[Chuyện nghề] Nghề quảng cáo: Tràn đam mê, đầy màu sắc và định kiến về một nghề "nói dối"
"Hồi đó mình được truyền cảm hứng bởi chiến dịch Think Different của Apple," Bắp nhớ lại.
Làm quảng cáo được nghe nhiều chuyện, gặp nhiều người, cuộc sống đầy màu sắc. Ảnh minh họa.
"Quảng cáo rất powerful," Bắp hồ hởi nói, "Nó vừa đem thương hiệu đến tâm trí người tiêu dùng, đồng thời thay đổi góc nhìn của con người, thay đổi nhận thức của công chúng về một vấn đề. Và quảng cáo làm thế giới tốt đẹp hơn."
Tại sao ngành quảng cáo "quyến rũ"?
Các bài cùng series:
- Quý cô độc thân Phan Ý Yên kể chuyện nghề của các KOL hay "tổ ngàn like"
Năm 2015, Bắp biết đến quảng cáo thông qua một vài khóa học ngắn.
"Mình thấy quảng cáo khá inspiring, rằng đây là ngành mình có thể theo đuổi được," Bắp kể lại.
Rồi Bắp nghe nhiều hơn về quảng cáo từ một người chị. Cùng lúc đó một công ty quảng cáo trong Sài Gòn tuyển thực tập sinh. Lúc ấy vừa tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, Bắp quyết định khăn gói vào Sài Gòn – vừa muốn vượt ra khỏi comfort zone của bản thân, vừa để được tiếp xúc với quảng cáo chuyên nghiệp.
Đến nay, từ một intern, qua vài vị trí và vài agency (tên thường gọi của các công ty quảng cáo), Bắp đang làm việc tại một agency có tên tuổi tại Sài Gòn.
"Thế giới có rất nhiều vấn đề. Doanh nghiệp có rất nhiều vấn đề. Quảng cáo có thể tác động đến tâm trí người ta, góp phần thay đổi quan điểm của con người về một vấn đề gì đấy," Bắp nói.
Trên thực tế, ngành quảng cáo cuốn hút người làm nghề vì nhiều lý do khác nhau.
Bắp cho biết: "Mình thích những ý tưởng sáng tạo, thích tạo nên giải pháp dựa trên những hiểu biết của mình về cuộc sống."
Thiên An - người đã có 10 năm gắn bó với quảng cáo - thì cho hay: "Mỗi dự án là một vấn đề khác nhau. Mỗi ngành hàng, mỗi sản phẩm là một khía cạnh khác nhau mà mình phải tìm hiểu, những đối tượng mục tiêu khác nhau mà mình gặp gỡ... Những điều đó cực kỳ đa dạng và mình cảm thấy thích thú."
Trong 10 năm với nghề, Thiên An đã làm quảng cáo cho nhiều sản phẩm liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau như trẻ em, người già, có khi là... triệu phú. "Rất nhiều đối tượng và mặt hàng nhiều khi hoàn toàn xa lạ đối với mình," Thiên An nói.
Rồi từ đó mà có nhiều chuyện thú vị nảy sinh.
Phương – một chàng trai 25 tuổi kể lại chuyện "tìm hiểu người tiêu dùng" khi làm một chiến dịch cho một sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ: "Hồi đó team mình có một bạn nữ, nên mình cũng tranh thủ hỏi. Ai đi qua chắc tưởng mình là thằng... biến thái."
Ngoài ra, sự tự do, thoải mái cũng là một điểm hấp dẫn của ngành quảng cáo - không chỉ trong giờ giấc, cách ăn mặc - mà còn trong cách người làm quảng cáo giải quyết vấn đề:
"Quảng cáo không có công thức, không có khuôn mẫu nào hết. Nó cho mình sự tự do để tìm ra góc nhìn mới. Và để làm được chuyện đó thì mình có thể làm được bất cứ cách nào mà mình thích, mình có thể nói chuyện với người tiêu dùng, hoặc đi đến tận nơi tiêu thụ sản phẩm để quan sát thói quen và hành vi của người tiêu dùng. Phương pháp để giải quyết bài toán rất open, không máy móc...", Thiên An cho hay.
"Kẻ xấu" Client?
Đầy nhiệt huyết với nghề và không nề hà vất cả, khi được hỏi về điều không thích ở ngành, Bắp chỉ nói duy nhất một từ: "client" (nhãn hàng - khách hàng của các agency).
"Vì bản chất agency là người đi làm dịch vụ cho client, client là người trả tiền. Chính vì thế mà nhiều client thiếu tôn trọng, tâm lý "tôi trả tiền, tôi có quyền hạch sách" đang là tâm lý của nhiều client hiện nay," Bắp cho hay.
