Chuyện Vua Dép Lốp và Cường "phò mã”: Bỏ ghế phó giám đốc theo nghiệp làm dép cao su của bố vợ, tham vọng tạo nên “đôi dép quốc dân” Việt Nam

26/05/2022 13:36 PM | Kinh doanh

Nguyễn Tiến Cường có 8 năm khởi nghiệp với nghề làm dép thì 3 năm hầu như không bán được đôi nào, 2 năm Covid khiến việc kinh doanh đóng băng. Tính ra, chặng đường khởi nghiệp của Cường là bản hợp ca lẫn lộn, mà buồn có thể nhiều hơn vui. Nhưng Cường bảo anh không sợ khó, không sợ khổ, cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ, vì “trong đầu tôi chỉ nghĩ đến làm dép, không làm dép thì làm gì”.

Người ta gọi Nguyễn Tiến Cường là "Cường phò mã", đơn giản vì anh là con rể "Vua dép lốp" Phạm Quang Xuân, nghệ nhân làm lại đôi dép cao su của Bác Hồ, hiện đang được trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh. Theo lời kể của Cường, ông Xuân từng là công nhân xí nghiệp dép lốp Hà Nội. Sau này khi đất nước thống nhất, xí nghiệp giải thể, ông túc tắc làm dép tại nhà nhưng không đủ sống. Cuối cùng, ông phải lăn lộn với nhiều nghề khác nữa, từ sửa đồng hồ, trang trí nội thất, đến dán để giày,…để tiếp tục mưu sinh.

Nghệ nhân Phạm Quang Xuân có hai người con, một trai - một gái và tất nhiên, không ai đi theo con đường làm dép lốp của ông cụ. Một phần do không đủ duyên, một phần do bản thân ông Xuân xác định "đến cha còn khó sống thì con cái theo nghề ấy làm gì"?

Chuyện Vua Dép Lốp và Cường phò mã”: Bỏ ghế phó giám đốc theo nghiệp làm dép cao su của bố vợ, tham vọng tạo nên “đôi dép quốc dân” Việt Nam - Ảnh 1.
Chuyện Vua Dép Lốp và Cường phò mã”: Bỏ ghế phó giám đốc theo nghiệp làm dép cao su của bố vợ, tham vọng tạo nên “đôi dép quốc dân” Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Xuân năm nay đã gần 80 tuổi. Lẽ ra những đôi dép lốp sẽ chỉ là một thú vui trong cuộc đời ông, mỗi năm làm chơi chơi vài đôi, vừa bán vừa tặng bạn bè. Nhưng Cường "phò mã" xuất hiện và thay đổi mọi chuyện. Cường bén duyên với "công chúa" - con gái "vua dép lốp", bén duyên luôn cả với đôi dép cao su đen bóng.

"Tôi sang chơi thỉnh thoảng thấy ông đang làm dép. Tôi thấy hay hay nên tự mày mò, tìm hiểu và biết ý nghĩa của đôi dép. Sau đó, tôi nghĩ đến chuyện bán thử xem sao", CEO Nguyễn Tiến Cường cho biết.

Thời điểm đó, Cường đã có hơn 10 năm làm việc trong ngành phần mềm và lên tới vị trí phó giám đốc. Một mặt anh vẫn đến văn phòng bình thường, một mặt anh bắt đầu thử nghiệm ý tưởng bán dép cao su. Anh lập trang depcaosu.com và giới thiệu sản phẩm của ông Xuân lên đó. Không ngờ về sau, nhiều người thích rồi tự tìm đến tận nhà ông Xuân đặt dép.

"Có hôm 6h tối tôi đi làm về, thấy khách đứng đầy ngoài ngõ. Nhưng vì một mình ông cụ làm nên mỗi tháng chỉ được 1-2 đôi. Tôi phải nghĩ ra quy định mỗi khách chỉ được mua một đôi, và chỉ mua trong khung giờ 6-9h tối".

Chuyện Vua Dép Lốp và Cường phò mã”: Bỏ ghế phó giám đốc theo nghiệp làm dép cao su của bố vợ, tham vọng tạo nên “đôi dép quốc dân” Việt Nam - Ảnh 3.

Năm 2014, bố đẻ Cường đột ngột qua đời. Biến cố ấy khiến anh nhận ra cuộc đời quá ngắn ngủi để lãng phí vào những thứ nhàm chán. Vị trí phó giám đốc công ty phần mềm và mức lương hàng nghìn USD đã không còn đủ hấp dẫn để níu giữ một trái tim muốn rời đi. Cường chọn nghỉ việc, toàn tâm toàn ý theo nghiệp làm dép.

Thời điểm đó, ai cũng thấy khó hiểu với quyết định của anh, riêng bố vợ thì phản đối ra mặt. Một phần ông Xuân đã ở tuổi xưa nay hiếm nên không còn mặn mà với việc làm dép. Chưa kể ông cụ vốn kỹ tính, đồ đạc làm dép ông "giữ như vàng", Cường muốn động vào cũng khó.

Không học được từ bố vợ, Cường tìm cách đi "đường vòng". Anh đến khắp các bảo tàng để tìm hiểu đâu là đôi dép Bác Hồ, đâu là đôi dép bộ đội ta đi trong thời chống Pháp, chống Mỹ. Anh cũng lặn lội khắp các tỉnh thành trên toàn quốc, nghe ở đâu có thợ làm dép cao su là Cường tìm tới học hỏi.

Dần dần tình yêu của Cường với dép lốp đã lay động được bố vợ. Ông Xuân đồng ý đi cùng anh trong những chuyến hành trình về các tỉnh để tìm thợ. Ông cũng trực tiếp đứng ra đào tạo, để những người thợ trước nay chỉ quen với mấy đôi dép thô kệch, nắm được kỹ thuật làm hàng "tuyển". Năm 2014, Công ty cổ phần tập đoàn Depcaosu.com cùng thương hiệu sản phẩm "Vua Dép Lốp" chính thức ra đời.

Chuyện Vua Dép Lốp và Cường phò mã”: Bỏ ghế phó giám đốc theo nghiệp làm dép cao su của bố vợ, tham vọng tạo nên “đôi dép quốc dân” Việt Nam - Ảnh 5.
Chuyện Vua Dép Lốp và Cường phò mã”: Bỏ ghế phó giám đốc theo nghiệp làm dép cao su của bố vợ, tham vọng tạo nên “đôi dép quốc dân” Việt Nam - Ảnh 6.

Có công ty, có thương hiệu, nhưng bán ở đâu, bán cho ai, bán như thế nào thì Cường "phò mã" hoàn toàn mù mờ. Anh theo đường du lịch sang Thái Lan, Trung Quốc, xem người ta buôn bán thế nào. Cuối cùng, Cường nhận ra anh không chỉ bán sản phẩm, mà cần bán kèm cả câu chuyện phía sau.

Trở về, Cường đề xuất với Bảo tàng Hồ Chí Minh để được vào biểu diễn miễn phí quy trình làm dép, cũng như chia sẻ về những câu chuyện lịch sử xoay quanh đôi dép cao su. Khách quốc tế đến xem, ai cũng khen biểu diễn hay. Nhưng để mua sản phẩm thì không. Họ muốn những đôi dép mỏng, nhẹ, thời trang, trong khi dép cao su của Cường có phần đế dày, lại chỉ có một màu đen tuyền cục mịch.

"Tôi lúc đó làm dép theo kiểu bảo thủ. Tôi nghĩ dép cao su phải là đôi dép ngày xưa, đôi dép Bác Hồ, bác Giáp, không thể khác được".

Với tư duy ấy, 3 năm liền, công ty của Cường tồn tại lay lắt, sản phẩm bán được đếm trên đầu ngón tay. Nhưng Cường không từ bỏ. Mỗi đôi dép bán ra, anh đều gửi kèm một bức thư viết tay giới thiệu về câu chuyện ý nghĩa phía sau sản phẩm. Anh dành thời gian ở Bảo tàng nhiều hơn ở nhà, để nghiên cứu và tìm tòi hướng đi. Người thân không ai dám nói trước mặt, nhưng sau lưng đều lo lắng trước tình cảnh của anh.

"Chính con tôi, có lần trên đường tôi chở đi học về cháu còn hỏi: 'Bố ơi bố nghỉ việc phần mềm bố có tiếc không?'. Tôi bảo cháu rằng tôi không tiếc, tôi chỉ sợ bế tắc. Vì bế tắc khiến mình không biết phải đi tiếp theo hướng nào", Cường nhớ lại.

Chuyện Vua Dép Lốp và Cường phò mã”: Bỏ ghế phó giám đốc theo nghiệp làm dép cao su của bố vợ, tham vọng tạo nên “đôi dép quốc dân” Việt Nam - Ảnh 7.

Thấy Cường mãi không bán được hàng, lại "ngồi lâu tốn chỗ", Bảo tàng đề nghị anh dọn đi nơi khác. Trong tuần cuối cùng trụ lại, Cường quyết định thay đổi theo góp ý của khách. Anh làm những đôi dép có đế mỏng hơn, và vài mẫu hơi thời trang hơn một chút. Lập tức Cường bán được 15 đôi. Có tín hiệu tốt, anh xin Bảo tàng cho ra ngoài góc sân mở cửa hàng dép và được phê duyệt. Địa điểm này hiện nay vẫn là điểm bán hàng chính của Vua Dép Lốp tại Hà Nội.

