Startup học tiếng Anh qua phim ảnh eJoy lên ngôi quán quân Startup Việt 2022
Vượt qua 330 đối thủ, startup học tiếng Anh qua phim ảnh eJoy đã lên ngôi vô địch cuộc thi Startup Việt 2022. Phần chấm điểm thí sinh năm nay đến từ 3 bên: độc giả, Ban cố vấn và chuyên gia tại các quỹ đầu tư khởi nghiệp. Top 5 của giải đấu, ngoài eJoy, còn có SSSmarket – Gadget (Callio) – SaleMall – Metain.
Startup Việt là sự kiện thường niên tổ chức từ năm 2016 nhằm tìm kiếm các dự án khởi nghiệp tiềm năng tại Việt Nam.
Chương trình là nơi các startup và nhà sáng lập trình diễn sản phẩm, ý tưởng, đồng thời nhận ý kiến đánh giá, phản biện từ chuyên gia và cộng đồng. Xuyên suốt chương trình là chuỗi hội thảo, sự kiện kết nối, gặp gỡ, tham vấn và kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư. Trong năm thứ sáu - 2022, chương trình có chủ đề Kỷ nguyên sáng tạo - The New Era of Innovation.
Ở vòng sơ loại, Ban tổ chức đã nhận được 330 hồ sư ứng cử, sau quá trình xác thực thông tin, đã chọn ra 50 hồ sơ tiêu biểu. Ở vòng bán kết, 20 startup đã tham gia thuyết trình trước hội đồng chuyên môn: là các cố vấn, chuyên gia khởi nghiệp, nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nhân khởi nghiệp thành công.
Điểm số của mỗi startup trong Top 20 là kết quả tổng hợp từ 20% điểm độc giả, 40% điểm hồ sơ và 40% điểm của Hội đồng chuyên môn, từ đó chọn ra Top 5 bước vào Chung kết.
Ở vòng chung kết vào 15/12, sau màn pitching và hỏi đáp nhanh với Ban giám khảo, eJoy đã xuất sắc vượt qua 4 đồng nghiệp SSSmarket – Gadget (Callio) – SaleMall – Metain để giành ngôi vị quán quân.
eJoy là hệ sinh thái đa nền tảng học ngoại ngữ. Theo đại diện startup này, điểm khác biệt của nền tảng này so với các đối thủ chính là trải nghiệm học tập. Cụ thể: người dùng có thể luyện ngôn ngữ bằng nhiều hình thức như đọc báo, xem phim (trên TedTalk, Netflix, Amazon, Courser, You Tube) và có thể hiểu nội dung qua công cụ dịch tại chỗ, từ đó thành thạo bốn kỹ năng của tiếng Anh gồm nghe, nói, đọc và viết.
Theo số liệu đầu năm 2022, nền tảng này đã có 1 triệu người dùng với 30% từ thị trường nước ngoài và bình quân hơn 400.000 người sử dụng ít nhất một lần trong tuần. eJoy có 2 Founder là Điệp Bùi (CEO) và Toàn Trần (CTO) – anh từng là Lead Software Architect của VNG.
Ra đời từ 2017, eJoy là một cái tên hoạt động rất tích cực ở thị trường khởi nghiệp Việt Nam. Năm 2019, họ từng đạt Giải ba TECHFEST 2019 và đã nhận được hàng trăm ngàn USD ở vòng gọi vốn hạt giống được dẫn dắt bởi ThinkZone Ventures với sự tham gia của BK Fund.
Phần mình, SSSmarket ra mắt thị trường vào tháng 10/2020, là nền tảng thu gom, phân phối, mua bán và trao đổi đồ cũ đã qua sử dụng với giao diện thân thiện và giàu tính giải trí như TikTok. Ý tưởng này nhận được sự đánh giá cao của các nhãn hàng và tổ chức xã hội, từng được vinh danh tại nhiều sân chơi như Startup Wheel và Lãnh đạo Công nghệ trẻ 2022. SSSmarket đã trải qua vòng tiền hạt giống với mức vốn 6 triệu USD.
Gadget ra mắt tháng 7/2020 là công ty công nghệ sở hữu sản phẩm giải pháp tổng đài thông minh tích CRM - Callio. Gadget cho biết: phần mềm CRM - Callio cho phép nhân sự hoạt động từ xa, cải thiện sự hài lòng của khách hàng và luôn đổi mới về công nghệ. Callio hiện đã có hơn 1.000 khách hàng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trả phí và đã trải qua vòng tiền hạt giống với mức vốn 100.000 USD.
SaleMall JSC do các cổ đông và Công ty Cổ phần iNET thành lập vào tháng 2/2018. Công ty phát triển nhiều phần mềm giúp các đơn vị bán hàng online và bán hàng đa kênh đạt hiệu quả về mặt quản lý bán hàng lẫn khách hàng, thanh toán và tiếp thị. Sau 5 năm hoạt động, Fchat - sản phẩm chủ lực của SaleMall, đạt được huy hiệu đối tác chiến lượt tiêu biểu của Meta ở mảng Messaging và đạt được nhiều thành công trong và ngoài nước.
Metain khẳng định mình sử dụng công nghệ blockchain (DeFi, NFT, Hợp đồng thông minh) để đầu tư vào bất động sản một cách minh bạch và an toàn. Đây là nền tảng cho phép các nhà đầu tư nhỏ lẽ có thể đầu tư chung trong lĩnh vực bất động sản. Các giao dịch và khoản đầu tư trên nền tảng đều được mã hóa. Công ty đã trải vòng hạt giống với mức vốn 1,8 triệu USD.
" Trong hai năm qua, nhiều startup tại Việt Nam chứng minh được giá trị trong mọi hoàn cảnh, thậm chí vươn lên thành ‘kỳ lân’, nhưng cũng không ít startup gặp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa.
Chương trình này kỳ vọng gắn kết cộng đồng startup sau một thời kỳ nhiều biến động vì đại dịch, thúc đẩy những người khởi nghiệp không ngừng phát triển các giải pháp, dịch vụ, sản phẩm giải quyết các vấn đề xã hội, từ đó xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam ", bà Bùi Thanh Vân - Trưởng Ban tổ chức , bày tỏ.
Tổng giải thưởng của cuộc thi là gần 2 tỷ đồng, sẽ được trao cho các đội trong Top 20. Trong đó, đội quán quân nhận giải gồm 50 triệu đồng tiền mặt, gói truyền thông trị giá 200 triệu đồng và hiện vật từ nhà tài trợ.