Chuẩn mực như người Nhật cũng chưa bao giờ quản lý màu sắc, phong cách bảng, biển quảng cáo

12/05/2016 15:39 PM | Kinh tế vĩ mô

Tháng 8/2012, một tờ báo trong nước đăng tải lời nhận định của một nhà quản lý cao cấp tại hãng xe máy Piaggio, vị này khẳng định xe máy vẫn luôn là phương tiện giao thông chính của người Việt Nam cho đến chừng nào kinh doanh mặt tiền vẫn là cách làm kinh tế chủ đạo của đại đa số người dân Việt Nam.

Câu chuyện kinh tế mặt tiền tại Việt Nam và nhiều nền kinh tế phát triển của thế giới

Tuyên bố trên được đưa ra với tham vọng bán thêm xe máy của một hãng xe Ý, nhưng nó cũng cho thấy nhận định rằng kinh tế mặt tiền đã, đang và sẽ luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong kinh tế Việt Nam.

Và chắc chắn rằng kinh tế mặt tiền không chỉ giữ vai trò quan trọng ở Việt Nam mà còn là rất nhiều nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Chỉ cần nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, dù chính phủ Trung Quốc đã cố gắng quy hoạch người dân từ các khu dân cư rải rác vào các khu chung cư, quy hoạch hoạt động kinh doanh của các cửa hàng nhỏ lẻ vào hàng nghìn trung tâm thương mại rải rác khắp đất nước nhưng họ vẫn phải thừa nhận sự tồn tại và phát triển của kinh tế mặt tiền.

Rộng hơn nữa, nếu như ở Việt Nam, với phương tiện chính là xe máy thì kinh tế mặt tiền giữ vai trò quan trọng, thì ở một nước với hệ thống giao thông công cộng như Nhật, kinh tế mặt tiền cũng cực kỳ phát triển.

Với bất kỳ thương hiệu nào thì trong kinh doanh, khi mở cửa hàng cửa hiệu họ đều đặc biệt chú ý đến tạo thương hiệu, phong cách riêng cho cửa hàng của mình. Yếu tố đó được thể hiện qua cách trang trí, bảng biểu cửa hàng, logo riêng của hãng hoặc của một số nhãn hàng đang được kinh doanh.

Trên thế giới, hiếm có người nước nào trọng chuẩn mực như Nhật nhưng cùng lúc đó, người Nhật cũng để cho các nhãn hàng mặc sức thể hiện sự sáng tạo đối với cửa hàng của mình.

Người Nhật: Sáng tạo thoải mái trong một khuôn khổ quy định chặt chẽ

Câu chuyện tại Ginza - quận kinh doanh hàng xa xỉ nối tiếng nhất ở Nhật sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ở quận này, hoạt động kinh doanh bám theo mặt các con phố lớn vô cùng phát triển và tất nhiên ai giàu sẽ được ưu tiên. Các địa điểm kinh doanh có vị trí đắc địa nhất thuộc về thương hiệu Gucci, BVLGARI, Channel...

Dù người Nhật không đi xe máy nhưng kinh doanh mặt tiền vẫn là một ngành hái ra tiền. Số liệu từ Cushman&Wakefield năm 2012 cho thấy, giá thuê mặt bằng kinh doanh tại Ginza là 45 USD/ngày/m2, tức là tương đương với giá thuê mặt bằng cả tháng tại nhiều trung tâm thương mại Hà Nội.

Và đi khắp khu vực Ginza, người ta thấy rõ ràng một sự đa dạng phá cách và sáng tạo nổi bật. Đó có thể là tòa nhà của Uniqlo với cấu trúc kính trong suốt từ trên xuống dưới, biển hiệu Uniqlo đỏ chóe khắp các tầng nhà.

Đó có thể là cửa hàng của Dior vàng rực nổi bật cả một góc phố hay tòa nhà của BVLGARI sáng choang mang phong cách không giống ai.

Tòa nhà của thương hiệu Prada với bảng hiệu màu vàng to kín tầng 2 tòa nhà và trên đó là hình những nam thanh nữ tú sáng điệu đang mang trên mình các sản phẩm của thương hiệu này.

Tất cả khu vực Ginza, mỗi cửa hàng của mỗi thương hiệu lại mang một phong cách khác nhau. Chỉ cần đi để ngắm kiến trúc của các cửa hàng thì bất kỳ du khách hàng cũng cảm thấy nó không thể nhàm chán được. Ginza là nơi đón hàng triệu khách du lịch và là cỗ máy kiếm tiền cực kỳ quan trọng của ngành tiêu dùng Nhật.

Cả năm 2015 trên toàn nước Nhật, chỉ duy nhất ở Ginza là giá bất động sản tăng với tốc độ 2 con số. Doanh nghiệp phải kiếm được tiền nhiều như thế nào từ khu vực này thì giá bất động sản mới có thể tăng chóng mặt như thế.

Vậy người ta đặt câu hỏi: Phá cách như thế thì chuẩn mực của người Nhật ở chỗ nào? Chẳng nhẽ cứ để cho mọi thứ phát triển bừa bãi, như thế thì còn gì là nước Nhật của những nguyên tắc, quy định chặt chẽ nữa?

Trên thực tế, người Nhật khuyến khích cho các nhãn hàng sáng tạo, nhưng trong khuôn khổ riêng của Nhật. Ví như tại Ginza, quy định về xây dựng, bảng biển, đảm bảo vỉa hè cho người đi bộ được thực hiện vô cùng chặt chẽ.

Theo Hiệp hội bất động sản Nhật và ban quản lý quận Ginza, thứ nhất, đó là tiêu chuẩn về độ cao của tòa nhà và chiều rộng. Tất cả các nhà đều được xây dựng với khoảng cách vỉa hè khoảng 5 mét, không hề có bất kỳ nhà nào thò ra thụt vào. Mỗi nhà kinh doanh mặt tiền cũng khoảng 5 mét, chiều cao mỗi tầng nhà 3,5 mét, chiều cao tối đa của tòa nhà kinh doanh (bao gồm cả biển quảng cáo trang trí nếu có) không được vượt quá 66 mét. Mỗi nhà kinh doanh nhận một ô, nếu nhiều thì nhận 2 ô.

Có một ban chịu trách nhiệm thiết kế cho toàn bộ khu vực Ginza và bất kỳ sửa chữa nào liên quan đến cấu trúc đều phải được sự chấp thuận của ban này, sau đó lên hội đồng quận duyệt mới được thực thi. Các tiêu chí được xem xét đến khi hội đồng thẩm định về kế hoạch thay đổi cấu trúc bao gồm thiết kế tòa nhà, màu sắc, sự hài hòa với cảnh quan xung quanh, nội dung biển quảng cáo và phong cách riêng của Ginza.

Mỗi năm ban quản lý quận Ginza nhận được ít nhất 100 đơn xin sửa chữa hoặc xây mới, và quyết định xây mới hoặc sửa chữa sẽ được đưa ra dựa trên ý kiến của người dân trong khu vực và tiêu chí đảm bảo tốt nhất cho phong cách truyền thống của Ginza. Ginza cũng có một bộ nguyên tắc về thiết kế riêng của mình và bộ nguyên tắc này luôn được sửa đổi qua các năm, lần ấn bản gần nhất là năm 2011.

Thứ hai, ở Ginza về biển quảng cáo, nội dung quảng cáo cũng sẽ được xét duyệt. Nhà nào cũng được lắp biển quảng cáo, kích thước biển quảng cáo bên sườn nhà chiều ngang 1 mét, chiều dài từ 10 đến 12 mét. Biển quảng cáo mặt trước có thể bao kín toàn bộ nhà. Không một nhà kinh doanh nào được vượt quá quy định về kích cỡ, kiểu dáng.

Thứ ba, tất cả các trung tâm kinh doanh mua sắm ở Tokyo, trong đó bao gồm cả Ginza, đều nằm trong khoảng cách có thể đi bộ được từ ga tàu. Có nghĩa là họ giải quyết được phần lớn bài toán giao thông cho các cửa hàng.

Thứ tư, những loại cây trồng trên đường đều được thống nhất. Ở trường hợp của Ginza là yew trees, một loại cây có độ cao trung bình khi lớn cũng không quá cao, tán không quá rộng để ảnh hưởng đến cảnh quan và che khuất cửa hàng và biển quảng cáo của nhà hàng. Không một công ty nào được phép can thiệp đến cây xanh trước cửa hàng của mình, họ đều phải xin phép và ban quản lý sẽ xem xét đến đề nghị đó.

Lát vỉa hè của Ginza là loại đá chống nóng. Thiết kế của đèn đường ở Ginza được lựa chọn qua một cuộc thi thiết kế quốc tế năm 2006 để chọn ra thiết kế tốt nhất cho đèn ở Ginza. Kết quả đèn LED tiết kiệm nhiên liệu đã được sử dụng.

Thứ năm, ngoài hệ thống camera giám sát của các cửa hàng riêng biệt, camera giám sát công cộng được lắp ở khắp nơi tai Ginza để đảm bảo an ninh từ bên ngoài cửa hàng. Ngoài ra, ở khu vực trung tâm của Ginza, các bộ phát wifi được lắp đặt để giúp cho du khách tìm hiểu thông tin nhanh nhạy và thuận tiện nhất.

Với hàng loạt quy định như trên, Ginza vừa đảm bảo được kỷ cương nhưng không hạn chế sức sáng tạo của bất kỳ công ty kinh doanh nào. Người nước ngoài cũng như người Nhật đều hài lòng với trật tự cũng như kiến trúc của Ginza.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM