Phó Chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú: Làm ngân hàng phải kìm hãm lòng tham, ai nhầm lẫn tiền ngân hàng là tiền của mình thì hậu quả khó lường

24/11/2017 09:01 AM | Kinh doanh

Tôi mất ngủ một tháng sau khi nhận ra các vấn đề cơ bản trong ngân hàng, khác xa với doanh nghiệp.

Đó là chia sẻ của ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank)/Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Diana Unicharm tại một hội nghị về đột phá trong kinh doanh ở TP HCM.

Năm 2011, ông Tú đã bán 95% cổ phần của công ty Diana cho Unicharm của Nhật Bản, đây được coi là thương vụ mua bán đình đám cách đây 6 năm. Giá bán lúc đó là 4.000 tỷ đồng.

Sau khi bán Diana, ông Tú cùng anh trai là Chủ tịch Doji Đỗ Minh Phú đã bắt tay vào mảng ngân hàng với việc mua lại ngân hàng Tiên Phong và đổi tên thành TPBank ngày nay.

“Tôi rất lười mà lười có cái hay. Nước chảy tới đâu thì thuyền đi tới đó. Sau khi bán Diana, tôi nghĩ bụng, không thể mang tiền đi đâu xa vì phiền phức, lịch kịch. Tôi gửi tiền cho ngân hàng và nghe đâu cũng rối ren lắm. Và thế là tôi nghĩ là mua quách ngân hàng luôn”, ông Tú chia sẻ bước ngoặt sang ngân hàng.

Và khi bước sang mảng ngân hàng mà nhiều người vẫn gọi là Đại dương đỏ, ông thấy được 3 vấn đề lớn trong ngành ngân hàng, khác hẳn với doanh nghiệp.

Ai nhầm lẫn tiền của ngân hàng là tiền của mình thì hậu quả khó lường

“Nếu là doanh nghiệp thì tiền là tiền của mình, mình làm gì thì làm. Tuy nhiên, sang ngân hàng, tiền không phải là tiền của mình mà là tiền của khách. Làm ngân hàng nghĩa là quản lý tiền. Ai nhầm lẫn tiền ngân hàng là tiền của mình thì hậu quả thật khôn lường”, ông Tú nhận định.

Trong ngân hàng phải kìm hãm lòng tham

Theo ông Tú, doanh nghiệp khi nhìn thấy một vài cơ hội kiếm tiền thì sung sướng và cố nắm bắt. Còn ở ngân hàng, mỗi ngày có tới hàng trăm cơ hội. Nếu nghĩ là có thể kiếm lãi cá nhân từ những cơ hội đó thì hậu quả sẽ rất phức tạp. Vì vậy, trong ngành ngân hàng, phải kìm hãm lòng tham khi nhìn ra cơ hội. Đó là vấn đề khác biệt thứ 2 ở ngân hàng.

Nợ xấu

Ông Tú hài hước đưa ra một ví dụ: Hai vợ chồng ở quê, gửi con ra một gia đình tại Hà Nội với mong muốn là người con được gửi phải khỏe mạnh, học hành tử tế. Điều này quả là khó đối với chủ nhà. Nhỡ may có việc gì thì chủ nhà khó “đỡ”.

Ông liên hệ đến ngân hàng, đó là nợ xấu. TPBank với tư duy nghĩ ngược thì cho rằng các ngân hàng khác theo “trend” cho doanh nghiệp vay thì TPBank mở rộng cho cá nhân vay. Mọi người làm nhiều chi nhánh thì ngân hàng của ông mở ít chi nhánh nhưng giao dịch được 24/24, đó là ngân hàng online. Nhưng muốn thay đổi cũng thay đổi từ từ, thấy hướng đi thì từng bước phát triển nó, từng bước thử nghiệm và vẫn duy trì phát triển cái đang có.

TPBank đã phát triển dịch vụ hỗ trợ khách hàng không cần đến ngân hàng, trong đó có mô hình Livebank - giao dịch trực tuyến hoạt động 24/7, khách hàng có thể thực hiện gần như toàn bộ các nhu cầu giao dịch với ngân hàng mà không bị giới hạn bởi địa điểm cũng như thời gian nhờ ứng dụng các công nghệ mới nhất trên thế giới.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM