Chuối “ế” và câu chuyện giải cứu nông sản của Việt Nam
Gần đây nhất, nhiều người trồng chuối ở phía Nam đang rơi vào tình trạng lao đao do mất giá và không tiêu thụ được cũng xuất phát từ kiểu làm ăn theo phong trào không có quy hoạch.
Sản xuất chạy theo phong trào, thấy giá tăng là nông dân đổ xô vào nuôi, trồng đã khiến nhiều nông sản luôn trong tình trạng rớt giá, “dội chợ.”
Gần đây nhất, nhiều người trồng chuối ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh… đang rơi vào tình trạng lao đao do mất giá và không tiêu thụ được cũng xuất phát từ kiểu làm ăn theo phong trào.
Chuối ế do đâu?
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp, tình trạng chuối ế hiện nay ở một số địa phương có nguyên nhân xuất phát từ thời điểm khoảng 2 năm trước, bắt nguồn từ câu chuyện một số doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu để xuất khẩu và tiêu thụ chuối với giá khá tốt.
Cụ thể, vào khoảng quý 3/2015, diện tích trồng chuối của Trung Quốc bị thu hẹp do ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết, khiến năng suất, sản lượng chuối sụt giảm mạnh.
Thêm vào đó, trong năm 2016, Trung Quốc ngừng nhập khẩu chuối của Philippines, do phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép và thay vào đó là tăng cường nhập khẩu chuối từ Việt Nam.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho biết nhu cầu tiêu thụ tăng cao đã đẩy giá chuối tăng mạnh, thậm chí có thời điểm, giá chuối lên đến 23.000 đồng/kg. Do đó, nhiều nông dân đã tự ý chuyển sang trồng chuối.
Thậm chí, có địa phương thấy tình hình tiêu thụ chuối khá tốt đã triển khai rộng rãi mô hình trồng chuối cho nông dân, khiến diện tích trồng chuối tăng lên nhanh chóng.
“Trong năm 2016, khi thấy người dân một số tỉnh Đông Nam Bộ đổ xô vào trồng chuối, chúng tôi đã thấy không ổn. Nếu Trung Quốc không nhập hàng nữa coi như dân mình xong. Thực tế, từ đầu năm nay, khi Trung Quốc mở cửa khẩu, nhập chuối của Philippines trở lại giá chuối trong nước bắt đầu rớt thê thảm như hiện nay,” ông Nguyễn Lâm Viên cho hay.
Nói thêm về nguyên nhân khiến chuối khó tiêu thụ, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Long An, một doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chuối hàng đầu của Việt Nam cho biết ở Trung Quốc, tình trạng sản xuất chuối đã được phục hồi vào giữa năm 2016, hiện đang là mùa thu hoạch chuối ở thị trường này nên hạn chế nhập chuối của Việt Nam cũng là dễ hiểu.
Bên cạnh đó, khâu bảo quản và chất lượng của sản phẩm chuối nông dân trồng vẫn còn hạn chế.
Từ khi thu hoạch chuối cho đến khi vào tay người tiêu dùng của nước nhập khẩu có khi phải mất 3 tuần để vận chuyển. Tuy nhiên, nếu khâu bảo quản không tốt, chỉ cần 2 tuần là chuối đã bị hư hết.
Hơn nữa, do hầu hết người dân đều trồng tự phát, không theo quy trình nên chất lượng sản phẩm không đảm bảo yêu cầu của nước nhập khẩu, các doanh nghiệp khác muốn bao tiêu cũng khó.
Làm gì để nông sản không ế?
Khi thấy tình trạng giá chuối rớt thê thảm, nhiều cuộc “giải cứu” được một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức thực hiện.
Trên mạng xã hội vài ngày gần đây liên tục xuất hiện những chương trình vận động, kêu gọi mọi người cùng tham gia hỗ trợ tiêu thụ chuối cho nông dân.
Một số doanh nghiệp chế biến cũng tham gia vào cuộc giải cứu này, nhưng tất cả cũng chỉ là “muối bỏ biển.”
Có thể, một thời gian nữa, tình trạng chuối ế sẽ trôi qua khi nông dân thấy không hiệu quả sẽ đồng loạt chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn như tình trạng của nhiều cây, con khác.
Do vậy, nếu cái gốc vấn đề không được giải quyết vài tháng sau, có thể lại có hành ế, thanh long dư thừa, dưa hấu đổ bỏ... nhất là những sản phẩm có đợt thu hoạch rộ.
Dưới góc độ của chuyên gia, tiến sỹ Võ Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng câu chuyện giải cứu nông sản ế phải có giải pháp tổng thể bắt đầu từ Nhà nước, phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản.
Lâu nay nền nông nghiệp của Việt Nam cứ sản xuất không theo nhu cầu thị trường, nông dân thấy giá cao là đổ xô vào nuôi, trồng mà ít quan tâm đến nhu cầu thị trường như thế nào, bán đi đâu.
Nếu không thay đổi được điều này vẫn mải loay hoay trong vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá,” “dội chợ.”
"Phải tổ chức rộng rãi hình thức kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, bởi chỉ có dựa trên mô hình hợp tác xã mới giải quyết được bài toán sản xuất manh mún, mới có thể đưa công nghệ sản xuất hiện đại, tổ chức liên kết với doanh nghiệp dễ dàng,” tiến sỹ Mai chia sẻ.
Trong số các nguyên nhân, vấn đề thương hiệu nông sản cũng là rào cản khiến tiêu thụ gặp khó.
Theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên cho đến nay, 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp.
Nhiều sản phẩm đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước, đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn còn đến hơn 80% lượng nông sản của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt nhiều sản phẩm phải bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.
Do vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản là một trong những giải pháp phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp phải hướng đến.
Ngoài ra, một điểm mấu chốt nữa là trong bối cảnh tiêu thụ một số nông sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đáng lẽ ra ngành chế biến phải phát huy hiệu quả, giải cứu cho nông sản thừa.
Tuy nhiên, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến nông sản của Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. Thậm chí, ngay cả một số tỉnh trọng điểm của vựa trái cây Đồng bằng sông Cửu Long cũng không có bất kỳ một doanh nghiệp nào tham gia trong lĩnh vực chế biến.
Dưới góc độ của một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản, ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng chẳng có đất nước nào như Việt Nam có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm nông nghiệp, nhưng lại chỉ trông chờ vào việc bán sản phẩm chủ yếu ở dạng thô.
Đã đến lúc Nhà nước phải xem xét lại điều này, phải đưa việc xây dựng khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch nông sản trở thành một trong những giải pháp chính để hỗ trợ tiêu thụ và giúp sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững hơn.
“Việc đầu tư vào ngành chế biến nông sản có thể bắt đầu từ việc xây dựng các kho mát, trữ đông ngay tại vùng nguyên liệu.
Nếu Nhà nước không làm được nên khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, với cơ chế hỗ trợ lãi suất vay khoảng 1%/năm chẳng hạn,” ông Viên đề xuất./.