Chủ tịch Dragon Capital: Thị trường vốn Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ và bền vững
Trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường Thái Lan 5,6 tỷ USD, Indonesia là 3,7 tỷ USD, Philippines là 1,6 tỷ USD nhưng tại Việt Nam, dòng tiền được rót vào là 1,5 tỷ USD.
Những con số này được ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital dẫn ra tại diễn đàn VBF 2018, sáng nay 4/7 để trả lời cho câu hỏi các nhà đầu tư ngoại có đang tháo chạy khỏi Việt Nam hay không.
Thị trường vốn, theo ý kiến của ông Dominic, gắn liền với việc phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Trong 6 tháng vừa qua, thị trường tài chính toàn cầu thể hiện một số lo ngại lớn, là bất ổn thương mại giữa Mỹ - Trung, cũng như sự sự giảm lãi suất đồng USD khiến sức hấp dẫn của các thị trường tài chính ở các nền kinh tế mới nổi bị giảm.
"Việt Nam không đứng ngoài những lo ngại này", ông Dominic nhận xét.
Theo ông, cùng với lạm phát nhích lên, tỷ giá thay đổi và thị trường chứng khoán có nhiều biến động khiến cho VN-Index hôm 3/7 âm 7% so với đầu năm, tức là thấp hơn đỉnh cao của tháng 3 năm nay 20%.
Tuy nhiên, Chủ tịch của Dragon Capital nhận xét rằng giá trị các công ty niêm yết của Việt Nam đang rẻ và hấp dẫn. Ông nhấn mạnh Việt Nam đang vươn lên và thị trường vốn hoá trong nước phát triển khá mạnh mẽ, bền vững những năm gần đây.
Cụ thể, tổng giá trị vốn hoá thị trường trái phiếu và cổ phiếu đã từ 70 tỷ USD tăng lên thành 200 tỷ USD, tổng giá trị giao dịch hàng ngày của hai thị trường hướng đến cuối năm vượt 1 tỷ USD/ngày. Tổng vốn được huy động cho các nhà phát hành trong nước từ 5 – 10 tỷ USD/năm và tính đến nay đã huy động trên 4 tỷ USD.
Tại VBF, với vai trò đại diện cho Nhóm Công tác Thị trường vốn, ông Dominic đưa ra một số kiến nghị để phát triển thị trường này.
Đầu tiên là đối với Luật Chứng khoán mới, Chính phủ cần sớm ban hành Dự thảo Luật để các thành viên trên thị trường có thể góp ý. "Nghe nói trong tháng 7 ngày Dự thảo sẽ được công bố", ông nói và cho biết mong Luật sẽ giải quyết được những mâu thuẫn giữa Luật Chứng khoán và Luật Đầu tư.
Bên cạnh đó, cần xây dựng nhanh và sớm hệ sinh thái của các tổ chức đầu tư trong nước. Ông Dominic cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại cách giám sát, tổ chức với hệ thống ngân hàng theo hướng linh hoạt hơn trong việc quản lý tiền tệ. Ngoài ra, cần mở rộng các loại hình tài chính có thể phục vụ cho nhiều nhà đầu tư và cho phép Ngân hàng thương mại được đăng ký 1 loại hình dịch vụ mới là phân phối sản phẩm tài chính.
Ngoài ra, thời gian định giá cho đến lúc IPO chính thức doanh nghiệp nhà nước còn quá lâu, dẫn đến sự thiệt thòi cho nhà đầu tư, do đó, ông Dominic cho rằng cần phải cải thiện vấn đề này.