Chuyện Vua Dép Lốp và Cường phò mã”: Bỏ ghế phó giám đốc theo nghiệp làm dép cao su của bố vợ, tham vọng tạo nên “đôi dép quốc dân” Việt Nam - Ảnh 9.

CEO Nguyễn Tiến Cường giới thiệu rằng dép lốp được sản xuất từ lốp của những chiếc xe siêu trường, siêu trọng vùng đất mỏ Quảng Ninh. Có những đôi đặc biệt hơn, được sản xuất từ lốp máy bay. Đây cũng là yếu tố khiến sản phẩm được khách du lịch nước ngoài đánh giá cao, vì "họ qua xem cứ khen tốt cho môi trường".

Cường cho biết, tính trung bình, một đôi dép cao su có thể đi ít nhất 3 năm, nắng mưa hầu như không ảnh hưởng. Có vấn đề chỉ cần thay quai dép là lại đi tốt, nhưng ngay cả việc hỏng quai cũng rất ít khi xảy ra.

"Tôi vẫn hay đùa dép bền đến lúc hỏng thì thôi, chứ thực sự khách mua xong không biết bao giờ mới phải thay dép", anh cười hóm hỉnh.

Vì đôi dép quá bền, nên để khách tiếp tục quay lại ủng hộ, Cường phò mã nghĩ tới câu chuyện đa dạng hóa sản phẩm. Đến nay, Vua Dép Lốp có đủ các mẫu khác nhau để đi làm, đi chơi, đi biển… Màu sắc của dép không chỉ đen trơn mà còn là đỏ, xanh dương, xanh lá, vàng, tím,…

Nếu trước đây, Cường không biết sản phẩm làm ra bán cho ai, thì nay anh xác định đối tượng khách mình hướng tới là "tất cả". Ban đầu người mua dép cao su chủ yếu là nam giới hoặc các bác bộ đội về hưu, về sau mở rộng ra nhóm khách hàng nữ. Rồi dựa theo tình hình thực tế, anh còn làm dép cho các bà, các cô ở tầm trung tuổi và cả dép trẻ em.

"Hầu như đã vào đây, ai cũng mua được dép", Cường khẳng định.

"Cường phò mã" giới thiệu về các mẫu dép cao su của thương hiệu Vua Dép Lốp.

Hiện tại trung bình mỗi đôi dép cao su có giá chỉ khoảng 250.000 đồng. Những đôi làm từ nguyên liệu đặc biệt hơn như lốp máy bay có giá khoảng 3 triệu đồng. Cường còn nhận làm những mẫu dép theo hướng cá nhân hóa với giá bán cao hơn.

Cường cũng tiết lộ một chi tiết đặc biệt, đó là anh không bao giờ có thói quen tặng dép, nhưng số khách VIP sử dụng sản phẩm của Vua Dép Lốp rất đông. Có các đại sứ Anh, Pháp, Mỹ, Nhật... có người nổi tiếng như Giáo sư Ngô Bảo Châu, có doanh nhân như Đặng Lê Nguyên Vũ, Nguyễn Thành Nam (FPT), có các nghệ sĩ như Chí Trung, Công Lý,... Trong cơ cấu khách hàng mua dép lốp của Cường, người Việt hiện mới chiếm cỡ 10%, đến 90% còn lại là khách nước ngoài.

"Nhiều người Việt vẫn định vị dép cao su là sản phẩm rẻ tiền, đen chân, có bán giá bao nhiêu cũng vẫn đắt. Tôi muốn thay đổi quan niệm này, biến dép cao su thành đôi dép quốc dân, đôi dép người Việt Nam nào cũng có".

Chuyện Vua Dép Lốp và Cường phò mã”: Bỏ ghế phó giám đốc theo nghiệp làm dép cao su của bố vợ, tham vọng tạo nên “đôi dép quốc dân” Việt Nam - Ảnh 12.
Chuyện Vua Dép Lốp và Cường phò mã”: Bỏ ghế phó giám đốc theo nghiệp làm dép cao su của bố vợ, tham vọng tạo nên “đôi dép quốc dân” Việt Nam - Ảnh 13.

Chỉ có trong tay 15 người thợ thủ công, nhưng CEO Nguyễn Tiến Cường tự tin không "ngán" bất kỳ đơn đặt hàng nào. Số lượng, mẫu mã bao nhiêu, với anh, đều không phải vấn đề đáng ngại bởi quan trọng nhất nằm ở tư duy người làm dép.

"Ngày xưa tự bố tôi nghĩ ra mẫu dép, dáng dép, sau đó lại tự mình làm tất cả các khâu sản xuất. Nhưng tôi không làm vậy. Với tôi, người thợ không cần sáng tạo, cũng không cần làm giỏi mọi công đoạn. Tôi chia nhỏ từng công đoạn ra, ví dụ ai khoanh dép thì chỉ ngồi khoanh dép, một ngày một người khoanh được 200 đôi bằng tay, ngay cả máy cũng không nhanh hơn được", anh khẳng định.

Để đảm bảo sản phẩm thủ công nhưng chất lượng luôn đồng đều, mỗi mẫu dép Cường đều có hồ sơ lưu trữ riêng, tạo thành chuẩn mực để thợ làm theo chính xác. Mỗi một mẫu nào đó mới ra, nếu quai hơi lỏng cần chỉnh lại, Cường sẽ sửa toàn bộ hồ sơ gốc.

Chưa kể, anh còn tự tạo ra một số loại máy móc, rút ngắn các công đoạn thủ công để tăng năng suất lao động.

"Nhiều người nghĩ thủ công nghĩa là phải làm bằng tay hoàn toàn, đấy là lạc hậu. Tôi vẫn làm thủ công nhưng có sự sáng tạo, công việc nào lặp đi lặp lại thì để máy làm, như vậy sẽ hạn chế phụ thuộc vào con người".

Sau 8 năm thành lập, đến nay, Vua Dép Lốp đã mở được 5 cửa hàng và 15 đại lý trong nước. Tại nước ngoài, sản phẩm đã có đại lý ở Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Pháp. Riêng Trung Quốc, sau nhiều năm, các đối tác vẫn phải nhập hàng trực tiếp từ Vua Dép Lốp chứ không thể trổ tài "đạo nhái".

CEO Nguyễn Tiếng Cường lý giải: "Hồi đầu các đối tác Trung Quốc đặt vấn đề làm ăn, họ muốn xem cơ sở sản xuất của mình. Không cho xem thì sợ không mua, cho xem sợ mất bí quyết. Mọi người bảo tôi, 'đến Hermes, Gucci mà đội ấy còn làm được, dép cao su là cái gì'. Thế nên thôi cứ bắt tay nhau và làm đến tận hôm nay.

Sau này, tôi tìm hiểu thì phát hiện, bởi vì Vua Dép Lốp ra mẫu mới liên tục. Mỗi năm sang đó đi hội chợ, tôi lại đem vài mẫu khác nhau. Tính ra chúng tôi có hàng trăm mẫu, mỗi mẫu lại bán sàn sàn như nhau. Họ muốn bắt chước thì biết bắt chước mẫu nào. Chưa kể các mẫu ấy sản lượng bán đều ngang nhau, không có mẫu nào trội hẳn lên. Dùng máy copy sản xuất đại trà chi phí có khi còn đắt hơn".

Với 90% lượng khách là người nước ngoài, Nguyễn Tiến Cường cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của Covid-19 trong suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, anh tranh thủ thời gian này để quay về phát triển kênh online và đẩy mạnh thị trường nội địa. Đến nay, dép cao su của Vua Dép Lốp đã có mặt tại một số chuỗi bán lẻ như M2, chuỗi siêu thị Coop.Mart, chuỗi siêu thị Go!,… Covid-19 có thể ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp, nhưng chưa bao giờ ăn mòn được ý chí của Cường "phò mã".

"Chúng tôi từng có 5 mẫu dép mà vẫn bán tốt, thì giờ không gì là không thể. Covid-19 qua đi khách sẽ quay lại thôi. Chúng tôi đã sẵn sàng cho sự bùng nổ", Cường hào hứng cho biết.

Chuyện Vua Dép Lốp và Cường phò mã”: Bỏ ghế phó giám đốc theo nghiệp làm dép cao su của bố vợ, tham vọng tạo nên “đôi dép quốc dân” Việt Nam - Ảnh 15.
Câu chuyện của Vua Dép Lốp nằm trong serie "Khởi nghiệp 0-1". Đây là chuỗi nội dung đặc biệt được chúng tôi đầu tư thực hiện công phu thông qua các buổi phỏng vấn trực tiếp với những nhà sáng lập và các CEO, ghi lại những câu chuyện thú vị, đắt giá của doanh nghiệp và startup. Đó là hành trình khởi nghiệp từ số 0 của họ đến khi có được 1 kết quả cụ thể, và cao nhất là vươn lên số 1 thị trường.

Mời bạn xem thêm số #1 trong serie Khởi nghiệp 0-1: Câu chuyện khởi nghiệp của Coolmate và CEO Phạm Chí Nhu

Bài viết: Nhung Bùi | Thiết kế: Hà Mĩ | Ảnh: Duy Anh

Cùng chuyên mục
XEM