Chuyên gia hiến kế cho các nhà bán lẻ thời "bão giá": Bỏ ngay mua 1 tặng 1 nếu muốn sống sót

23/11/2022 13:53 PM | Kinh doanh

Bà Hứa Quế Lan, Kỹ sư Giải pháp Cấp cao của Salesforce, chỉ ra rằng các nhà bán lẻ đang bị "kẹp ở giữa" khi các nhãn hàng tăng giá, người tiêu dùng chi tiêu dè sẻn hơn. Vì vậy, những chương trình như mua 1 tặng 1 cần phải loại bỏ.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Thế khó của ngành bán lẻ vì lạm phát

Tại phiên thảo luận với chủ đề "Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong ngành bán lẻ", nằm trong khuôn khổ Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) 2022 diễn ra tuần trước, Kỹ sư Giải pháp Cấp cao của Salesforce Hứa Quế Lan cho biết 90% nhà bán lẻ ở Mỹ đã than phiền về vấn đề lạm phát.

"Cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến tình hình thêm khó khăn. Nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn, nguồn lao động gián đoạn, giá dầu tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến các khâu sản xuất và mua bán", bà trình bày.

Trong bối cảnh tình trạng đội giá xảy ra ở mọi khâu kinh doanh, từ nguyên liệu thô đến sản xuất, kho vận, cửa hàng, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn bao gồm P&G, Nestle và Unilever quyết định tăng giá để không bị lỗ. Cụ thể, P&G tăng 5%, Nestle tăng 5,2% và Unilever tăng 8,3%.

Trước tình trạng vật giá leo thang, bà Lan chỉ ra 3 cách phản ứng khác nhau của các công ty bán lẻ lớn tại Mỹ.

- Walmart chấp nhận hấp thụ việc tăng giá để đảm bảo thị trường của họ, thậm chí hút khách từ các bên khác

- Ocado không có tiềm lực tài chính mạnh như Walmart, nên quyết định đi theo hướng đàm phán những thỏa thuận tốt hơn, dài hạn hơn với các đối tác, đơn vị hỗ trợ, cung cấp cho Ocado.

- Instacart không có cách nào khác ngoài tăng giá, nếu không sẽ phải chịu lỗ.

"Nhìn về thị trường Việt Nam, rất nhiều nhà bán lẻ phải làm theo cách của Instacart là tăng giá. Người mua hàng thu nhập không tăng, nhưng giá sản phẩm lại tăng, nên họ không muốn mua. Như vậy, nhà bán lẻ bị ép ở giữa", bà Lan phân tích.

Chuyên gia hiến kế cho các nhà bán lẻ thời "bão giá": Bỏ ngay mua 1 tặng 1 nếu muốn sống sót - Ảnh 1.

Các nhà bán lẻ phải làm gì?

Với kinh nghiệm làm việc tại Salesforce - nền tảng quản trị quan hệ khách hàng bằng điện toán đám mây hàng đầu thế giới, bà Lan nêu ra 4 biện pháp các doanh nghiệp bán lẻ có thể thực hiện ngay lập tức . Trước hết là quản lý chi phí, thắt chặt chi tiêu, để tạo tiền đề cho biện pháp thứ hai là tối ưu hóa giá trị hàng bán.

"Trong các chương trình quảng cáo, không được quảng cáo đại trà nữa, đừng khuyến mại mua 1 tặng 1, giảm giá 50% nữa. Bỏ qua đi mọi người, không sống được đâu", bà Lan nói thẳng.

Biện pháp tiếp theo được kỹ sư giải pháp của Salesforce đưa ra là sắp xếp lại danh mục hàng bán, sao cho tối ưu hóa hàng tồn kho. Cuối cùng là đầu tư vào những khách hàng tốt nhất, đem lại giá trị thực sự cho doanh nghiệp.

Xét trên phạm vi rộng hơn, các chiến lược cho doanh nghiệp bán lẻ được bà Lan chia thành hai nhóm : gói giải pháp nhanh chóng để vượt qua "sóng lớn" trước mắt và gói giải pháp để "chơi lớn ăn lớn". Việc tối ưu hóa giá và khuyến mại nằm trong nhóm chiến lược thứ nhất.

"Khi quảng cáo một sản phẩm cần lắng nghe khách hàng. Không thể thấy bên khác làm mua 1 tặng 1 thì mình cũng làm như vậy. Cần biết thế mạnh sản phẩm của mình là gì, khách hàng cần gì. Liệu họ có muốn mua 1 tặng 1 không, hay muốn cái khác?", bà Lan đặt vấn đề.

Chuyên gia hiến kế cho các nhà bán lẻ thời "bão giá": Bỏ ngay mua 1 tặng 1 nếu muốn sống sót - Ảnh 2.

Bà Hứa Quế Lan, Kỹ sư Giải pháp Cấp cao của Salesforce, trình bày trong một phiên thảo luận thuộc sự kiện VSMCamp 2022 diễn ra tuần trước.

Nhóm chiến lược thứ nhất còn bao gồm nâng cao hiệu quả chi tiêu marketing; quản lý thật tốt hàng tồn kho; xây dựng quan hệ tốt hơn với các nhà cung cấp hàng và đàm phán giá tốt hơn; tăng lợi nhuận bán online bằng cách xây dựng hệ thống gợi ý cho khách những sản phẩm họ có thể mua thêm; bán hàng theo combo dựa vào những sản phẩm hot.

"Mọi người vào Pharmacity thông thường sẽ mua khẩu trang, nước rửa tay. Pharmacity bán combo gồm thêm cả vitamin. Tại đây có luôn vitamin C, khăn giấy ướt do chính họ sản xuất", bà Lan lấy ví dụ.

Theo bà Lan, sau khi áp dụng nhóm chiến lược thứ nhất để vượt qua khó khăn trước mắt, các doanh nghiệp bán lẻ cần “chơi lớn ăn lớn” bằng nhóm chiến lược thứ hai.

"Đầu tiên là tập trung vào hiệu quả nguồn lao động. Tiếp đó là thiết kế lại giá vốn hàng bán. Khi các nhãn hàng lớn đóng vai trò cầm cân nảy mực tăng giá, hãy tìm những nhà cung cấp giá rẻ hơn", bà Lan cho hay.

Các giải pháp tiếp theo được nêu ra bao gồm hủy bỏ những sự kiện không thực sự đem lại giá trị cho khách hàng, đảm bảo từng đồng chi ra phải được đo lường hiệu quả; đơn giản hóa quy trình và việc đưa ra quyết định; giới thiệu những dòng sản phẩm chủ chốt; cuối cùng là đầu tư vào những khách hàng tốt nhất.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM