Chủ tịch IMF: Liệu thế giới đã trang bị đầy đủ 'vũ khí' để đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo?

20/04/2019 16:15 PM | Xã hội

Những quy định và các bước cải tổ mới phần nào đã có hiệu quả nhưng rất nhiều rủi ro vẫn đang ẩn hiện, bà Christine Lagarde nhận định.

Năm 2019, cả thế giới vẫn đang xem xét về những tàn dư mà cuộc khủng hoảng tài chính 2008 để lại, điều này không có gì bất ngờ bởi quy mô và tác động lâu dài của nó. 10 năm kể từ sự sụp đổ của Lehman Brothers, có một câu hỏi về hệ thống tài chính liên tiếp được đưa ra: Liệu chúng ta đã ở vị trí an toàn hơn so với năm 2008 hay chưa? Câu trả lời ngắn gọn là có, nhưng chưa đủ. Dù chúng ta đã chứng kiến những tiến triển rõ rệt, nhưng vẫn phải giải quyết rất nhiều vấn đề còn tồn đọng, bao gồm cả việc theo dõi sát sao những rủi ro tiềm ẩn mới xuất hiện từ bối cảnh thị trường tài chính đang phát triển nhanh chóng.

Điều đầu tiên cần kể đến là những tiến triển đã đạt được. Hiện tại, các ngân hàng đã có nguồn vốn dự phòng tốt hơn (capital buffer) và thanh khoản tốt hơn. Các quốc gia cũng đưa ra những biện pháp để giải quyết những rủi ro hệ thống đến từ các tổ chức "quá lớn để sụp đổ". Những quy định và hoạt động giám sát được thực hiện chặt chẽ hơn, nhiều quốc gia đã tăng cường tập trung vào việc theo dõi sự ổn định tài chính. Ngoài ra, nhiều nơi hiện cũng đang tiến hành các bài kiểm tra về tính ổn định về "sức khoẻ" của các ngân hàng. Một phần lớn hợp đồng phái sinh OTC đã được chuyển sang các hệ thống thanh toán bù trừ an toàn hơn.

 Chủ tịch IMF: Liệu thế giới đã trang bị đầy đủ vũ khí để đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo?  - Ảnh 1.

Bà Christine Lagarde - Chủ tịch IMF.

Về phần mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ghi nhận sự cải thiện trong khả năng phân tích và giám sát các nguồn rủi ro hệ thống. Họ đã hợp tác với chính quyền các quốc gia để hỗ trợ xác định những điểm đáng lo ngại tiềm ẩn (ví dụ như những khoản nợ tiêu dùng hay nợ doanh nghiệp chồng chất), phát triển những công cụ để hạn chế rủi ro và đẩy mạnh các hoạt động phân tích tài chính của quốc gia đó.

Vậy những lĩnh vực nào chưa có được sự tiến bộ hoặc những rủi ro mới sẽ xuất hiện từ đâu?

Đầu tiên, hãy bắt đầu với nợ. Trên toàn cầu, nợ phi tài chính đã tăng vọt lên mức kỷ lục là 182 nghìn USD trong năm 2017, tương đương 224% GDP, tăng gần 60% so với 10 năm trước đó. Tại Mỹ, nhu cầu của nhà đầu tư đối với các khoản nợ phát hành bởi những công ty có đòn bẩy lớn đã dẫn tới những tiêu chuẩn bảo lãnh lỏng lẻo, đáng lo ngại, làm tăng nguy cơ vỡ nợ đối với những đối tượng đi vay nhỏ hơn. Ở các thị trường mới nổi, nợ công đã leo lên mức tương đương trong cuộc khủng hoảng nợ những năm 1980. Và nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, thì nhiều quốc gia thu nhập thấp sẽ phải đối mặt với gánh nặng nợ thiếu bền vững.

Tài chính phi ngân hàng, hay còn gọi là tín dụng đen, là một nguồn rủi ro khác. Các nhà lập quy phải phát triển và triển khai những công cụ mới để giải quyết vấn đề này, đặc biệt là ở những thị trường mới nổi - nơi hệ thống ngân hàng "ngầm" đã bành trướng với tốc độ nhanh chóng.

Đồng thời, thế giới cũng phải đối mặt với những thách thức mới, trong đó có nguy cơ tấn công mạng vào các ngân hàng và các sàn giao dịch chứng khoán. Những ý tưởng đổi mới về tài chính và công nghệ hứa hẹn sẽ cung cấp các dịch vụ tốt, giá thành rẻ và dễ tiếp cận hơn cũng có thể gây rủi ro cho người tiêu dùng, nhà đầu tư và sự ổn định tài chính của nền kinh tế. Đây là những mối nguy khó để nắm rõ hoặc dự đoán trước.

 Chủ tịch IMF: Liệu thế giới đã trang bị đầy đủ vũ khí để đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo?  - Ảnh 2.

Sàn chứng khoán New York tan hoang sau tiếng chuông đóng cửa ngày 29/9/2008. Thời điểm đó, Dow Jones chứng kiến cú lao dốc lịch sử: 777 điểm.

Đối với toàn bộ sự tiến triển để củng cố lĩnh vực tài chính, thì những kiến trúc cải tổ vẫn chưa được thử nghiệm. Nếu điều kiện tài chính bị thắt chặt quá khắt khe, ví dụ là lãi suất cao bất ngờ hoặc giá tài sản sụt giảm mạnh, thì những khu vực yếu kém hình thành trong suốt 1 thập kỷ với mức lãi suất thấp kỷ lục sẽ "lộ diện". Năm ngoái, chúng ta đã chứng kiến tình trạng bán tháo ồ ạt ở các thị trường mới nổi, trong bối cảnh đồng USD mạnh hơn, Mỹ nâng lãi suất và những căng thẳng thương mại. Nghiên cứu của IMF chỉ ra rằng với động thái thắt chặt một cách đột ngột, thì sẽ có một khả năng, dù rất nhỏ, rằng số vốn rút ra đồng loạt từ các nền kinh tế này (trừ Trung Quốc) có thể đạt mức 100 tỷ USD. Đây có thể là con số tương đương với lượng outflow trong cuộc khủng hoảng tài chính.

Xét về bối cảnh kinh tế, có một số nguồn rủi ro có thể khiến tâm lý các nhà đầu tư lung lay. Đó là, tăng trưởng toàn cầu đang dần chững lại, dù còn mạnh mẽ. Hơn nữa, cơ chế quốc tế mở, vận hành dựa trên các quy luật ngày nào là nhân tố thúc đẩy sự thịnh vượng trên toàn thế giới, đã không còn nhận được sự ủng hộ nhiều như trước. Những bất ổn về chính sách tài khoá ở châu Âu đang làm dấy lên những lo ngại đối với mối liên hệ giữa chính phủ và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã khiến khu vực đồng euro "rung chuyển" trong những năm đầu tiên của thập kỷ này. Cuối cùng, các ngân hàng trung ương phải điều chỉnh để kết thúc một quá trình thử nghiệm chính sách tiền tệ chưa từng tiền lệ. Tại Mỹ, Fed có thể cần nâng lãi suất lên mức cao hơn dự đoán hiện tại, nếu chương trình cắt giảm thuế cùng kích thích tài chính khiến tốc độ lạm phát xảy ra nhanh hơn dự kiến.

Các nhà hoạch định chính sách nên phản ứng như thế nào?

Đầu tiên, họ phải hoàn thành các kế hoạch cải cách quy định tài chính. Đồng thời, việc không kém phần quan trọng là họ phải chống lại những áp lực từng khiến họ phải thu hồi những chính sách đó. Vốn ngân hàng ở những nơi mức dự phòng còn thấp cần phải đẩy lên cao hơn nữa. "Too big to fail" (quá lớn để sụp đổ) vẫn là một vấn đề trong thời kỳ các ngân hàng ngày một lớn mạnh và phức tạp hơn. Sự tiến triển đối với các thủ tục để giải quyết các ngân hàng đang làm ăn bết bát cũng là việc cần thiết, đặc biệt là đối với những ngân hàng hoạt động xuyên quốc gia. Các cơ quan quản lý nên khuyến khích các ngân hàng với mô hình kinh doanh còn yếu kém và tỷ lệ nợ xấu cao làm sạch bảng cân đối kế toán.

 Chủ tịch IMF: Liệu thế giới đã trang bị đầy đủ vũ khí để đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo?  - Ảnh 3.

Rủi ro hệ thống vẫn xuất hiện ở rất nhiều nơi.

Thứ hai, họ nên tái xây dựng "hàng rào phòng thủ" tài chính và tiền tệ, vốn đã suy yếu khi đối mặt với cuộc khủng hoảng năm 2008 và hậu quả nó để lại. Thực hiện bước đi này sẽ yêu cầu phải giảm thâm hụt ngân sách và dần đưa lãi suất trở lại mức bình thường khi điều kiện kinh tế cho phép. Chính phủ các nước cũng nên hợp tác để cải thiện tình trạng mất cân bằng toàn cầu quá mức, với một đường hướng cũng cho phép tăng trưởng bền vững.Tỷ giá hối đoái linh hoạt có thể làm dịu bớt những cú shock về tài chính.Các bước đi thúc đẩy năng suất lao động vốn bị đình trệ sẽ giúp đối mặt với những yếu tố gây cản trở từ nhân khẩu học và tăng trưởng. Theo sau đó là nỗ lực để cường tính phòng thủ của hệ thống tài chính và cơ hội thay đổi chính sách tiền tệ sẽ được hỗ trợ.

Cuối cùng, khi xem xét những bài học từ cuộc khủng hoảng và hướng đi trong tương lai, chúng ta cũng phải ghi nhận và đối mặt với những rủi ro sâu sắc và dài hạn hơn đối với sự ổn định tài chính và xã hội. Biến đổi khí hậu cũng là mối đe doạ đáng lưu ý, đặc biệt là đối với các nước thu nhập thấp. Các nền kinh tế phát triển phải đảm bảo rằng sự thịnh vượng được phân bổ rộng rãi, bằng cách giải quyết tình trạng bất bình đẳng gia tăng và tăng trưởng tiền lương trì trệ. Tất cả các quốc gia cần cần đào tạo và bổ sung kiến thức về tự động hoá cho đội ngũ lao động, cũng như sự thay đổi nhanh chóng của không gian làm việc trong tương lai.

Rất nhiều cách thức có thể giúp thế giới ở vị thế an toàn hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính trước đây. Điều này cũng phụ thuộc vào sự hợp tác quốc tế, đặc biệt không chỉ là về vấn đề thương mại và tài chính, mà còn đối với những vấn đề chung trên toàn cầu, bao gồm môi trường và người nhập cư. Hiện tại, những rủi ro đang tồn tại vẫn tương đương như hồi năm 2008.

Theo Hương Giang

Cùng chuyên mục
XEM