Khi Thủ tướng đi tiếp thị nông sản

04/02/2017 08:14 AM | Xã hội

Khi người đứng đầu Chính phủ sốt sắng ra tay, người được lợi chính là đất nước, doanh nghiệp và người dân.

Rốt ráo

Là từ miêu tả có lẽ chính xác nhất tâm thế của người đứng đầu Chính phủ với trăn trở thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp. Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đặt vấn đề: "Chúng ta cần làm gì để nông nghiệp Việt Nam sẽ là một hình mẫu chứ không phải bị bỏ lại phía sau."

Nỗi trăn trở của Thủ tướng cũng có nguồn cơn.

Nhìn lại năm 2016, ngành nông nghiệp gặp không ít khó khăn do thiên tai bởi Việt Nam là một trong những quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu. Biểu hiện là hiện tượng rét kỷ lục ở miền Bắc hồi đầu năm và hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Dù vậy ngành nông nghiệp lại dành được những điểm sáng như: Tăng trưởng được phục hồi sau 6 tháng tăng trưởng âm; xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với 2015; vấn đề an toàn thực phẩm có sự chuyển biến.

Thế nhưng những mặt hạn chế không thể bỏ qua như dù lúa gạo Việt Nam xuất khẩu đứng nhất nhì thế giới, xuất khẩu 3 tỷ USD nhưng chi ra cũng đến 2,9 tỷ USD như trăn trở của Giáo sư- viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam trông hội nghị gần đây do Bộ Nông nghiệp tổ chức.

Theo ông Long, đó là nền nông nghiệp gia công, cơ bắp mà Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài từ thức ăn, con giống, thuốc trừ sâu cho đến phân bón. Hay theo thông tin từ Viện nghiên cứu ngô có giống cho năng suất 10-12 tấn/ha nhưng bình quân năng suất ngô cả nước chỉ khoảng hơn 4 tấn/ha.

Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp cần đổi mới theo hướng công nghệ cao như lời giải mới đây mà Thủ tướng đưa ra ngày hôm qua.

Khi Thủ tướng đi tiếp thị

Ngay trong ngày đầu tiên làm việc sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Thủ tướng đã nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam và đặt ra các bài toán về phát triển lĩnh vực quan trọng này.

"Giải bài toán nông nghiệp Việt Nam bằng cách nào?", Thủ tướng cho rằng lời giải đáp thông qua sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng khẳng định sẽ đẩy mạnh cởi trói, kiến tạo phát triển nông nghiệp theo hướng nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp thông minh, sản xuất theo yêu cầu thị trường, hướng vào thị trường gần 100 triệu dân của nước ta và hướng về xuất khẩu, nhất là rau, củ, quả, chăn nuôi.

Những động thái được người đứng đầu Chính phủ tiếp tục đưa ra như mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn. Chuyển giao khoa học công nghệ mạnh mẽ vào nông nghiệp. Phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao, nâng gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng.

Một điểm thú vị là ngay trong buổi làm việc, Thủ tướng còn khẳng định sẽ đích thân trực tiếp cùng các ngành giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao, nông nghiệp sạch của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Hình ảnh người đứng đầu Chính phủ tiếp thị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế không còn xa lạ trên thế giới. Tháng 12 năm 2014, bức ảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cắn miếng cá nướng một cách ngon lành tại cảng cá Soma Haragama, thành phố Soma, tỉnh Fukushima gây xúc động mạnh. Fukushima là cái tên chẳng mấy xa lạ bởi năm 2011 nơi đây từng hứng chịu thảm họa sóng thần và rò rỉ phóng xạ nhà máy điện hạt nhân do dư chấn sóng thần.


Bức ảnh thủ tướng Shinzo Abe ăn cá nướng ở cảng cá Soma.

Bức ảnh thủ tướng Shinzo Abe ăn cá nướng ở cảng cá Soma.

Sau 3 năm, cùng với nỗ lực của Chính phủ về xử lý môi trường, hình ảnh Thủ tướng Abe cũng mang ý nghĩa tiếp thị cho hoạt động thủy sản nơi đây đã trở về bình thường.

Cũng Thủ tướng Shinzo Abe mới hồi tháng 8 năm ngoái đích thân diện trang phục Super Mario xuất hiện tại sân vận động Maracana, thành phố Rio De Janeiro trong sự kiện bế mạc Olympic 2016. Năm 2020, sự kiện thể thao này được diễn ra tại thành phố Tokyo Nhật Bản và ông Abe là người đại diện cho quốc gia này nhận vinh dự này.

Mario vốn là nhân vật hoạt hình, game nổi tiếng của Nhật Bản do công ty Nintendo sản xuất. Việc ông Abe mặc trang phục Mario khiến giá cổ phiếu của công ty này tại Kyoto ngay lập tức tăng 3% và đây cũng là cách người dân thế giới có dịp để tìm hiểu về ngành công nghiệp game của Nhật Bản.

Rõ ràng khi người đứng đầu Chính phủ sốt sắng ra tay, người được lợi chính là đất nước, doanh nghiệp và người dân.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM