Chuyện buồn startup 2016: Toàn thổi phồng giá trị, lừa nhà đầu tư!

29/12/2016 11:19 AM | Kinh doanh

Cùng nhìn lại những startup “nổi đình nổi đám” trong năm 2016 vừa qua nhưng tới giờ vẫn chưa rõ tương lai.

Chúng tôi xin giới thiệu series "Câu chuyện kinh doanh 2016", tập hợp những sự kiện kinh doanh và nhân vật nổi bật nhất trong năm qua ở Việt Nam và thế giới.

Bài viết sau đây sẽ phác họa lại một số sự thật đáng buồn bị phanh phui trong cộng đồng startup thế giới trong năm 2016. Mời quý độc giả đón đọc.


2016 có thể nói là năm khá buồn đối với giới startup thế giới. Hàng loạt những tin tức không vui ập đến như Theranos – startup xét nghiệm máu từng được định giá tới hơn 9 tỷ USD nhưng chỉ sau chưa đầy 1 năm đã bị phanh phui kết quả xét nghiệm sai khiến công ty này đứng trên bờ vực thẳm.

Một ví dụ khác là Uber, dù chưa công bố con số doanh thu và lợi nhuận nhưng trang Bloomberg dự báo rằng hãng này vẫn hoàn toàn chưa có lợi nhuận. Ngoài ra, do chi phí cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc quá lớn, cuối cùng họ đã buộc phải bán chi nhánh tại đây cho đối thủ nặng ký nhất ở thị trường nội địa là Didi Chuxing.

Cùng nhìn lại những startup “nổi đình nổi đám” nhưng tới giờ vẫn chưa rõ tương lai:

Uber: Kinh doanh 7 năm, thua lỗ 4 tỷ USD

Uber hiện là startup lớn nhất thế giới với giá trị ước tính lên tới hơn 60 tỷ USD. Nhiều người kỳ vọng đây sẽ là Facebook thứ 2, sẽ tạo ra được đột phá trong giai đoạn sau này. Tuy nhiên mọi chuyện có vẻ không hề dễ dàng.

Tháng 8/2016, trong cuộc họp với các nhà đầu tư, Giám đốc tài chính Gautam Gupta của Uber đã thông báo với các nhà đầu tư rằng quý 2 năm nay công ty này đã chạm mức thua lỗ kỷ lục. Dù ngay cả thị trường Mỹ - nơi Uber đã có lợi nhuận trong quý 1, thì quý 2 cũng phải chịu lỗ.

Theo một nguồn tin thân cận, trong quý đầu tiên của năm nay, Uber thua lỗ khoảng 520 triệu USD (EBITDA - thu nhập trước thuế, lãi và khấu hao). Trong quý 2, khoản thua lỗ này đã tăng lên mức 750 triệu USD, trong đó có gần 100 triệu USD là ở thị trường Mỹ. Tiếp tục tới quý 3, công ty này thua lỗ thêm hơn 800 triệu USD. Điều này đồng nghĩa với việc tổng số tiền thua lỗ của Uber 9 tháng đầu năm 2016 đã vượt 2 tỉ USD.

Khoản thu lỗ của Uber dường như càng tăng theo sát bước chân tham vọng mở rộng ra toàn cầu của họ. Trên thực tế, công ty này đã chịu thua lỗ trong nhiều quý. Trong năm 2015, Uber thua lỗ ít nhất 2 tỷ USD. Như vậy, Uber hiện là công ty 7 năm tuổi và họ đã thua lỗ tổng cộng tới 4 tỉ USD.

Rất khó để tìm ra trường hợp nào giống với Uber trước đây. Webvan và Kozmo.com - 2 nạn nhân xấu số trong khủng hoảng bong bóng dotcom những năm 2000 cũng chỉ thua lỗ tổng cộng 1 tỉ USD.

Trong khi đó, Amazon.com - công ty nổi tiếng thua lỗ trong một khoảng thời gian dài dù giá trị thị trường không ngừng tăng, nhưng mức thua lỗ lớn nhất mà họ từng trải qua cũng chỉ dừng lại ở con số 1,4 tỉ USD vào năm 2000. Uber không những đã vượt quá con số này vào năm 2015 mà còn đang tiếp tục nới rộng khoảng cách trong năm nay.

Theranos: 2015 được định giá đến 9 tỷ USD, 2016 bị phanh phui gian lận, giá trị lùi về chưa bằng 1/10

Theranos là một công ty khởi nghiệp về xét nghiệm máu. Khi mới ra mắt, công ty này được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn ngành xét nghiệm máu với phương pháp mới, chỉ cần một lượng máu rất nhỏ và cho ra kết quả nhanh chóng nhất.

Tuy nhiên, sự thật bị phanh phui vào giữa năm qua khi nhiều tổ chức của Mỹ cho rằng các xét nghiệm của Theranos không đúng và cấm công ty này mở các phòng thí nghiệm tiếp theo. Điều này khiến tạp chí Forbes khẳng định giá trị thực của Theranos chỉ vào khoảng 800 tiệu USD, thay vì con số 9 tỉ USD được tung hô năm ngoái. Theo VC Experts - công ty nghiên cứu tư nhân, giá trị tài sản của công ty hiện nay bao gồm quyền sở hữu trí tuệ và 724 triệu USD vốn góp từ nhà đầu tư.

Ở mức định giá thấp, số cổ phần của nữ sáng lập Holmes gần như có giá trị bằng 0. Chưa kể tới việc tại công ty, các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu ưu đãi sẽ được trả cổ tức trước Holmes - người sở hữu cổ phiếu thường.

Câu chuyện này đã gây chấn động giới startup thế giới. Từng được định giá tới 9 tỷ USD vào năm ngoái, được tung hô vậy mà chưa đầy 1 năm sau, công ty này đã đứng trên bờ vực sụp đổ. Đây là lời cảnh tỉnh cho giới startup khi bị định giá quá cao và không đúng thực lực.

Xiaomi – Tấm gương xấu cho giới khởi nghiệp

Xiaomi – công ty điện tử Trung Quốc được thành lập vào năm 2010 thường được xem là “Apple phương Đông”, năm 2014 giá trị ước tính lên tới 46 tỉ USD, chỉ đứng sau Uber.

Dù nổi tiếng với những dòng điện thoại thông minh giá rẻ nhưng Xiaomi lại không phải là công ty chuyên sản xuất điện thoại. Họ đã xây dựng nên một hệ sinh thái những thiết bị kết nối thông minh gồm: Tivi thông minh, điều hòa không khí, thiết bị thực tế ảo, máy bay không người lái và nồi cơm điện thông minh.

Xiaomi trở thành thương hiệu điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc vào năm 2014. Họ thu hút rất nhiều khách hàng, nhất là những người trẻ tuổi, đam mê công nghệ bởi giá rẻ, thiết kế thời trang và chiến lược marketing đúng đắn.

Tuy nhiên, tận hưởng chiến thắng chưa lâu, doanh số bán hàng của Xiaomi đang bắt đầu sụt giảm. Cụ thể, doanh thu của họ đã giảm 5% trong quý 1 năm 2016 và 38% trong quý 2.

Họ cũng không còn đứng trong top 5 nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới xét về doanh thu.

Cuối cùng, phân tích mới cho thấy Xiaomi hiện nay có giá trị chưa đến 4 tỷ USD - tức là giảm tới 40 tỷ USD so với thời điểm 18 tháng trước. Thậm chí, theo chuyên gia phân tích Richard Windsor, doanh thu của Xiaomi có thể giảm thêm 10 - 20% trong năm 2016, đẩy giá trị công ty xuống còn vỏn vẹn 3,6 tỷ USD.

Ngao ngán trước triển vọng ảm đạm của Xiaomi, tác giả Steve Millward đã viết trên tờ Techinasia rằng, “Xiaomi đang sa lầy và khó tìm thấy lối thoát”.

Ai cũng nhận ra các kế hoạch của Xiaomi đang có vấn đề. “Tương lai của Xiaomi đang rất bấp bênh. Có vẻ như công ty này đang chệch khỏi định hướng ban đầu là phát triển hệ sinh thái “nội dung, ứng dụng và dịch vụ” với smartphone là trung tâm, để chuyển sang hệ sinh thái “kết nối mọi thứ” dựa trên phần cứng.

