Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ sở hữu trí tuệ 60% các nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên?

20/07/2016 19:31 PM | Kinh doanh

Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên hiện là chủ sở hữu trí tuệ tất cả các nhãn hiệu thuộc nhóm cà phê Trung Nguyên như: nhãn hiệu công ty, chuỗi quán cà phê, cà phê bột, cà phê hạt, cà phê tươi Trung Nguyên, cà phê hòa tan G7… theo như thông tin tra cứu từ Thư viện số về sở hữu trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công Nghệ).

Công ty này do ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu 60% cổ phần sáng lập, bà Lê Hoàng Diệp Thảo sở hữu 30% và 2 cá nhân khác sở hữu mỗi người 5% cổ phần.

Như vậy, về lý thuyết thì Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ có quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi 60% cổ phần Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên đối với các nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên.

Tuy nhiên, đây chỉ là suy luận dựa trên các văn bản pháp luật, các cổ đông trong Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên hoàn toàn có thể thỏa thuận riêng với nhau về quyền này.

Do chưa phải là công ty niêm yết nên hiện thương hiệu cà phê Trung Nguyên chưa được các tổ chức định giá thẩm định. Tuy nhiên, theo giấy phép kinh doanh thì Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên hiện có vốn điều lệ 3.160 tỷ đồng tương đương khoảng 160 triệu USD.

Cũng theo góc nhìn pháp lý, hiện Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên đang sản xuất các sản phẩm cà phê hòa tan G7 Trung Nguyên và nếu công ty này chưa được Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên cho phép sử dụng nhãn hiệu thì sẽ vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Theo đó, các hành vi vi phạm nhãn hiệu của quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là các hành vi sao chép, làm giả, sử dụng trái phép toàn bộ hoặc một phần các yếu tố chính của nhãn hiệu đang được cấp văn bằng bảo hộ.

Pháp luật sở hữu trí tuệ quy định nhãn hiệu là những dấu hiệu để phân biệt hàng hoá, dịch vụ và sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Nhãn hiệu gồm: Nhãn hiệu gắn vào sản phẩm, bao bì sản phẩm để phân biệt sản phẩm cùng loại của các cơ sở sản xuất khác nhau; Nhãn hiệu dịch vụ gắn vào phương tiện dịch vụ để phân biệt dịch vụ cùng loại của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác nhau.

Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu có thể là: Chữ có khả năng phát âm,có nghĩa hoặc không có nghĩa,trình bày dưới dạng chữ viết,chữ in hoặc chữ được viết cách điệu; Hình vẽ,ảnh chụp; Chữ hoặc tập hợp các chữ kết hợp với hình vẽ,ảnh chụp.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM