Chúng ta kêu gọi sống xanh, nhưng nghèo đói thì quan tâm thế nào được đến môi trường?

10/09/2019 15:30 PM | Xã hội

"Hãy bảo vệ môi trường, hạn chế đồ nhựa" là những gì mà mọi người vẫn đang kêu gọi, nhưng tại các khu ổ chuột của Philippines, người dân chẳng thèm quan tâm mấy dù họ phải sống trên những núi rác thải. Nguyên nhân thì đơn giản: nghèo.

Mỗi sáng sớm, bà Willer Gualva lại đeo găng tay, đi ủng và vác chiếc cào đến đảo Freedom Island tại Philippines để bới rác. Mặc dù hòn đảo này chẳng có người ở những sáng nào cũng có đông đảo đội quân bới rác, đeo trên lưng những chiếc túi để tìm kiếm các phế liệu có thể bán lại như chai dầu gội đầu, kem đánh răng… Bãi rác ở đây luôn được tàu chở ra từ thủ đô Manila, một trong những thành phố đông dân trên thế giới với lượng phế thải khổng lồ mỗi ngày.

"Chúng tôi chủ yếu thu thập rác nhựa và những gói nhựa nhỏ", bà Gualva, 68 tuổi nói với hãng tin Reuters. Bà là một trong vô vàn những công nhân được Cục tài nguyên môi trường (DENR) thuê để thu thập phế liệu, qua đó tái sử dụng chúng một lần nữa. Mỗi công nhân được trả lương khoảng 8 USD/ngày.

Số liệu của DENR trong 5 ngày cuối tháng 8/2019 cho thấy họ đã thu được khoảng 16 tấn rác tại các hòn đảo xả thải phế liệu gần thủ đô Manila, phần lớn là đồ nhựa và gói nhựa nhỏ.

Chúng ta kêu gọi sống xanh, nhưng nghèo đói thì quan tâm thế nào được đến môi trường? - Ảnh 1.

Philippines là một trong những nước thải nhiều rác nhựa nhất thế giới ra đại dương

Điều thú vị là những người dân nghèo ở Philippines không có đủ tiền mua sản phẩm với bao bì cỡ lớn, họ thích những gói nhựa nhỏ có giá rẻ hơn. Các tập đoàn quốc tế cũng thích điều này khi họ có thể tăng doanh số và đánh lừa khách hàng bằng cách chia sản phẩm thành những gói nhựa nhỏ.

Phần lớn loại bao bì sản phẩm kiểu này chỉ được bán ở các nước đang phát triển khi người dân có thu nhập thấp, nhưng con số tiêu thụ ở Philippines lại thuộc hàng cao nhất thế giới. Số liệu của GAIA cho thấy mỗi ngày, người dân Philippines tiêu thụ tới 163 triệu gói nhựa nhỏ, tương đương 60 tỷ gói mỗi năm và đủ để lấp đầy 130.000 sân bóng đá.

Tại những khu ổ chuột của thủ đô Manila, mỗi khi trời mưa là rác thải mà đặc biệt là những gói nhựa lại trôi nổi khắp ngõ ngách.

"Kiếm tiền rất khó khăn và tôi chủ tài chính để mua hàng trong những gói nhựa nhỏ rẻ tiền", chị Lisa Jorillo, một người mẹ 42 tuổi của 4 đứa trẻ tại khu ổ chuột Manila nói.

Luật về rác thải của Philippines khá yếu và chẳng mấy ai thực hành hay kiểm soát, trong khi đất nước này cũng chẳng quản lý chặt hay có quy định nào về bao bì nhựa đối với các nhà máy sản xuất. Thống kê năm 2015 của trường đại học Georgia-Mỹ cho thấy Philippines đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng những nước nhiều rác nhựa nhất thế giới. Báo cáo này cho thấy 81% lượng rác nhựa của Philippines là không được tái chế hoặc được xử lý đúng cách.

Người nghèo

Với dân số 107 triệu người, Philippines là một trong những nước có nhiều người nghèo nhất thế giới với 1/5 cư dân sống dưới chuẩn nghèo, tức là tiêu chưa đến 241 USD/tháng. Đây là nguyên nhân chính khiến rất nhiều người nghèo chẳng quan tâm là họ nên mua túi nhựa hay giấy, nên mua túi to hay gói nhựa nhỏ, nên sử dụng túi dùng nhiều lần hay loại 1 lần. Tất cả những gì người nghèo ở đây để ý là chúng rẻ và có thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.

Như một hệ quả tất yếu, những gói nhựa nhỏ này tại Philippines đang tàn phá nặng nề môi trường và chất lượng sống tại đây. Số liệu của tổ chức phi lợi nhuận Ocean Conservancy cho thấy 60% rác thải nhựa hàng năm đổ ra biển, tương đương 8 triệu tấn, đến từ khu vực Philippines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc. Phần lớn rác thải là những túi nhựa.

Điều khá thú vị là điều tra của Tổ chức môi trường GAIA cho thấy 60% số rác nhựa tại Philippines đến từ 10 công ty lớn tại nước này như Nestle, Unilever, P&G…

Người dân Philippines đang sống chung với rác

Hãng Nestle đã cam kết rằng sẽ kiểm soát lượng rác nhựa thải ra môi trường bằng những chương trình thu mua tái chế phế liệu. Tuy nhiên công ty cũng cho rằng những gói nhựa nhỏ tại Philippines có thể giúp đỡ những người nghèo tại đây khi họ chẳng đủ tiền mua những túi sản phẩm cỡ thường.

Về phía Unilever, hãng không công bố sản xuất bao nhiêu gói nhựa nhỏ tại Philippines nhưng cho biết mỗi năm sử dụng tới 610.000 tấn bao bì.

Hiện chính phủ Philippines chưa có một kế hoạch rõ ràng nào để giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải và ô nhiễm môi trường khi họ vẫn còn phải vật lộn với đói nghèo, ma túy và nhiều vấn đề khác.

Trái ngược lại, nhiều nước trong khu vực đã có hành động để bảo vệ môi trường sống của người dân. Indonesia đã yêu cầu các nhà sản xuất sử dụng những bao bì thân thiện với môi trường, riêng tại đảo du lịch nổi tiếng Bali thì du khách bị cấm dùng túi nhựa.

Thái Lan cũng lên kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ cấm 7 loại rác nhựa phổ biến nhất bị thải ra đại dương nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Việt Nam thì đang lên kế hoạch đánh thuế túi nhựa và các cửa hàng đang được khuyến khích hạn chế dùng đồ nhựa.

Dủ rác nhiều nhưng họ vẫn phải dùng túi nhựa rẻ tiền vì nghèo

AB

Cùng chuyên mục
XEM