Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Nông nghiệp Việt Nam tuột dốc vì tiền đầu tư đang đổ nhanh sang các ngành khác

18/01/2017 10:55 AM | Kinh tế vĩ mô

Cụ thể, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định rằng việc nông nghiệp sụt giảm năm nay, lý do mang tính bản chất ở đây chính là việc đầu tư của tất cả các thành phần kinh tế vào ngành này đã bị giảm liên tục trong nhiều năm qua.

Nông nghiệp Việt Nam đang ở trong một giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây – Đó chẳng còn là điều cần bàn cãi nữa khi mà những số liệu của Tổng cục Thống kê vào năm qua đã ngã ngũ vào cuối tháng 12 vừa qua.

Đó là con số mà nông nghiệp chỉ tăng 1,36% trong năm 2016 - mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 2011. Đó cũng là con số mà năng suất một người làm nông tạo ra thua 3,1 lần so với người làm dịch vụ và thua 3,4 lần so với người làm công nghiệp và xây dựng...

Mới đây, tại buổi tọa đàm công bố tình hình kinh tế vĩ mô tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đã đưa ra thêm nhiều nhận định sắc bén của riêng mình về những vấn đề thực tại của nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Cụ thể, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định rằng việc nông nghiệp sụt giảm năm nay, lý do vì biến đổi khí hậu hay hạn hán gia tăng trong năm 2016 chỉ là một phần của tảng băng.

Lý do mang tính bản chất ở đây chính là việc đầu tư của tất cả các thành phần kinh tế vào ngành này đã bị giảm liên tục trong nhiều năm qua. Một cách trừu tượng, có thể hiểu nông nghiệp năm nay kém đi giống như phần kết của một bộ phim mang màu sắc ảm đạm vậy.

Kể từ khi tham gia WTO, tiền vốn được đổ vào nông nghiệp trước đây thì lại được đổ vào những ngành khác. Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Trong những năm qua, khi mà chúng ta đổ dồn rất nhiều thứ vào phát triển những cái khác thì lại gần như lãng quên nông nghiệp. Tất cả các chỉ số đều cho thấy đầu tư vào nông nghiệp cứ tiếp tục sụt giảm.

“Nông nghiệp đang hứng chịu những hậu quả từ sự phát triển của các ngành khác”, bà Lan nhấn mạnh.

Chính phủ nhận định FDI không chịu đầu tư vào nông nghiệp, doanh nghiệp không chịu đầu tư vào nông nghiệp nhưng chính bản thân dòng tiền nhà nước cũng sụt giảm rất nhiều đầu tư của mình vào nông nghiệp sau khi tham gia WTO so với trước đây. Nếu trước đó, tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp ở mức 13,8% thì sau này con số đó là chỉ khoảng một nửa mức đầu tư trước đây, khoảng hơn 6%”.

Việc bỏ quên nông nghiệp có thể mang lại những hậu quả lớn. “Đừng quên nếu chúng ta bỏ quên nông nghiệp, nghĩa là đã bỏ quên tới 65% dân cư Việt Nam sống ở khu vực nông thôn”, vị chuyên gia kinh tế nhận định.

Thực ra, câu chuyện nông nghiệp sẽ gặp khó khăn này đã được các chuyên gia dự báo từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO ngót ngét 10 năm trước. Đến những năm gần đây, khi cơ hội tham gia TPP của Việt Nam lớn dần, qua đó mở ra nhiều cơ hội cho cả nền kinh tế, các sức ép lên ngành nông nghiệp truyền thống Việt Nam lại được mang ra bàn thảo. Thế nhưng, đa phần các biện pháp thì vẫn còn năm trên giấy tờ.

“Sức ép của nông nghiệp trong hội nhập là cực kỳ to lớn. Hiệp định TPP, rồi ASIAN, Trung Quốc, bao nhiều các FTA hội nhập mở cửa đều có thể tăng sức ép cho nông nghiệp.Tuy nhiên chỉ biết là sức ép tăng lên, nhưng những biện pháp nào cụ thể để chống chọi sức ép cho nông nghiệp thì đến bây giờ cũng gần như chưa có nhiều” – Bà Lan nói

Kết thúc phần nhận định của mình về nông nghiệp, vị chuyên gia đưa ra một kết luận cuối cùng: “Nông nghiệp thực sự đã tới ngưỡng, tới những điểm kẹt của nó mà nếu không có những thay đổi mang tinh chất đột phá thì sẽ không có cách gì vượt lên được”.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM