 tuổi) nhăn mặt khi quái vật Momo xuất hiện trên đoạn clip chúng tôi "nhờ" cô xem. Chỉ khoảng 15 giây để Momo kịp đi vào suy nghĩ của con người với những lời lẽ man rợ nhất, sau đó quay lại với vỏ bọc phim hoạt hình dễ thương.
"Bình thường mỗi ngày, tôi chỉ cho cháu trai (3 tuổi) xem Youtube khoảng 10-15 phút sau khi tan học. Gia đình tôi hiện giờ kiểm soát cháu 100%, khống chế nhận thức của cháu để kịp thời bảo vệ trước những nội dung độc hại. Bởi lẽ có một thời điểm, để có thể yên ổn làm việc, chúng tôi chiều lòng cháu đến mức nó say sưa, cứ rảnh là ôm điện thoại, thậm chí là "nghiện" Youtube.
Em bé như một trang giấy trắng, tất cả hành động xa lạ, đáng sợ, không bình thường đều khiến chúng bị ảnh hưởng tâm lý" - cô Bích chia sẻ.
Chị Nga chia sẻ quan điểm của mình.
"Việc bảo vệ con mình quan trọng hơn, mình có quyền quyết định cho con xem hay không"- chị Nga, mẹ của 2 bé Thỏ (lớp 3) và Tôm (lớp 1) nêu quan điểm. "Theo tôi, khoảng 15, 16 tuổi, các con mới nên tiếp xúc với công nghệ. Nhưng ở Việt Nam, các cha các mẹ vì quá bận nên "quẳng" cho con cái điện thoại, rồi mặc chúng tự chơi".
Theo chị Nga, thời đại 4.0 hiện nay có 2 mặt: tích cực và tiêu cực. Một phần, Google hay Youtube giúp con trẻ tự mày mò học tập, với những bài giảng chất lượng cao nếu biết truy cập đúng trang. Mặt khác, tâm lý trẻ rất dễ tổn thương bởi những hình ảnh, âm thanh không đứng đắn bị kẻ xấu vô tình “trộn lẫn”.
"Bình thường tôi chỉ cho con xem phim hoạt hình Việt Nam, thông qua đó con học được những câu chuyện ý nghĩa. Theo tôi, chỉ còn 1 cách để chấm dứt nội dung độc hại len lỏi vào đầu các con, đó là xóa những ứng dụng giải trí. Con sẽ hoàn toàn trong tầm kiểm soát của mình".
Một số phụ huynh thừa nhận chưa thực sự quan tâm tới các con.
"Thay vì để mặc con chơi di động một mình thì hay chơi với chúng"
Phong, 11 tuổi, là một em bé chúng tôi vô tình gặp trên hành trình khảo sát phản ứng của các phụ huynh. Với Phong, quái vật Momo không khiến em sợ hãi, bởi... "Em xem quen rồi". Câu trả lời của Phong làm chúng tôi giật mình. Bởi ngoài kia, không biết còn bao nhiêu trẻ nhỏ cũng xem Momo là "hình ảnh quen thuộc".
"Người lớn nhìn còn thấy sợ nữa là trẻ em" - Hà Trang (20 tuổi) nói về quái vật Momo. "Các bạn nhỏ bây giờ được tiếp xúc với công nghệ thông tin thoải mái quá, nên việc ngăn chặn những hình ảnh kinh dị là rất khó. Mình nghĩ phụ huynh nên chủ động quan tâm tới con mình nhiều hơn. Thay vì để mặc con chơi di động một mình thì hay chơi với chúng".
Hà Trang - 20 tuổi, nêu quan điểm phụ huynh cần quan tâm tới con cái nhiều hơn.
Một bạn nam giật mình khi phim hoạt hình bỗng bị đứt quãng bởi quái vật Momo. "Nhìn hình quái vật người không ra người, thú chẳng ra thú, người lớn còn hãi nữa là. Tất cả những clip xấu xa này đều nhắm vào đối tượng trẻ em/trẻ vị thành niên. Không những thế, mấy kênh này còn kiếm ra tiền dựa vào quảng cáo và lượt xem của chính bọn trẻ nữa".
Kẻ ác không xuất hiện ngay từ đầu, chúng núp trong những thứ vui vẻ, dễ thương, tưởng chừng vô hại. Do đó, khi trẻ đang coi một bộ phim hoạt hình vui vẻ, thì con quái vật mới nhảy vào. Trẻ em sẽ nghĩ rằng đó là một diễn biến mới nên xem tiếp. Khi có đủ thời gian, chúng đã thao túng được tâm trí các em.
Đối với những kẻ ác, sự sợ hãi, tự hủy hoại của người khác là một niềm vui cực kỳ quyến rũ và khó cưỡng.
Nhiều bạn trẻ cũng phải sợ hãi, giật mình trước hình ảnh quái vật Momo.
Thực tế, tên của nhân vật này không phải là Momo mà là "Auntie Bird" hay "Chim mẹ". Đây là một con quái vật trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, sau đó phổ biến và nhanh chóng trở nên nổi tiếng tại Nhật Bản. Nó thường xuất hiện vào ban đêm để đi bắt trẻ con, khi đeo lông vũ lên người thì biến thành chim, cởi bộ lông ra sẽ thành một người phụ nữ.
Ban đầu, Momo chỉ là một tác phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa. Vào tháng 8/2016, tại triển lãm nghệ thuật chủ đề "Ghost Gallery" tại Ginza, tác phẩm này được trưng bày.
Nghệ sĩ điêu khắc người Nhật Bản Keisuke Aisawa không thể tưởng tượng được một trong những tác phẩm điêu khắc mà anh tâm đắc nhất, từng gây tiếng vang lớn khi trưng bày tại Phòng triển lãm Vanilla tại Tokyo năm 2016, lại trở thành "công cụ" cho một trào lưu khủng khiếp, độc hại và gây ám ảnh nhất.
Biểu tượng của thử thách tự sát Momo gây ám ảnh, đặc biệt đối với trẻ em.
Trước sự xuất hiện của búp bê Momo cũng như những nội dung không phù hợp với thiếu nhi trên Youtube, ngày 1/3, thông tin từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, đơn vị này vừa yêu cầu Google, đơn vị chủ quản mạng xã hội video Youtube có hành động cụ thể với các clip hướng dẫn tự sát.
Theo đó, văn bản của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu Google gỡ bỏ và tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt để các clip có nội dung độc hại trên không tiếp tục xuất hiện trên Youtube.
Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu phía Google có bộ lọc, chặn những nội dung hướng dẫn tự sát này xuất hiện trên Youtube thay vì chờ gỡ.Trường hợp người dân phát hiện những đoạn clip có nội dung bạo lực, hướng dẫn tự sát có thể phản ánh đến Cục thông qua đường dây nóng.