Đối với hoàn cảnh của Xiaomi như hiện tại, giới startup có thể tự rút ra cho mình nhiều bài học xương máu. Trong đó, quan trọng nhất đó là dù có xuất phát điểm tốt đến mấy, nếu như bạn vẫn cứ vẫn đứng yên khi cả thế giới chuyển động, thất bại sẽ không còn xa nữa!

Munchery - Tiêu hoang, sai chiến lược, thua lỗ triền miên

Munchery là startup do doanh nhân gốc Việt Trí Trần sáng lập có trụ sở tại San Francisco chuyên cung cấp dịch vụ nấu và giao món ăn tới hàng trăm nghìn khách hàng tại nhiều thành phố của Mỹ. Kể từ khi bắt đầu giao đồ ăn vào năm 2010, Munchery hứa hẹn sẽ tạo ra xu hướng mới mẻ cho ngành công nghiệp này.

Tuy nhiên, theo nguồn tin mật được 1 cựu nhân viên của Munchery gửi tới Bloomberg mới đây cho thấy kể từ tháng 9/2014 tới tháng 7/2016, nhà bếp tại San Francisco của Munchery đã làm ra tổng cộng 653.400 suất ăn mà không hề được bán cho khách hàng.

Con số này tương đương với khoảng 16% thức ăn mà toàn bộ các nhà bếp của Munchery sản xuất ra được. Dựa trên mức giá bán trung bình 2,96 USD mỗi món ăn, tổng giá trị của lượng thức ăn bị bỏ phí này lên tới hơn 1,9 triệu USD.

Ngoài vấn đề lãng phí thức ăn, Munchery còn được cho là thua lỗ triền miên và tình hình kinh doanh đang trên bờ vực thẳm. Cụ thể, trong giai đoạn từ giữa tháng 9/2014 tới tháng 6/2016, thời điểm kinh doanh tốt nhất của Munchery rơi vào tuần thứ 2 của tháng 5/2015 khi họ tạo ra được 598.700 USD doanh thu.

Một tháng sau đó, họ công bố nhận được khoản đầu tư từ Menlo Ventures trị giá 85 triệu USD. Nhưng ngay lập tức, doanh thu tại bếp ở San Francisco bắt đầu sụt giảm. Nhiều tuần sau đó, doanh thu ở đây thậm chí còn giảm xuống dưới 400.000 USD. Doanh thu tại những bếp ăn khác không được Munchery công bố.

Rocket Internet - Thành lập 100 startup, giờ thì đang phải bán dần vì thua lỗ, hoạt động không hiệu quả

Rocket Internet được xem là “vườn ươm” startup đã thành lập tới 100 startup tại 110 quốc gia với tổng cộng 36.000 nhân viên, hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực từ cung ứng thực phẩm, quần áo cho đến xe hơi cũ hay thậm chí cả dịch vụ giặt là.

Tuy nhiên tháng 4 vừa qua, định giá của Rocket đã sụt giảm từ mức 3,3 tỷ USD xuống 1,1 tỷ USD. Lý do được cho là vì lợi nhuận của Rocket liên tục suy giảm mặc dù thị trường của công ty vẫn đang được mở rộng.

Cũng trong tháng 4, Rocket báo cáo về các khoản lỗ ròng trước khi hoàn thuế năm 2015 từ 8 công ty con lớn nhất của mình, rơi vào khoảng hơn 1 tỷ USD. Các nhà đầu tư bắt đầu phải phát hoảng.

Trên thực tế, tổng số lỗ của 7 công ty lớn nhất trực thuộc Rocket đã rơi vào khoảng 155 triệu USD trong quý đầu tiên, có giảm so với mức 198 triệu USD vào cùng kỳ năm trước. Cùng lúc đó, tổng doanh thu của Rocket cũng tăng từ 442 triệu USD lên 586 triệu USD so với thời điểm 1 năm trước đó.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM