Chuyện thâm cung bí sử ở gia tộc giàu có nhất Hong Kong: Anh em đấu đá, tranh chấp ngai vàng, tù tội và chết chóc

04/09/2019 10:15 AM | Kinh doanh

Lâu nay gia tộc Kwok vốn đã trải qua những cuộc đấu đá nội bộ không hồi kết, tốn rất nhiều giấy mực của báo chí xung quanh vấn đề thừa kế.

Giữa tâm bão biểu tình nổ ra ở Hong Kong, Sun Hung Kai's Properties - đế chế bất động sản hàng đầu tại đây được cho là đơn vị chịu thiệt hại lớn nhất. Theo dữ liệu của Bloomberg, gia tộc Kwok kiểm soát Sun Hung Kai và sở hữu khối tài sản trị giá 38 tỷ USD. Kể từ khi biểu tình nổ ra, tài sản của một số thành viên nhà Kwok sụt giảm hơn 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, đó không phải là rắc rối duy nhất của nhà Kwok. Lâu nay gia tộc này vốn đã trải qua những cuộc đấu đá nội bộ không hồi kết, tốn rất nhiều giấy mực của báo chí xung quanh vấn đề thừa kế. 

"Chúa đất Hong Kong"

Kwok Tak-seng là người đồng sáng lập công ty phát triển bất động sản hàng đầu của Hong Kong. Ông Kwok sinh năm 1911 tại Macau và chuyển tới Hong Kong sau Thế chiến II. Năm 1952, ông thành lập một công ty bán buôn hàng nhập khẩu và sau vài năm, việc kinh doanh đã phát triển nhanh chóng. 

Đến những năm 1960, ông đầu tư vào ngành bất động sản, đồng sáng lập Sun Hung Kai cùng tỷ phú Lee Shau Kee và gặt hái được thành công vang dội khi biến tập đoàn này thành một trong những đế chế bất động sản hàng đầu Hong Kong. 

Sun Hung Kai xây hai tòa nhà chọc trời cao nhất tại Hong Kong, sở hữu các khách sạn và chung cư lớn nhất thành phố. Tập đoàn này cũng là chủ của những trung tâm mua sắm đông đúc nhất Hong Kong. Ngoài ra, nhà Kwok còn xây công viên giải trí Noah's Ark với mô hình hoàn chỉnh của con tàu Noah huyền thoại trong Kinh Thánh.

Chuyện thâm cung bí sử ở gia tộc giàu có nhất Hong Kong: Anh em đấu đá, tranh chấp ngai vàng, tù tội và chết chóc - Ảnh 1.

Ông Kwok Tak-seng khi còn sống.

Một chuyên gia nhận định rằng Hong Kong đang rơi vào vòng luẩn quẩn khi một nhóm nhỏ các công ty nắm trong tay khối đất khổng lồ, kiểm soát hoàn toàn nguồn cung và đẩy giá "lên trời".

Theo thống kê, hiện một vài đại gia bất động sản kiểm soát hơn 1.000 hecta đất nông nghiệp tại Hong Kong, tương đương khoảng 1/5 diện tích Manhattan (New York, Mỹ). Và Sun Hung Kai là công ty nắm quỹ đất lớn nhất trong số này.

Phía công ty cho biết đã chuyển đổi 836.000 m2 đất nông nghiệp thành đất ở trong 5 năm qua và khoảng 2/3 quỹ đất đang trong giai đoạn chuyển đổi. Ông Spencer Lu, một giám đốc dự án tại Sun Hung Kai, giải thích quá trình đó đòi hỏi nhiều loại giấy phép khác nhau từ chính quyền Hong Kong.

Tính theo giá khởi điểm của Sun Hung Kai là 13.724 USD/m2 thì một căn hộ 65 m2 của công ty này có giá lên đến 890.000 USD. Đây là con số không tưởng với nhiều người dân thành phố, nơi thu nhập trung bình của hộ gia đình hàng tháng chỉ là 3.750 USD.

Năm 1990, ông Kwok Tak-seng qua đời vì bệnh tim ở tuổi 79 và vị trí lãnh đạo cao nhất thuộc về người con trai cả Walter Kwok. 2 người em là Thomas Kwok và Raymond Kwok có vai trò hỗ trợ.

