Chung cư gánh hết mọi "tội lỗi"?

06/06/2018 08:29 AM | Xã hội

Chuyên gia cho rằng, việc xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng trong trung tâm thành phố, khu vực nội đô đã tạo ra sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật đô thị nhưng nhà cao tầng không có lỗi trong việc phát triển đô thị Việt Nam và ách tắc giao thông...

Thông tin tại hội thảo quốc tế “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam”, TS. Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình UN-Habitant Việt Nam đưa ra con số ấn tượng: Chỉ tính riêng năm 2017, Hà Nội có thêm 11 triệu m2 nhà ở, cao hơn 100 lần kỷ lục xây dựng 0,11 triệu m2 nhà ở Hà Nội năm 1978.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Kiến trúc Việt Nam cho rằng, việc các tòa nhà cao tầng hiện trong lòng các đô thị Việt Nam hiện nay như một sự tất yếu của quá trình đô thị hóa và hội nhập với toàn cầu. Nhà cao tầng không có lỗi trong việc phát triển đô thị Việt Nam và ách tắc giao thông…

Tuy nhiên, bà Hằng cho rằng, nhìn chung chất lượng đô thị ở nước ta còn thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trong những năm qua, tuy đã được cải thiện và nâng cấp nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu. Kết cấu hạ tầng đô thị yếu kém, quá tải không những không tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội đô thị, mà còn nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường.Đồng quan điểm, bà Trần Thu Hằng – Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) đánh giá, sự phát triển của hệ thống nói chung và đặc biệt là các đô thị lớn nói riêng đã góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Bộ mặt kiến trúc đô thị đang từng bước thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại, phản ánh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

“Thực trạng hiện nay tại các thành phố lớn, các đô thị đều bị quá tải, tăng sức ép ở tất cả các mặt hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Việc xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng trong khu vực trung tâm thành phố, khu vực nội đô đã tạo ra sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật đô thị” – bà Hằng nhận định.

GS. TS. KTS. Nguyễn Tố Lăng – nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho hay, trong các chung cư cao tầng hiện nay, mật độ xây dựng còn quá cao do việc tận dụng không gian sử dụng; chưa nói đến việc gây áp lực cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, chất lượng sống trong các nhà cao tầng bị nhiều hạn chế về môi trường , thông thoáng và tầm nhìn. Việc thiết kế đô thị chưa được quan tâm đúng mức cho các tuyến phố, các lô phố trong đô thị nói chung và những khu vực có nhà cao tầng nói riêng.

Theo GS Nguyễn Tố Lăng, cần lựa chọn cho những khu vực thích hợp trong thành phố cho việc xây dựng tập trung cao tầng, bên cạnh đó là những không gian trống, cây xanh, mặt nước tạo được môi trường sống trong lành cho đô thị, không xây dựng cao tầng tràn lan; phải coi khu vực có cao tầng làm điểm nhấn cho cả không gian đô thị.

Song, TS. KTS. Nguyễn Đỗ Dũng- chuyên gia Công ty tư vấn CPG Consultants Singapore lại cho rằng, câu chuyện chúng ta cần bàn không phải là xây nhà cao hay thấp mà là câu chuyện chúng ta cho phép gia tăng mật độ hay không và nếu tăng thì tới mức nào để không vượt quá năng lực vận hành của hệ thống hạ tầng. Còn với mật độ đó, người ta xây dưới hình thức gì thì hãy để thị trường quyết định.

Ông Dũng ví dụ, đối với Singapore đất đai là tài nguyên quý nên họ rất tiết kiệm trong việc sử dụng đất; với họ gia tăng mật độ là việc không có lựa chọn. So sánh với Hà Nội, ông Dũng chỉ ra mật độ ở Hà Nội vẫn cao gấp đôi Singapore mặc dù Hà Nội xây nhiều nhà thấp tầng, còn ở quốc đảo này xây nhiều nhà chọc trời.

Theo ông Dũng, quản lý nhà nước phải quản lý bằng vấn đề chuyên môn chứ không thể quản lý bằng cảm tính…

Theo Minh Thư

Cùng chuyên mục
XEM