Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ về “Cách mạng 4.0” và cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Ngày 20/5 vừa qua, ai diễn giả khách mời là PGS-TS Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT và TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV đã cùng chia sẻ về "Cách mạng công nghiệp thời kỳ 4.0" trong một hội thảo diễn ra tại Hà Nội.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo quản trị của Viện Quản trị Kinh doanh FSB dành cho học viên chương trình MBA và MiniMBA nhằm tạo cơ hội để các học viên giao lưu với những chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam và thế giới
Được sự phối hợp của Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Vừa nhà Nhỏ, Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, hội thảo mở rộng thành phần tham dự tới những người là Chủ tịch, Ban điều hành hoặc các nhà quản lý Doanh nghiệp Việt Nam.
Tại hội thảo, PGS-TS Trương Gia Bình điểm lại 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây cùng những tác động mạnh mẽ của nó làm thay đổi căn bản cuộc sống, thói quen của con người trong quá khứ. Từ đó, Ông miêu tả một cách đơn giản, dễ hình dung nhất về “Cách mạng 4.0” cũng như dự đoán về những tác động vô cùng to lớn của nó, có thể làm thay đổi cấu trúc ngành nghề trên thế giới, thay đổi cuộc sống loài người.
Điều đặc biệt, trong lần này PGS Trương Gia Bình chia sẻ về thực tiễn tham gia cuộc cách mạng số của FPT trong 7 năm qua - từ khi khái niệm "công nghiệp 4.0" được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2011. Đồng thời hé lộ và phân tích những kinh nghiệm thực tế đã giúp FPT trở thành đối tác của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất máy bay, năng lượng, in ấn…Năm 2016, tăng trưởng doanh thu từ việc cung cấp các giải pháp liên quan đến công nghệ mới (S.M.A.C và IoT) của FPT đạt 2.179 tỷ đồng, tăng 144% so với 2015.
Với TS Cấn Văn Lực, giám đốc của Trường đào tạo BIDV, một chuyên gia có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông nói về những cơ hội và thách thức của ngành ngân hàng trong Cách mạng 4.0. Ngân hàng hiện đang được coi là ngành chịu sự “đe dọa” rất lớn của Cách mạng 4.0 . Rất có thể, sẽ có sự thay thế hàng loạt con người bằng các “người máy”, các “bộ não nhân tạo”, thậm chí, ngành ngân hàng có thể bị biến mất, chỉ còn các nghiệp vụ được tích hợp vào những hạ tầng phục vụ thương mại.
Cho dù Cách mạng 4.0 có thể làm cho nhiều nghề biến mất, nhiều người được dự báo thất nghiệp, thì theo các diễn giả, đây vẫn là cuộc Cách mạng tất yếu mà con người chỉ có thể chọn cách tham gia hoặc bị loại khỏi “cuộc chơi”. Lợi thế nhất cho doanh nghiệp Việt Nam là cả thế giới đều bước vào cuộc Cách mạng 4.0 ở cùng một vạch xuất phát. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chân, đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo hướng 4.0 thì rất có thể, sau cuộc cách mạng, vị thế của nước Việt Nam, của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế sẽ khác hẳn. FPT đã trở thành đối tác duy nhất tại khu vực ASEAN của General Electric (GE) về công nghệ IoT; nhận giấy chứng nhận là đối tác đặc biệt của Amazon Web Services (AWS) với trên 200 chứng chỉ công nghệ.
Từ kinh nghiệm của chính mình, những người thầy lớn như PGS Trương Gia Bình, TS Cấn Văn Lực cùng thảo luận với các doanh nhân Việt Nam, với học viên MBA và MiniMBA để tìm hướng đi cho từng ngành kinh doanh, cho những doanh nghiệp của các học viên, sẵn sàng đón sóng trong cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra ngày càng sôi nổi trên toàn cầu.
Với tầm nhìn của một nhà quản trị toàn cầu, là người truyền cảm hứng cho hàng ngàn cán bộ nhân viên của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, PGS-TS Trương Gia Bình cũng đồng thời là Chủ tịch hội đồng khoa học, là một trong những giảng viên độc quyền và được yêu thích nhất tại Viện Quản trị Kinh doanh FSB, Đại học FPT. Ông luôn sẵn sàng chia sẻ những tri thức mới mà ông thu được từ những cuộc giao lưu với những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới như diễn đàn kinh tế thế giới Davos. Bên cạnh đó, TS Cấn Văn Lực cũng là một người thầy trong mảng tài chính ngân hàng, tích lũy được kho tri thức khổng lồ để chia sẻ với học viên của Viện Quản trị Kinh doanh FSB.