Chủ tịch Mentally Fit Global: Người Việt ngày nay bận rộn quá! Thế hệ trẻ mà cũng bận rộn như cha ông ngày xưa thì không khôn ngoan đâu
"BUSY is a new stupid" (tạm dịch: Bận rộn là một từ "ngu ngốc" mới), Chủ tịch Mentally Fit Global Alain Goudsmet thường xuyên nhắc lại điều này với hàng trăm nhà lãnh đạo trẻ. "Một điều tôi quan sát ở Việt Nam là người Việt ngày nay bận rộn quá! Thế hệ ông cha chúng ta bận lắm, chuyện này cũng bình thường thôi. Nhưng thế hệ trẻ cũng bận rộn như vậy thì các bạn trẻ chưa khôn ngoan đâu!"
"People are over busy" (tạm dịch: Mọi người ngày nay bận rộn quá mức) là điều ông Alain Goudsmet - Chủ tịch Mentally Fit Global chia sẻ về những quan sát của mình tại Việt Nam tại hội thảo "Xây dựng thế hệ lãnh đạo kế cận: Bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp gia đình thành công trên thế giới" diễn ra mới đây.
Ông Alain lặp đi lặp lại quan điểm lãnh đạo của mình: "BUSY is a new stupid (tạm dịch: Bận rộn là một từ "ngu ngốc" mới). Ông cho rằng: Nếu một nhà lãnh đạo muốn điều hành công ty của mình, muốn đưa ra được quyết định đúng đắn, thì người lãnh đạo này cần gần gũi với nhân viên của mình và coach (huấn luyện tinh thần) họ.
Một ông sếp mà chỉ ngồi trong phòng lạnh của mình và luôn miệng nói "Tôi BẬN lắm" thì sẽ không thể điều hành công ty hiệu quả
"Các bạn phải bớt bận rộn đi. Các bạn phải có thời gian cho nhân viên của mình, cho tầm nhìn trung và dài hạn, phải có thời gian cho công ty".
"Chúng ta thấy rằng thế hệ ông cha bận lắm, chuyện này bình thường thôi. Nhưng thế hệ trẻ cũng bận rộn như vậy thì các bạn trẻ chưa khôn ngoan đâu! Chúng ta phải biết phân công nhiệm vụ cho người người để bớt bận rộn đi", ông Alain nói.
Một người sếp luôn phàn nàn rằng họ bận rộn, không có thời gian, tức là đứng ở phía nhân viên, người sếp này không hỗ trợ, không phản hồi, không giúp nhân viên phát triển được, không thể tiếp cận được vì "họ nói họ bận lắm, lịch trình rất kín".
Nhưng thực tế, một nhà lãnh đạo có thể trao quyền, chuyển bớt nhiệm vụ cho cấp dưới để có thể tăng thời gian hiện diện, gần gũi với nhân viên hơn, qua đó có thể chuyển hoá tổ chức một cách hiệu quả.
"Trước đây khi tuyển một bác sỹ nào đó, vị bác sỹ bận tới 6 tháng sau thì mọi người thường nghĩ rằng hẳn đây là vị bác sỹ giỏi. Giờ không phải đâu. Phong cách quản lý ngày nay là ít bận rộn, gần gũi hơn với nhân viên, hỗ trợ nhiều hơn, coaching nhiều hơn. Giống như hình ảnh trồng một cái cây, muốn cây tăng trưởng tốt và khoẻ mạnh, cần phải tỉa bớt cành".
"Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, vô cùng sáng tạo. Các bạn có rất nhiều dự án, quá nhiều dự án (too many projects). Các bạn chỉ nên tập trung vào những gì thực sự quan trọng", vị chuyên gia quốc tế có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực coach nhắn nhủ.
Nói về tính tập trung, ông Alain đưa ra nguyên tắc Magic 3 (số 3 thần kỳ). Tức khi chọn những điều trọng tâm, chỉ nên tập trung vào 3 điều thôi, không hơn. Giống như trong bất kỳ môn thể thao nào, huy chương chung cuộc luôn chỉ có 3 (Vàng, Bạc và Đồng).
"Khi bạn xác định được những chuyện phải ưu tiên, bạn sẽ tập trung hơn vào những ưu tiên đó. Chỉ việc này thôi đã giúp chúng ta bớt bận rộn, và bớt bận rộn là đã khác với cha mẹ chúng ta rồi. Ngày xưa ông cha chúng ta bận rộn lắm, lúc nào cũng bận rộn để quản lý nhân sự, quản lý mọi người trong công ty…"
"Nhưng phong cách lãnh đạo thế hệ mới là bớt bận đi, sẵn sàng phản hồi cho người khác, sẵn sàng hội ý, sẵn sàng tham gia các cuộc gặp gỡ, và tập trung hơn... Đó chính là thách thức chính của người Việt ngày nay. Tôi nghĩ người trẻ Việt Nam bận rộn quá", ông Alain nhắc lại.
"Một nhà lãnh đạo luôn cần "Visible". Một ông sếp mà chỉ ngồi trong phòng lạnh của mình thì sẽ không thể điều hành công việc hiệu quả. Chúng ta phải luôn luôn đảm bảo sự sẵn sàng hỗ trợ, và việc tiếp cận với chúng ta là có thể thực hiện được".