Nhiều công ty quảng cáo quá chạy theo lợi nhuận doanh số mà coi nhẹ về chất lượng, làm ra sản phẩm truyền thông "mì ăn liền," rẻ tiền...
Trường hợp client "không hiểu chuyện," yêu cầu "quá đáng" cũng được giới agency đem ra than than thở với nhau.Thiên An cho biết: "Nhiều lúc thấy nản vì client không suy nghĩ một cách chiến lược, chỉ muốn làm ra những sản phẩm "mì ăn liền." Những lúc đó cảm thấy những cái mình cái mình đầu tư suy nghĩ cho khách hàng đổ sông đổ biển, không được trân trọng."
Theo Thiên An, hiện cũng có nhiều công ty quảng cáo quá chạy theo lợi nhuận doanh số mà coi nhẹ về chất lượng, làm ra sản phẩm truyền thông "mì ăn liền," rẻ tiền, không mang lại nhiều giá trị cho nhãn hàng và xã hội.
"Bây giờ có đối thủ cạnh tranh là các agency khác. Là họ chiều theo ý client, nói những điều client muốn nghe thay vì những gì thật sự tốt cho thương hiệu, rồi vì doanh số họ đưa ra các sản phẩm truyền thông kém chất lượng với những deadline phi lí, làm hạ thấp tiêu chuẩn của cả ngành xuống, trong khi mình cố gắng làm sao cho nó tốt hơn..." Bắp cho hay.
Định kiến và những quan điểm khác biệt
từ chính người làm nghề
Trong một buổi cafe, một người bên cạnh bảo Bắp: "Ngành quảng cáo là ngành vô đạo đức, đi quảng cáo cho những điều dối trá".
Lúc đó, chàng trai dành trọn đam mê cho quảng cáo chỉ biết ậm ừ rồi bảo: "Doanh nghiệp có sản phẩm tốt, thì quảng cáo là cầu nối để đưa sản phẩm đấy đến tâm trí người tiêu dùng, kết nối tâm trí người tiêu dùng với cái vượt trội của các thương hiệu."
Người lâu năm như Thiên An thì cho biết: "Cái gì cũng có 2 mặt, và lựa chọn cuối cùng là ở người tiêu dùng."
Nhưng có lẽ ngoài định kiến từ những người ngoại đạo, ngay chính bên trong ngành, cũng có nhiều quan điểm "làm quảng cáo" khác nhau.
Trong khi Bắp làm quảng cáo vì "muốn truyền cảm hứng cho người ta, hướng thương hiệu tới những mục đích tốt đẹp," thì Thiên An lại cho rằng:
"Khi làm quảng cáo, việc mang lại ý nghĩa cho cộng đồng là tốt nhưng không phải là điều bắt buộc trong mỗi dự án. Thật ra những thách thức mình phải giải quyết hầu hết đều liên quan trực tiếp đến doanh số của doanh nghiệp. Cuối cùng thì mọi thứ mình làm trước hết phải giúp cho nhãn hàng vì nhãn hàng chính là người trả tiền cho mình làm quảng cáo."
Còn ngay cả chính người chị đã truyền cảm hứng về quảng cáo cho Bắp ngày trước, nay cũng đã rời nghề với lý do: "Thấy không nhiều ý nghĩa, không có value nhiều."
Riêng Bắp, anh vẫn coi quảng cáo vẫn là đam mê, là con đường lâu dài để theo đuổi. Dẫu ngành này yêu cầu cao ở người làm ngành: mỗi dự án là một thử thách và tốc độ công việc nhanh nên không để người trong nghề được phép ù lì, trì trệ... Dẫu gần như không thể tránh khỏi, mỗi lần tới deadline là Bắp phải làm việc overtime:
"Có hôm làm bài thuyết trình tới 3 giờ sáng mới về. Khi đó dính deadline, hơi căng thẳng," Bắp kể.
Theo Thiên An, quảng cáo là "một giải pháp để giải quyết vấn đề, hoặc là mang đến cơ hội cho doanh nghiệp."
Công việc quảng cáo vì thế không chỉ là nghĩ ý tưởng – như ý tưởng cho một biển quảng cáo, một video quảng cáo mà chúng ta thấy trên Internet/TV, mà đằng sau mỗi chiến dịch quảng cáo là cả một quá trình làm việc nghiêm túc và tốn thời gian như tìm hiểu về thị trường, tâm lý người tiêu dùng cũng như câu chuyện về sản phẩm và thương hiệu.
Vì thế, một agency sẽ có những phòng ban với tính chất công việc khác biệt, cùng phối hợp với nhau để thực hiện một dự án.