Chuyên gia Savills: Giá BĐS hạng sang tại Việt Nam vẫn rẻ trong mắt nhà đầu tư ngoại

19/12/2022 15:26 PM | Kinh doanh

Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng thị trường nhà ở cao cấp và hạng sang tại Việt Nam phải trải qua một chặng đường rất dài mới có thể có mức giá cao chóng mặt như Hồng Kông và Singapore, cho nên tiềm năng cho phân khúc BĐS này còn rất lớn.

Chuyên gia Savills: Giá BĐS hạng sang tại Việt Nam vẫn rẻ trong mắt nhà đầu tư ngoại - Ảnh 1.

Theo vị chuyên gia này, giá BĐS hạng sang Việt vẫn rẻ trong mắt nhà đầu tư ngoại. Theo đó, cơ hội còn rất lớn ở phân khúc bất động cao cấp, hạng sang.

Ghi nhận cho thấy, nếu BĐS cao cấp nguồn cung đa dạng thì dòng BĐS hạng sang, giá từ chục tỉ đồng đến hàng trăm tỉ đồng mỗi căn lại khá khan hiếm. Điều này cũng tạo một vị thế riêng cho dòng sản phẩm này. Sức mua ghi nhận vẫn khá tốt ở các sản phẩm đáp ứng tiêu chí “khắt khe” của người giàu.

Có giá từ hàng triệu USD mỗi căn nhưng dòng sản phẩm biệt thự The Mizuki tại khu Nam Tp.HCM hiện đã bán hết, sau khoảng thời gian ngắn bung thị trường. Được biết thời điểm bán, giá dao động tùy theo loại hình và vị trí, vào khoảng từ 28-50 tỷ/căn biệt thự vườn, từ 38-48 tỷ/căn biệt thự view kênh, từ 48-80 tỷ/căn biệt thự view sông.

Tại Long An, một chủ đầu tư đang bung thị trường 96 căn biệt thự Park Village với mức giá từ 16,8 tỉ đồng/căn, diện tích 300-600m2. Dù chỉ mới “manh nha” thị trường, dòng BĐS hạng sang này nhận được sự quan tâm khá tốt từ thị trường.

Trước đó, một số căn biệt thự ven sông thuộc một khu đô thị tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cũng có chủ nhân trong thời gian ngắn chào bán. Được biết, giá mỗi căn diện tích lớn lên đến 170 tỉ đồng/căn, chưa VAT.

Cùng khu vực, sản phẩm nhà phố, biệt thự The Global City của Masterise Homes có giá từ 40 tỉ đồng/căn trở lên vẫn nhận được sự chú ý của người mua có tiền.

Từng dành lời cho BĐS hạng sang, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng: Điểm sáng của thị trường BĐS trong dài hạn chính là BĐS hạng sang. Đây là phân khúc sẽ càng ít nguồn cung trong tương lai. Nếu trước đây, dòng sản phẩm hạng sang chủ yếu nằm ở các vị trí đắc địa tại khu vực trung tâm, thì hiện nay có xu hướng dịch chuyển về các khu đô thị quy mô, có vị trí view sống, hồ, kênh. Người giàu thường chi tiền cho loại hình này vì quan tâm đến yếu tố sức khoẻ, phong thuỷ, giá trị sống.

“Sự khan hiếm kèm với các đặc tính riêng biệt, BĐS hạng sang đánh đúng vào tâm lý đối tượng khách mua có tiền muốn thụ hưởng cuộc sống. Đây cũng là dòng sản phẩm có biên độ tăng giá mạnh trên thị trường”, ông Kiệt nhấn mạnh.

Chuyên gia Savills: Giá BĐS hạng sang tại Việt Nam vẫn rẻ trong mắt nhà đầu tư ngoại - Ảnh 2.

Còn ông Neil MacGregor nhấn mạnh, phân khúc cao cấp, hạng sang đã từng được dự báo dư thừa nguồn cung. Tuy nhiên, thực tế ở một số dự án, nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Ở các dự án ra hàng sản phẩm “phiên bản giới hạn” thường suất sắc mọi tiêu chí nên được giới siêu giàu săn đón. Trong đó, có lượng lớn sức mua đến từ người nước ngoài.

“Có thời điểm, sức mua của người nước ngoài tại các dự án chung cư hạng sang cao ở mức chưa từng có, luôn kín “room” 30% mà Chính phủ cho phép”, chuyên gia Savills nhấn mạnh.

Lý giải cho sức hút và tiềm năng của loại hình bất động sản này, ông Neil MacGregor cho rằng, số người giàu và siêu giàu tại Việt Nam đang tăng rất nhanh, chưa kể đến việc ngày càng nhiều người nước ngoài muốn sở hữu BĐS tại đây.

Trong khi đó, giá BĐS cao cấp, hạng sang tại Việt Nam vẫn còn rẻ hơn nhiều so với các thành phố trong khu vực như Kuala Lumpur và Bangkok.

“Thị trường nhà ở cao cấp tại Việt Nam phải trải qua một chặng đường rất dài mới có thể có mức giá cao chóng mặt như Hồng Kông và Singapore, cho nên tiềm năng cho phân khúc bất động sản này còn rất lớn”, ông Neil MacGregor chia sẻ.

