Chuyện nghề làm mẫu cho người chết ở Trung Quốc: Thử đồ trực tiếp cho khách xem, bật nhạc theo yêu cầu trong lễ tang

03/07/2021 08:37 AM | Xã hội

Tổng doanh số của ngành tang lễ tại Trung Quốc đã tăng gần 100% từ 139,5 tỷ Nhân dân tệ (21,6 tỷ USD) năm 2013 lên 263,8 tỷ Nhân dân tệ (40,8 tỷ USD) năm 2020.

Đối với nhiều người dân Trung Quốc, có 2 loại trang phục là quan trọng nhất trong đời, đó là đồ mặc khi cưới và quần áo mặc cho lễ tang của bản thân.

Với tốc độ dân số già hóa đang ngày một tăng, các dịch vụ tang lễ tại Trung Quốc cũng phát triển theo mà hiện nay còn có cả người thử quần áo cho người chết. Cô Fang Fang, một người mẫu chuyên thử đồ cho người chết đến từ Dalian-Trung Quốc đã chia sẻ về công việc của mình với tờ SCMP khi bản thân cô phá bỏ những rào cản về tư tưởng để giúp các gia đình lựa chọn được bộ đồ ưng ý nhất cho người thân đã khuất của họ.

Chuyện nghề làm mẫu cho người chết ở Trung Quốc: Thử đồ trực tiếp cho khách xem, bật nhạc theo yêu cầu trong lễ tang - Ảnh 1.

Trên thực tế, cô Fang đã lựa chọn nghề tang lễ từ khi mới tốt nghiệp vào năm 2013 và vẫn hoạt động cho đến hiện nay. Cô chụp ảnh mẫu mọi thể loại quần áo cho người đã khuất và đăng tải chúng lên mạng cho các gia đình lựa chọn.

Việc đăng tải hình ảnh này mới được cô Fang thực hiện gần đây bởi cô cho rằng người đã khuất xứng đáng được trân trọng và khoác lên mình những bộ đồ đẹp nhất.

"Rất nhiều khách hàng đến cửa hàng của chúng tôi mà chẳng dám đụng vào những bộ đồ đó bởi họ sợ hãi. Bởi vậy tôi đã phải thử chúng lên để gia đình xem có phù hợp không, nếu phát hiện sai sót thì họ sẽ đề nghị sửa sau đó", cô Fang chia sẻ.

Không giống như nhiều sinh viên ra trường khác tại Trung Quốc khi cố gắng làm trái ngành để có được một công việc, cô Fang đã chọn đúng ngành học khi tốt nghiệp khoa quản lý nghĩa trang. Gia đình của cô Fang cũng khá bất ngờ về quyết định chọn nghề đúng ngành học này.

"Bố tôi đã cảnh báo tôi khi quyết định làm trong nghề tang lễ này rằng đừng có hối hận đấy. Tôi đã bảo ông ấy rằng ‘con sẽ không bao giờ hối hận đâu’", cô Fang cười nói.

Công việc của cô Fang không riêng gì thử đồ cho gia đình các người thân lựa chọn khi mai táng mà còn cả dịch vụ tắm rửa, trang điểm cho người đã khuất. Sau đó, đích thân cô sẽ lên đồ cho họ để trông được hoàn hảo nhất trong tang lễ.

Nghe có vẻ lạ nhưng cô Fang khá yêu thích nghề nghiệp của mình bởi chúng đem lại sự thanh thản cho những gia đình có người mất.

"Một số người đã mất có khuôn mặt khá đau khổ. Khi tôi trang điểm và giúp họ trông thanh thản hơn, bản thân tôi cảm thấy rất hạnh phúc và gia đình người đã khuất cũng cảm kích về điều đó", cô Fang cho biết.

Mặc dù vậy, công việc của cô Fang cũng nhận được những lời chỉ trích trái chiều trên mạng xã hội khi thử mẫu đồ cho người chết. Nguyên nhân chính là định kiến tiếp xúc với đồ người đã mất sẽ đem lại vận rủi tại Trung Quốc.

"Một số người bạn học cũ của tôi đã rất bất ngờ khi tôi kể về nghề nghiệp của mình. Họ sẽ hỏi những câu như tại sao tôi lại chọn nghề này, tại sao không chọn nghề khác... cứ như thể nghề tang lễ này của tôi thấp kém hơn các nghề khác vậy", cô Fang kể lại.

Chuyện nghề làm mẫu cho người chết ở Trung Quốc: Thử đồ trực tiếp cho khách xem, bật nhạc theo yêu cầu trong lễ tang - Ảnh 2.

Vượt qua định kiến

Cô Fang thú nhận khi mới vào nghề cũng khá sợ hãi, nhưng những tiền bối đi trước đã có lời khuyên hữu ích với cô.

"Khi lần đầu tiên làm nghề tôi đã nghĩ khá nhiều. Tôi chưa từng đụng vào một thi thể nào trước đó và bắt đầu có những ý nghĩ điên rồ như nhỡ đâu người đã khuất đó bật dậy giữa chừng. Thế nhưng cái xác đó chỉ là một bà cụ hiền lành nằm đó và tôi cuối cùng cũng chẳng sợ hãi nữa. Thế như tôi cũng phải mất 2-3 lần sợ hãi mới quen được", cô Fang chia sẻ.

Theo cô Fang, dù đã tiếp xúc với nhiều thể loại xác chết nhưng cô vẫn cảm thấy đáng thương nhất là những gia đình mai táng cho con cái hoặc người chết trẻ. Có lần cô làm dịch vụ tang lễ cho một người mẹ trẻ mới ngoài 30 qua đời vì ung thư, để lại người chồng cùng đứa con 3 tuổi. Khi phải đến nhà người thân để lấy ảnh, đứa bé đã ra mở cửa một cách lịch sự và còn đề nghị cô chơi với bé.

"Cô bé chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra cả và tôi đã bật khóc khi cô bé muốn tôi chơi với nó", cô Fang kể lại.

Trong những năm qua, định kiến về nghề tang lễ đang giảm dần ở Trung Quốc khi dân số già hóa nhanh và giới trẻ bắt đầu có cái nhìn cởi mở hơn. Thậm chí nhiều gia đình còn muốn có một lễ tang phù hợp sở thích của người đã khuất.

"Ví dụ trước đây chúng tôi hay dùng nhạc truyền thống trong lễ tang nhưng nhiều bạn trẻ giờ đây lại đòi những bản nhạc mà người mất từng thích để bật. Chúng có thể là bất kỳ thể loại nhạc nào và khiến cho lễ tang trở nên đầm ấm hơn là thê lương", cô Fang nói.

Số liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy số người chết hàng năm tại đây đã tăng mạnh từ 9,72 triệu người năm 2013 lên 9,98 triệu người năm 2019. Hệ quả là tổng doanh số của ngành tang lễ đã tăng gần 100% từ 139,5 tỷ Nhân dân tệ (21,6 tỷ USD) năm 2013 lên 263,8 tỷ Nhân dân tệ (40,8 tỷ USD) năm 2020.

"Thật ra thì ngày càng làm lâu trong ngành này thì tôi càng cảm thấy yêu nghề hơn", cô Fang cười nói.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM