"Chưa sẵn sàng đẩy xe bán cà phê thì chưa thể khởi nghiệp"

09/12/2016 21:17 PM | Kinh doanh

Những kinh nghiệm, kiến thức và cơ hội việc làm trong lĩnh vực marketing nhà hàng đã được các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm “Headstart #1: Markerting in F&B Service” diễn ra tại ĐH Ngoại thương tối ngày 8/12.

Cả 3 diễn giả tham gia tọa đàm đều đồng quan điểm rằng lĩnh vực F&B (food and beverage – nhà hàng, cà phê, quán bar) còn nhiều tiềm năng và đang rất sôi động.

Anh Nguyễn Hải Ninh – người sáng lập kiêm giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng cà phê The Coffee House, sáng lập và cựu quản lý chuỗi cà phê Urban Station – đưa ra một thông tin: hiện chuỗi cà phê Highland đang chiếm 0,9% thị trường. Điều đó có nghĩa là còn 99,1% thị trường ngoài kia đang là cơ hội cho tất cả mọi người. “Nghiên cứu thị trường để biết cơ hội của mình ở đâu, chứ không phải để biết đối thủ đang làm gì” – anh Nguyễn Hải Ninh nói.

Trong khi đó, anh Hoàng Tùng - sáng lập và giám đốc điều hành Pizza Home, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Coffee Bike – cho rằng, cần nghiên cứu thị trường để xem sản phẩm của mình có gì khác biệt. Anh khuyên các bạn trẻ “hãy thử và sai”.

Bản thân anh là một người đã thử và sai rất nhiều. Trước khi có được những thành công nhất định như ngày hôm nay, anh đã từng thất bại với start-up Viet Kitchen – nhà hàng chuyên phục vụ du khách nước ngoài.

Chị Phạm Ngọc Hạnh - quản lý thương hiệu mảng hotpot của chuỗi nhà hàng Golden Gate Group – cho rằng vai trò của marketing rất quan trọng trong sự thành công của một doanh nghiệp F&B, tuy nhiên cái cần phải có trước tiên là một sản phẩm tốt. “Sau đó thì đến phần của marketing, định vị thương hiệu một cách rõ ràng. Trong 4 chữ P – Place, Promotion, Price, Product – thì cả 4 yếu tố đều quan trọng như nhau”.


Anh Hoàng Tùng - sáng lập kiêm giám đốc điều hành Pizza Home, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Coffee Bike - chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thảo

Anh Hoàng Tùng - sáng lập kiêm giám đốc điều hành Pizza Home, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Coffee Bike - chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thảo

Trao đổi về những yếu tố này, anh Hoàng Tùng đặt câu hỏi: nếu trong trường hợp các bạn trẻ khởi nghiệp không có nhiều tiền, không thể thuê được những địa điểm đẹp, không có những chiến dịch marketing hoành tráng, thì các bạn sẽ phải xử lý vấn đề này như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, chị Ngọc Hạnh cho rằng “khi có một sản phẩm mới, một thương hiệu mới, mình phải định vị trong đầu sản phẩm đó sẽ dành cho ai, khách hàng mục tiêu của mình là ai. Sau đó mới tìm hiểu những cái khác”.

“Chúng ta hay có một xu hướng là nhìn vào những thương hiệu đã rất to rồi, đã thành công rồi và nghĩ rằng làm thế nào để chúng ta làm được một thứ to như thế, hoành tráng như thế ngay từ lúc đầu tiên".

"Nên làm từ những cái nhỏ, thiết thực trước. Lúc đó thì nó không còn phụ thuộc vào việc phải có nhiều tiền thì mới làm được cái này, cái kia”.

Anh Hải Ninh cũng chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp với 60 triệu đồng đầu tiên của mình để minh chứng cho việc không nhất thiết phải có nhiều tiền mới làm được F&B. “Tôi kiếm đủ 5 người để có 300 triệu để mở một cửa hàng. Từ một cửa hàng đó, sau 2 năm chúng tôi xây dựng thành hơn 20 cửa hàng”.

“Từ trước tới giờ, tôi luôn quan niệm rằng, không riêng F&B mà tất cả các ‘business’ khác khi sinh ra thì đều phải giải quyết một nhu cầu nào đó cho con người. Nếu bạn trả lời được câu hỏi đó, các bạn sẽ thành công”.

“Khi mở quán cà phê tôi chỉ nghĩ rằng mình thích được làm việc với con người, thích được mang lại hạnh phúc cho người khác. Mình muốn được phục vụ con người. Và cái cách mà mình chọn để làm cho người khác hạnh phúc là tạo ra những không gian đẹp, để khi khách hàng bước vào họ cảm thấy họ thuộc về nơi đó. Mình đào tạo ra những nhân viên khiến khách hàng cảm thấy như là bạn bè thân thiết… Bạn làm được việc đó thì khách hàng sẽ tự nhiên đến với bạn” – một trong 30 người trẻ nằm trong danh sách Forbes 30 Under 30 2016 chia sẻ.

Ông chủ sinh năm 1987 này cũng cho biết, triết lý kinh doanh của anh là làm mọi thứ vì hạnh phúc của khách hàng, nghĩ đến lợi ích của khách hàng nhiều hơn là lợi nhuận, góp phần để thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn.

Quay trở lại với câu chuyện nghề marketing, anh Hải Ninh cho rằng “thông điệp các bạn gửi đi phải đơn giản, đơn giản đến mức về nhà hỏi bà ngoại, bà ngoại cũng phải hiểu được, vì người ta chỉ nhìn thông điệp của bạn từ 3-5 giây”.


“Marketing rất không may lại là những thứ hào nhoáng - chị Phạm Ngọc Hạnh nói. Ảnh: Nguyễn Thảo

“Marketing rất không may lại là những thứ hào nhoáng" - chị Phạm Ngọc Hạnh nói. Ảnh: Nguyễn Thảo

Trong khi đó, chị Ngọc Hạnh chia sẻ câu chuyện ở doanh nghiệp mình: đôi khi, các bạn trẻ mới làm nghề cứ tưởng rằng mình sẽ lập kế hoạch nọ, chiến dịch kia, nhưng có khi công việc của các bạn chỉ là chỉnh một quả bóng trang trí không đúng như bản thiết kế.

"Marketing là những thứ nhỏ nhất. Các em hãy bắt tay làm từ những thứ nhỏ nhất. Hãy nghĩ rằng tất cả những thứ to đẹp cũng đều đi từ những thứ nhỏ nhất".

“Marketing rất không may lại là những thứ hào nhoáng nên nhiều khi các bạn nhìn vào ngành marketing sẽ nhìn vào sự hào nhoáng đó. Khi các bạn bắt tay vào công việc, các bạn bị bất ngờ. Giống như ở Golden Gate, các bạn không nghĩ là sinh viên FTU (ĐH Ngoại thương) đi thực tập lại phải ngồi gọi điện hỏi ý kiến khách hàng có hài lòng hay không. 'Bọn em học FTU ra cơ mà? Bọn em có bằng cử nhân cơ mà? Bọn em là trường top 1 của Việt Nam cơ mà. Tại sao bọn em lại phải làm công việc này?' “

“Nhưng các em phải làm những công việc đó để hiểu khách hàng của mình muốn gì”.

Với câu hỏi “là ông chủ của Coffee Bike – mô hình bán cà phê bằng xe đẩy, anh Hoàng Tùng đã bao giờ phải đẩy xe đi bán cà phê chưa?”, ông chủ chuỗi cửa hàng pizza 35 tuổi trả lời: “Đẩy xe đi bán cà phê là chuyện rất bình thường. Nếu các bạn chưa sẵn sàng làm việc đó thì các bạn chưa thể khởi nghiệp được”.

Theo Nguyễn Thảo

Cùng chuyên mục
XEM