Chủ tịch FPT Trương Gia Bình lý giải thành công của người Do Thái: Bố mẹ không nhắc con học, kiến thức được bồi đắp như “lắp lego”
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết các gia đình Do Thái không nhắc nhở con học tập, nhưng trẻ em đều phải thuộc và hiểu Kinh Thánh để tranh luận, tạo ra tính cá nhân hóa.
"Tôi có một câu hỏi. Tại sao dân Israel ít người như thế mà vẫn đạt quá nhiều giải Nobel?", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình phát biểu tại sự kiện Startup Việt 2022 với chủ đề "Kỷ nguyên sáng tạo – The New Era of Innovation". Đây là sự kiện thường niên do VnExpress tổ chức nhằm tìm kiếm các dự án khởi nghiệp tiềm năng tại Việt Nam.
Để giải đáp thắc mắc, Chủ tịch FPT cho biết ông đã sang Israel tìm kiếm câu trả lời. Ông tiếp tục đặt ra những câu hỏi như: trong gia đình Israel bố mẹ có nhắc nhở con học tập không, trường học có đặt học tập là một vấn đề đạo đức không, Kinh Thánh của họ có dạy về học tập không. Tất cả đều có đáp án là không. Tuy nhiên, Do Thái vẫn được coi là dân tộc thông minh nhất thế giới.
Sau đó, ông phát hiện bất cứ trẻ em Do Thái nào sinh ra đều phải thuộc và hiểu 613 điều trong Kinh Thánh.
"Trẻ em Do Thái bắt đầu từ 3 tuổi vào các nhà thờ ngồi nghe những bạn 3-16 tuổi thảo luận về 613 điều trích dẫn từ Kinh Thánh. Thông thường, có 2 trẻ em đứng ra tranh luận. Tương tác như vậy tạo ra một dân tộc thông minh đoạt nhiều giải Nobel. Chỉ có tương tác mới xuất hiện nhân tố cá thể", ông Bình cho hay.
"Chúng ta ai cũng được học, còn họ ai cũng học được. Học thuyết bên trong đó gọi là “Social Constructivism” – học kiến tạo xã hội. Tức là trong đầu mình giống như một thành lũy lego, mỗi lần học thêm điều mới là một miếng ghép được lắp thêm vào. Lắp nhiều thì thành thông thái", ông lý giải.
Trò chuyện với eJoy – một startup có ý tưởng cá nhân hóa việc học tiếng Anh theo sở thích như phim ảnh, bài hát, Chủ tịch FPT cho rằng cá nhân hóa học tập là tương lai của giáo dục. Ông nói thêm rằng sau 10 năm làm chuyển đổi số cả trong và ngoài nước, những năm gần đây ông mới hiểu thực chất chuyển đổi số là cá thể hóa.
"Như học thuyết học kiến tạo xã hội, ngay cả số 2+2 trong đầu tôi cũng được lắp ghép bằng những miếng lego khác với trong đầu bạn. Cùng một câu nói “Đẹp nhỉ?”, chúng ta lại suy nghĩ hoàn toàn khác nhau", ông cho hay.
Vượt qua 330 đối thủ, ứng dụng học tiếng Anh đa nền tảng eJoy đã lên ngôi quán quân cuộc thi Startup Việt 2022, với giải thưởng gồm 50 triệu đồng tiền mặt và gói truyền thông trị giá 200 triệu đồng và hiện vật từ nhà tài trợ.
Các startup còn lại trong top 5 là SSSMarket, Gadget, SaleMall và Metain, được trao gói truyền thông trị giá 150 triệu đồng, gói giải pháp công nghệ từ FPT SmartCloud trị giá 80 triệu đồng, gói giải pháp nhân sự từ TopCV Việt Nam trị giá 23 triệu đồng.