Chủ tịch Địa ốc Hòa Bình: 2017 đặt kế hoạch lãi 650 tỷ, thận trọng bước ra thị trường thế giới

28/03/2017 13:51 PM | Kinh doanh

Năm 2017, ông Lê Viết Hải cho biết HBC đặt kế hoạch doanh thu 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 650 tỷ đồng và sẽ được công bố cụ thể trong Đại hội cổ đông HBC diễn ra vào cuối tháng 4.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch CTCP địa ốc Hòa Bình (HBC) gây ấn tượng mạnh với chúng tôi trong suốt buổi trò chuyện bởi cách nói điềm đạm, cuốn hút người nghe. Đằng sau người đàn ông lãng mạn, mê đàn hát thi ca ấy là một tính cách quyết đoán và tầm nhìn xa.

Điềm tĩnh đi qua thăng trầm

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM năm 1985, sau hai năm làm tại công ty quản lý nhà (Sở Nhà đất TP.HCM), ông Lê Viết Hải quyết định khởi nghiệp, lập văn phòng xây dựng Hòa Bình (tiền thân của HBC ngày nay) với 5 kỹ sư và 20 người thợ.

Nói về chặng đường 30 năm của HBC, ông chia sẻ có cả những ngọt bùi và đắng cay. Có những lúc ông phải bán tài sản của gia đình để lo tài chính cho công ty. Năm 2008, khủng hoảng kinh tế ập đến, ông buộc phải bán đi dự án Hòa Bình Tower mà ông đã dành cho nó nhiều tâm huyết, dự định. Đầu tư 12,8 triệu USD cộng với tiền lo giải tỏa mặt bằng, giấy tờ sử dụng đất… đến lúc bán đi lỗ gần 2 triệu USD nhưng ông cho rằng "phải chấp nhận bởi nếu bán chậm hơn doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn”. Thời điểm đó có lúc HBC phải trả khoản vay với lãi suất đến 20%.

Hòa Bình là nhà thầu xây dựng đầu tiên lên sàn chứng khoán vào năm 2006. Quyết định niêm yết được ông Hải cho là một bước đi đúng đắn của công ty trong nâng cao nguồn lực tài chính, mở rộng phát triển nhưng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng gặp nhiều khó khăn. HBC năm 2011 rớt giá từ 31.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 18.700 đồng/cổ phiếu, ông đã phải viết tâm thư gửi cán bộ công nhân viên dùng tiền nhàn rỗi để mua cổ phiếu HBC hạn chế để HBC bị bên ngoài thâu tóm.

Đến nay cổ phiếu của HBC đang giao dịch ở mức 51.000- 56.000 đồng/cổ phiếu. Hòa Bình đã trở thành top 5 nhà thầu tổng hợp lớn nhất Việt Nam và được các đối tác nước ngoài đánh giá cao. Hòa Bình cũng mở rộng kinh doanh trên các lĩnh vực khác nhau, thành lập các công ty thành viên về xuất nhập khẩu, tư vấn thiết kế, sản xuất và trang trí mộc; công ty máy xây dựng; CTCP nhà Hòa Bình…

Trải qua bao thăng trầm ấy, điều dễ nhìn thấy ở ông chủ địa ốc Hòa Bình là sự điềm tĩnh, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và quyết đoán. Ông thừa nhận tính cách của người lãnh đạo chi phối khá lớn trong sự thành công của doanh nghiệp. “Tôi nghĩ quan trọng nhất là có được tầm nhìn và thuyết phục được mọi người đem hết tâm huyết của mình để thực hiện hoài bão mà công ty đặt ra làm theo kế hoạch đặt ra”, ông Hải chia sẻ.

Năm 2017, ông Hải cho biết công ty đặt kế hoạch doanh thu 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 650 tỷ đồng và sẽ được công bố cụ thể trong Đại hội cổ đông HBC diễn ra vào cuối tháng 4.

Ông tâm niệm trên chặng đường 30 năm qua, 10 năm đầu là thời gian ông học hỏi nâng cao trình độ, 10 năm sau đưa các sản phẩm của HBC nâng cao đạt chuẩn chất lượng quốc tế và dần thay thế các nhà thầu nước ngoài. Hiện Hòa Bình đang chuẩn bị những kế hoạch vươn ra thế giới.


Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình. Ảnh H.Y

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình. Ảnh H.Y

Vươn ra thế giới: Bước đi thận trọng

Khi được hỏi bây giờ doanh nghiệp mới tính đến chuyện vươn ra thị trường quốc tế có bị cho là hơi muộn không và những doanh nghiệp xây dựng mới thì liệu có thể bước ra thị trường này hay không? Ông Lê Viết Hải cho rằng tuy muộn nhưng tất cả các doanh nghiệp cần có tư duy toàn cầu trong phát triển kinh doanh của mình. “Và tôi nghĩ các doanh nghiệp xây dựng mới vẫn có thể vươn ra thị trường quốc tế nếu họ có đủ năng lực và sự tự tin”, ông nói.

Theo ông, hiện nay Hòa Bình đã làm ở thị trường Malaysia, Myanmar và đang nghiên cứu tham gia thị trường ở Lào, Kuwait, thăm dò ở thị trường Úc, Canada, và có nhiều lời mời tham gia với tư cách nhà thầu phụ ở Nhật, Qatar.

Chúng tôi cân nhắc thận trọng để phát triển thị trường nước ngoài, bởi các thị trường này đòi hỏi chúng ta phải vượt qua nhiều rào cản về pháp lý, thủ tục, đưa người đến một đất nước khác để phát triển, những khác biệt về trình độ công nghệ kỹ thuật, về văn hóa, ngôn ngữ, luật pháp luôn là những thử thách cho các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Hải cho hay.

“Các doanh nghiệp cần nhìn lại quy mô của mình, cần phải biết nên phát triển sản phẩm chính của mình thế nào, phân loại ra sao.Muốn trở lên hàng đầu không thể làm quá rộng được phải chọn một sản phẩm dịch vụ có thể đi sâu và nâng trình độ ngang tầm quốc tế như thế mới phát triển ra ngoài thế giới”.

Chia sẻ về đánh giá của các chủ đầu tư về Hòa Bình, ông Lê Viết Hải cho biết nhiều chủ đầu tư nước ngoài đánh giá cao và chủ động tìm đến hợp tác cùng HBC. Hiện Hòa Bình đang tiến quân ra Bắc với 24 dự án đang thực hiện tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình. Hiện nay tổng giá trị các hợp đồng đang thi công ở khu vực phía Bắc khoảng 6.000 tỷ đồng.


Mê đàn, hát ông Lê Viết Hải thừa nhận sự lãng mạn giúp ông có nhiều sáng tạo và thăng hoa trong công việc

Mê đàn, hát ông Lê Viết Hải thừa nhận sự lãng mạn giúp ông có nhiều sáng tạo và thăng hoa trong công việc

“Đi làm thuê cho nhà thầu nước ngoài là sự lãng phí”

Nhận định về ngành xây dựng Việt Nam, ông Lê Viết Hải cho rằng ngành đang có những tiến bộ nhanh chóng, có những dự án có chất lượng cao không thua kém gì nhà thầu nước ngoài và các đối tác nước ngoài đánh giá cao trình độ tay nghề của công nhân xây dựng Việt Nam. Tuy nhiên ông chủ Hòa Bình cho rằng hiện nay nhiều công nhân xây dựng Việt Nam đi làm cho các nhà thầu nước ngoài như nhà thầu Trung Quốc, Nhật Bản, các nhà thầu Châu Âu…là sự lãng phí.

Ông lý giải “khi chúng ta làm kinh tế bán sức lao động cũng như hái lượm, có gì bán cái đấy mà không có gia công, không có sự đầu tư chất xám để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ của mình bằng một hệ thống sản xuất có trình độ cao mà chỉ bán sức lao động thô rất lãng phí”.

Với quan niệm ấy, ông luôn có những chính sách hợp lý để sử dụng nhân lực cho sự phát triển của công ty, đưa công ty Việt sánh ngang tầm các công ty quốc tế bằng chính năng lực và những sản phẩm dịch vụ được đầu tư.

Hiện Hòa Bình có 6.000 nhân viên, trong đó có cả kiến trúc sư nước ngoài và Việt Kiều được đào tạo ở nước ngoài.

"Vươn đến đỉnh cao chất lượng là tiêu chí cốt lõi chúng tôi luôn theo đuổi trong suốt 30 năm qua, hướng tới tính "chân-thiện-mỹ" trong mỗi công trình. Không ngừng sáng tạo và đảm bảo chất lượng cũng là điểm mạnh để chúng tôi chinh phục các nhà thầu khó tính và đứng vững trên thị trường thế giới", ông Lê Viết Hải nhấn mạnh.

Theo Hải Yến

Cùng chuyên mục
XEM