Chức quan có quyền lực lớn hơn hoàng đế, cả triều đại nhà Thanh chỉ 2 người dám nhận

06/12/2023 12:00 PM | Sống

Chức quan này là gì mà lại có quyền hạn lớn như vậy?

Chức quan có quyền lực lớn hơn cả hoàng đế

Trung Quốc ở thời phong kiến, hoàng đế là những người cai trị của một quốc gia. Họ cũng là những người đứng đầu và có quyền lực cao nhất. Tuy nhiên, trong lịch sử của các triều đại phong kiến từng "chứng kiến" một chức quan có quyền lực lớn hơn cả hoàng đế. Đó là một chức quan thuộc triều đại nhà Thanh. Ngoài ra, chức vị này còn một điểm đặc biệt nữa là trong suốt triều đại nhà Thanh chỉ có 2 người dám đảm nhận.

Chức quan có quyền lực lớn hơn cả hoàng đế chỉ có duy nhất ở triều thanh chính là Nhiếp chính vương. Vậy Nhiếp chính vương là gì?

Nhiếp chính vương được hiểu nghĩa là một cá nhân thay vị hoàng đế giải quyết chính sự. Vị trí này thường xuất hiện trong trường hợp vị quân chủ vắng mặt, bị mắc bệnh tật hoặc thông thường là quá nhỏ tuổi để có thể tự cai trị. Theo sử sách, cá nhân có toàn quyền xử lý chính sự sẽ được gọi là Nhiếp chính hoặc Bỉnh chính.

Triều Thanh là triều đại phong kiến Trung Quốc cuối cùng. Triều đại này kéo dài 276 năm (1636-1912). Trong hơn 200 năm này, chỉ có duy nhất 2 người dám đảm nhận vị trí Nhiếp chính vương.

Nhiếp chính vương thứ nhất – Đa Nhĩ Cổn

Đa Nhĩ Cổn là con trai thứ 14 của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, sinh ngày 25/10 năm Vạn Lịch thứ 40 nhà Minh (17/11/1612 dương lịch), là em khác mẹ với Thái Tông Hoàng Thái Cực. Dưới thời Hoàng Thái Cực, Đa Nhĩ Cổn với tài năng và sự trung thành đã vượt qua các anh em khác để trở thành nhân vật quyền lực bậc nhất trong triều, được phong làm Nhuệ Thân Vương, nắm quyền Chính Bạch Kỳ, tham gia việc quốc gia đại sự và lấy em của Trang phi làm vợ.

Đột nhiên, Hoàng Thái Cực qua đời, không kịp bàn giao hậu sự, cũng chưa chỉ định ai là người kế vị. Khi đó, có 2 phái đối lập nghiêm trọng, một là của Đa Nhĩ Cổn và hai là Túc thân vương Hào Cách – con trai trưởng của Hoàng Thái Cực. Trước tình thế đó, để tránh nhiều kẻ nhăm nhe cướp ngôi, trong hội nghị Ngũ đại thần, Đa Nhĩ Cổn đã từ chối lên kế vị và đề nghị Phúc Lâm là con trai thứ 9 của Hoàng Thái Cực kế vị. Đề nghị này đã đạt được sự đồng thuận các bên, tránh sự tàn sát lẫn nhau trong nội bộ Thanh triều.

Đa Nhĩ Cổn tuy không làm hoàng đế nhưng sau khi lên ngôi vua, hoàng đế Thuận Trị đã phong ông làm Nhiếp Chính Vương và mọi chuyện lớn nhỏ trong triều đều trao tay ông làm chủ. Ông liên tiếp được đổi vị trí từ "Thúc phụ nhiếp chính vương" lên "Hoàng thúc phụ nhiếp chính vương", cho tới "Hoàng phụ nhiếp chính vương".

Tuy nắm quyền lực lớn trong tay nhưng Đa Nhĩ Cổn rất khéo léo, ông thường xuyên nhắc các đại thần không chỉ nghe theo mình, mà còn cần tôn trọng triều đình và tận trung với Hoàng đế. Đáng tiếc, Đa Nhĩ Cổn nắm chức Nhiếp chính vương trong tay đã lập được nhiều đại công, quyền bính nghiêng ngả triều đình, nhưng lại không trường thọ. Tháng 11 năm Thuận Trị thứ 7 (1650), Đa Nhĩ Cổn đi săn và bệnh mất vào ngày 9/12 (tức 31/12/1650 dương lịch), thọ 39 tuổi.

Nhiếp chính vương thứ hai – Tái Phong

Người thứ hai trong lịch sử Thanh triều đảm nhận vị trí Nhiếp chính vương chính là Tái Phong. Tái Phong sinh ngày 5 tháng 1 (âm lịch) năm Quang Tự thứ 9 (1883), là con trai thứ 5 của Thuần Hiền Thân vương Dịch Hoàn. Tái Phong thường được gọi là Hòa Thạc Thuần Thân vương. Xét về vai vế, ông nội của Hòa Thạc Thuần Thân vương là hoàng đế Đạo Quang, anh trai là hoàng đế Quang Tự.

Năm Quang Tự thứ 34 (1908), tháng 10, Quang Tự Đế băng hà. Từ Hi Thái hoàng Thái hậu hậu ban chỉ dụ lập con trưởng của Thuần Thân vương Tái Phong là Phổ Nghi lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Tuyên Thống, mệnh Thuần Thân vương Tái Phong làm Nhiếp Chính vương, mệnh "Giám quốc", có toàn quyền quản lý triều chính, cùng Long Dụ Thái hậu quản lý trong ngoài triều đình. Ngày hôm sau, Từ Hi Thái hoàng thái hậu băng hà.

Trong khoảng thời gian nhiếp chính, Tái Phong dự định thực hiện những cải cách kinh tế - chính trị được khởi xướng sau phong trào Nghĩa Hòa Đoàn kết thúc năm 1901, tuy nhiên ông bị giằng xế bởi phe bảo thủ của quan lại người Mãn và phe cải cách của các quan lại người Hán.

Sau đó, Quân cơ xứ bị bãi bỏ, thay vào đó là một nội các mới hình thành. Thế nhưng, nội các mới này vừa thành lập đã vội tuyên bố quốc hữu hóa đường sắt. Nhiều thương nhân, địa chủ đầu tư vào ngành đường sắt, nay được tin chỉ được bồi thường số tiền bằng một phần tư số vốn của họ. Điều này đã khiến giai cấp tư sản và nhân dân căm phẫn, bắt đầu tiến hành phong trào bảo vệ đường sắt, châm ngòi cho một cuộc cách mạng. Những người cách mạng hoạt động phản Thanh ngày một gia tăng. Vốn không có thực tài, lại gặp phải giai đoạn khó khăn nên sự thiếu kinh nghiệm chính trị, thiếu quyết đoán của Tái Phong càng đẩy nhà Thanh đi nhanh tới sự suy vong.

Ngày 10 tháng 10 năm 1911 (ngày 19 tháng 8 năm Tuyên Thống thứ 3), cuộc khởi nghĩa Vũ Xương bùng nổ, đánh dấu sự bắt đầu của Cách mạng Tân Hợi với mục đích lật đổ nhà Thanh, thành lập nền cộng hòa. Triều đình nhà Thanh trong cơn tuyệt vọng buộc phải triệu hồi Viên Thế Khải đang dưỡng bệnh ở Hà Nam về làm Tổng đốc Lưỡng Hồ để đàn áp cách mạng. Ngày 16 tháng 11, Viên Thế Khải ép nhà Thanh phải phong cho ông ta làm Tổng lý Nội các. Ngày 6 tháng 12, Tái Phong từ chức Giám quốc Nhiếp chính vương, trở về phủ Thuần Thân vương, quyền lực lại về tay Long Dụ thái hậu.

Sau khi Long Dụ thái hậu mất vào năm 1913, Tái Phong vẫn quản lý "triều đình nhỏ" của con trai ông Phổ Nghi cho đến khi Phổ Nghi bị trục xuất khỏi Tử Cấm Thành vào năm 1924. Năm 1917, quân phiệt Trương Huân tuyên bố "phục vị" cho Phổ Nghi nhưng nói rằng không cho phép thân thích của Hoàng đế tham chính, do đó vai trò của Tái Phong lại bị quên lãng.


Theo Nguyệt Phạm

Cùng chuyên mục
XEM