Chuyên gia Savills: Giá BĐS hạng sang tại Việt Nam vẫn rẻ trong mắt nhà đầu tư ngoại - Ảnh 3.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam.

Ngoài ra, nguồn cung BĐS hạng sang đang trở nên khan hiếm. Phân khúc này từng rất sôi động tại các quận phía Đông như quận 2 (Thủ Thiêm, An Phú, Thạnh Mỹ Lợi) và quận Bình Thạnh nhưng hiện tại rất ít sản phẩm tại khu vực này chào bán. Hiện, nhu cầu đang dịch chuyển về các tỉnh lận cận thuộc khu Tây và Nam Tp.HCM.

Thực tế số lượng BĐS hạng sang năm 2020 không tăng so với năm 2018, 2019. Trong năm 2020 và 2021, thị trường tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm của nguồn cung chào bán do quy trình cấp phép mới và cấp phép sửa đổi các dự án kéo dài dẫn đến việc triển khai dự án chậm. Ngoài ra, dịch Covid-19 đã làm gián đoạn sự chào đời của phân khúc này. Bước sang năm 2022, quỹ đất tiếp tục khan hiếm phần nào cản bước sự phát triển của loại hình BĐS hạng sang. Bởi, theo các chuyên gia, để phát triển được loại hình này, yêu cầu khắt khe về vị trí, địa thế, quỹ đất và quy hoạch.

Trong khi đó, mức giá thứ cấp theo ghi nhận từ CBRE Việt Nam, BĐS hạng sang vẫn tăng giá từ 30-50%/năm, bất chấp sự khó khăn của thị trường. Đáng nói, dòng sản phẩm dành riêng cho người giàu rất khó giảm giá.

Nói về sức hút của BĐS hạng sang trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, BĐS cao cấp, hạng sang tại Việt Nam hấp dẫn là mức giá ở đây vẫn còn thấp hơn rất nhiều các thành phố lớn khác trong khu vực. Theo ông David Jackson, hiện giá trung bình mỗi mét vuông căn hộ hạng sang tại trung tâm thành phố cũng chỉ bằng khoảng 18% so với căn hộ có vị trí tương đương tại Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc).

Đáng nói, xu hướng và khẩu vị đầu tư của giới nhà giàu Việt Nam cũng tạo ra sức hấp dẫn cho phân khúc BĐS này. Những người giàu và siêu giàu Việt thích đầu tư vào BĐS, coi BĐS là kênh trú ẩn an toàn nhất. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng đã từng đặt ra câu hỏi để nói về sức nóng của thị trường địa ốc: “Nếu không đầu tư vào BĐS tại Việt Nam thì chúng ta có thể đầu tư vào nước nào đây?”.

Chuyên gia Savills: Giá BĐS hạng sang tại Việt Nam vẫn rẻ trong mắt nhà đầu tư ngoại - Ảnh 4.

Theo chuyên gia Savills, giá BĐS hạng sang tại Việt Nam vẫn rẻ trong mắt nhà đầu tư ngoại.

Cũng nhấn mạnh về vấn đề này, ông Neil MacGregor cho rằng, thị trường nhà ở trong nước đang chứng kiến nguồn cầu rất lớn và động lực tăng trưởng mạnh mẽ đến từ tốc độ đô thị hóa nhanh với tỷ lệ dân số vàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn chính của thị trường như thủ tục pháp lý, quỹ đất và nguồn vốn đầu tư, dẫn đến tình trạng lệch pha cung cầu.

Trong hội nghị mới đây, vị chuyên gia này đã chỉ ra các khó khăn chính của thị trường BĐS hiện nay cũng như các giải pháp xử lý.

Theo đó, ông khuyến nghị các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần đưa ra giải pháp tăng quỹ đất sạch để tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng, giải quyết vấn đề thiếu nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường. Đồng thời, cần bổ sung quỹ đất khu trung tâm cho phát triển dự án nhà ở và triển khai đứng hạn các dự án hạ tầng để hỗ trợ quá trình phát triển đô thị.

Ông cũng khuyến nghị cần xây dựng quy trình đấu giá đất công minh bạch hơn, có thể mời các đơn vị định giá nước ngoài đã chứng minh năng lực tầm quốc tế, triển khai đúng hạn các dự án cơ sở hạ tầng để hỗ trợ quá trình phát triển đô thị. Bên cạnh đó, nhà chức trách có thể tham chiếu một số quy trình đấu giá đất công tại các thị trường trưởng thành hơn như Singapore, Hong Kong…

Trong bối cảnh tín dụng BĐS và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát chặt chẽ, chuyên gia Savills khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động đa dạng hóa nguồn vốn, tiếp cận các kênh thay thế như quỹ đầu tư, M&A, liên doanh. Việc đa dạng hóa các nguồn vốn sẽ giúp ổn định thị trường và giảm các rủi ro hệ thống.

“Ngành BĐS tiếp tục là một phần quan trọng trong bối cảnh M&A năm 2022. Rất nhiều trong số đó là của các nhà đầu tư Việt Nam, nhưng cũng có những giao dịch quan trọng diễn ra giữa các bên nước ngoài. Chúng tôi đang thấy rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế bất chấp những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu nói chung”, chuyên gia Savills Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Hạ Vy

Cùng chuyên mục
XEM