Nội chiến gia tộc

Khi đang nắm quyền điều hành Sun Hung Kai, chủ tịch Walter đã tuyên bố nghỉ phép và trong khi ông vắng mặt, 2 em trai sẽ tiếp quản công việc. Sau chuyến đi, ông sẽ quay lại tiếp tục đảm nhiệm vai trò này.

Thế nhưng mọi chuyện lại diễn ra ngoài dự đoán của Walter. Trong thời gian ông đi nghỉ, 2 người em Thomas và Raymond đã tố cáo Walter bị trầm cảm để thuyết phục hội đồng quản trị bãi miễn chức chủ tịch của ông. Lý do được cho là vì Walter bị ảnh hưởng sau vụ bắt cóc bởi một băng đảng xã hội đen khét tiếng.

Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa được cho là bởi mối quan hệ ngoài luồng của ông Walter và người tình là một nữ luật sư có tên Ida Tong Kam-hing.

Đỉnh điểm của xung đột là ông Walter quyết định đưa bà Ida vào thành viên hội đồng quản trị bất chấp sự phản đối kịch liệt của mẹ và 2 em trai. Đây chính là giọt nước tràn ly châm ngòi cho cuộc chiến giành vị trí lãnh đạo Sun Hung Kai trong gia đình tỷ phú Kwok.

Chuyện thâm cung bí sử ở gia tộc giàu có nhất Hong Kong: Anh em đấu đá, tranh chấp ngai vàng, tù tội và chết chóc - Ảnh 2.

3 anh em nhà Kwok, lần lượt từ trái qua là Raymond, Walter và Thomas.

Sau khi Walter bị hạ bệ, người mẹ của họ là bà Kwong Siu-hing trở thành chủ tịch trong khi Thomas và Raymond nắm giữ chức vụ CEO của tập đoàn. Còn Walter, tuy vẫn được giữ trong hội đồng quản trị nhưng ông không có quyền bỏ phiếu.

Khi cuộc chiến tranh giành quyền lãnh đạo của 3 anh em nhà Kwok đang diễn ra căng thẳng thì năm 2014, Thomas và Raymond lại bị cáo buộc hối lộ và tham nhũng – vụ bê bối nổi tiếng nhất trong lịch sử Hong Kong. Kết quả là Thomas bị kết án 5 năm tù còn Raymond tiếp quản vị trí chủ tịch tập đoàn Sun Hung Kai. Về phần Walter, cuối tháng 8 năm ngoái, ông phải nhập viện sau khi bị đột quỵ ở nhà và qua đời sau đó 2 tháng.

"Những người thừa kế trẻ tỷ USD"

Khoảng 4 năm sau, Thomas được ra tù trước thời hạn do cải tạo tốt nhưng ông cho biết đã có quá nhiều thay đổi diễn ra và ông chưa muốn quay trở lại làm việc ngay. Mọi công việc liên quan tới các dự án bất động sản mà Thomas phụ trách kể từ khi ông đi tù cho đến nay vẫn được vợ cùng 2 người con tiếp quản.Trong khi đó, 2 người con trai của Raymond là Chistoper và Edward tham gia cùng cha điều hành mảng bán lẻ của tập đoàn. 

Geoffrey - con trai của Walter Kwok, hiện nắm giữ khối tài sản trị giá 6,7 tỷ USD. Ở tuổi 33, Geoffrey là người châu Á trẻ tuổi nhất có mặt trong danh sách tỷ phú USD do Bloomberg xếp hạng. Geoffrey gia nhập Hội đồng quản trị của Sun Hung Kai vào tháng 12/2018 sau khi học tại Đại học Yale và làm việc cho một ngân hàng đầu tư quốc tế.

Chuyện thâm cung bí sử ở gia tộc giàu có nhất Hong Kong: Anh em đấu đá, tranh chấp ngai vàng, tù tội và chết chóc - Ảnh 3.

Hai người con là Lesley và Jonathan của tỷ phú Walter.

Người em Jonathan cũng được thừa kế khối tài sản khoảng 2,5 tỷ USD. Lesley, con gái Walter thì không xuất hiện trong bất cứ hồ sơ cổ đông nào của Sun Hung Kai. Tuy nhiên cả ba đều là giám đốc của công ty gia đình Empire Group Holding. Lesley phụ trách các khoản đầu tư chứng khoán, trong khi Jonathan đảm nhận mảng giao dịch bất động sản.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM