Chủ sở hữu của các chuỗi Royaltea tại Hà Nội, Sài Gòn: "Thương hiệu Royaltea không được bảo hộ nên ai cũng có thể kinh doanh mà không vi phạm pháp luật"
Theo đại diện hai chuỗi Royaltea lớn ở Hà Nội và Sài Gòn cho biết, họ đều được nhượng quyền thương hiệu từ công ty Hoàng Trà, có trụ sở tại Quảng Đông, Trung Quốc, và “đó mới là đơn vị đầu tiên kinh doanh trà sữa dưới tên gọi Royaltea chứ không phải công ty bên Đài Loan".
Chỉ trong một thời gian ngắn, tại Hà Nội, Sài Gòn và một số TP lớn trên cả nước nhanh chóng mọc lên hàng chục cửa hàng trà sữa mang tên Royaltea. Cửa hiệu nào cũng khẳng định mình là cơ sở được nhượng quyền chính thức.
Thế nhưng mới đây, trên trang web của một công ty Royal Tea từ Đài Loan (tên miền là royaltea.tw) đã đăng tải địa chỉ chi nhánh ủy quyền chính thức của thương hiệu này tại Việt Nam là tại phố Yên Bái, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, thì đã tạo ra sự quan tâm không nhỏ trong cộng đồng mê trà sữa.
Ai cũng hoang mang, không biết thương hiệu Royaltea bấy lâu mình ưa thích có nguồn gốc xuất xứ thế nào. Vì rõ ràng, tại Hà Nội, Sài Gòn lâu nay đã có cả tá cửa hàng Royaltea rất đắt khách nhưng vì sao trang web royaltea.tw chỉ công bố mỗi một địa chỉ ở Đà Nẵng?
Thông tin cửa hàng Royaltea ở Đà Nẵng là đơn vị chính thức được nhượng quyền đầu tiên từ Royaltea từ Đài Loan khiến dân tình xôn xao.
Để tìm hiểu kỹ hơn phản hồi từ các cửa hàng Royaltea khác tại Hà Nội, chúng tôi có cuộc trao đổi với các đại diện của hai chuỗi Royaltea lớn tại Sài Gòn và Hà Nội hiện nay: là Royaltea Vietnam by Hongkong với website royalteavietnam.vn và Royaltea Việt Nam với website royaltea.com.vn.
Website của Chuỗi Royaltea Việt Nam.
Website của chuỗi Royaltea Vietnam by Hongkong
Theo đại diện các chuỗi Royaltea này cho biết, hai chuỗi cửa hàng trên đều được nhượng quyền thương hiệu từ công ty Hoàng Trà Royaltea, có trụ sở tại Quảng Đông, Trung Quốc.
Đại diện chuỗi Royaltea Vietnam by Hongkong: "Thương hiệu Royaltea không được bảo hộ nên ai cũng có thể đứng ra kinh doanh mà không vi phạm pháp luật"
Trước thông tin về cửa hàng Royaltea tại Đà Nẵng, chị Yến (chủ chuỗi Royaltea HongKong) cho rằng đây là thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng không tốt đến chuỗi cửa hàng của chị.
Theo chị Yến, Royaltea xuất phát từ Quảng Đông, Trung Quốc, do công ty Hoàng trà làm chủ. Website của họ thành lập năm 2008 và đến năm 2011 chính thức kinh doanh lớn từ một cửa hàng nhỏ lẻ. Sau một thời gian kinh doanh nhưng không bảo hộ được thương hiệu, năm 2016 hãng này mới bắt đầu nhượng quyền trên phạm vi thế giới.
"Như vậy, thông tin Royaltea ra đời năm 2012, tại Đài Loan là không chính xác", chị Yến cho biết.
Cửa hàng Royaltea ở Giảng Võ - một trong những chi nhánh của chuỗi Royaltea HongKong tại Việt Nam với logo 3 sao được cho là nhượng quyền từ hãng Hoàng Trà (Trung Quốc).
Chị Yến cho biết, dựa theo thời gian đưa thương hiệu Royaltea về Việt Nam thì không thể khẳng định cửa hàng Đà Nẵng mới là nơi đầu tiên được nhượng quyền chính thức. Trên thực tế, thương hiệu này đã có mặt ở Việt Nam từ cách đó khá lâu. Hơn nữa, Royaltea là một từ ngữ phổ biến, không thể đăng ký được bản quyền thương hiệu. Chính vì vậy, bất cứ ai cũng có thể mở cửa hàng Royaltea mà không hề vi phạm pháp luật.
"Vì không thể bảo hộ thương hiệu Royaltea nên không ai có thể nói mình độc quyền. Cửa hàng ở Đà Nẵng khẳng định mình là cơ sở đầu tiên được nhượng quyền độc quyền là không đúng".
Dù không được bảo hộ về thương hiệu với tên gọi Royaltea nhưng theo chị Yến, hãng Hoàng Trà tại Quảng Đông, Trung Quốc đã bảo hộ thành công logo 3 cánh sao và chỉ những cửa hàng nào được nhượng quyền chính thức mới được phép sở hữu logo này.
"Cửa hàng ở Đà Nẵng có logo khác chúng tôi, chứng tỏ họ không được nhượng quyền từ công ty Hoàng Trà".
Bên cạnh đó, chỉ những ai đăng ký nhượng quyền chính thức mới được công ty Hoàng Trà bàn giao kỹ thuật pha chế, nguyên liệu... Vì vậy, mặc dù thương hiệu Royaltea không thể đăng ký bản quyền nhưng chị Yến vẫn tỏ ra rất lạc quan trong việc cạnh tranh với các đối thủ khác.
Hàng loạt giấy tờ có dấu đỏ được chị Yến đưa ra nhằm chứng minh chuỗi cửa hàng Royaltea HongKong của mình được nhượng quyền chính thức, hợp pháp.
"Vì chỉ những cơ sở nào được nhượng quyền chính thức mới được bàn giao đầy đủ kỹ thuật pha chế, nguyên liệu... chất lượng đồ uống từ đó sẽ có sự khác biệt lớn và thực khách, chắc chắn họ sẽ nhận ra".
Theo lời chị, hiện tại ở Việt Nam đang có 2 nhánh Royaltea lớn là Royaltea Vietnam by Hongkong và Royaltea Việt Nam. Mỗi nhánh có nhiều cơ sở khác nhau, do 2 bên khác nhau làm chủ nhưng vì cùng được nhượng quyền chính thức từ công ty Hoàng Trà nên về thiết kế lẫn phong cách phục vụ, hương vị đồ uống có nhiều điểm tương đồng.
Giấy chứng nhận nhượng quyền từ công ty Hoàng Trà, đơn vị được chị Yến cho là sở hữu thương hiệu Royaltea đầu tiên.
Giấy chứng nhận ATVSTP được chị Yến trưng bày ngay cạnh giấy chứng nhận độc quyền nhằm củng cố lòng tin của khách hàng.
"Tôi không quan tâm hãng Royaltea ở Đài Loan ra sao hay cửa hàng tại Đà Nẵng hoặc ở đâu đó được nhượng quyền như thế nào. Tôi chỉ biết phía cửa hàng Đà Nẵng khẳng định họ là cơ sở độc quyền, được chuyển nhượng chính thức đầu tiên tại Việt Nam là không chính xác, gây ảnh hưởng đến bên tôi".
Chị Yến cũng cho biết, chuỗi của bên chị có đầy đủ giấy tờ dấu đỏ làm việc với công ty Hoàng Trà do chính chị lặn lội sang Trung Quốc ký kết hợp tác. Ngoài giấy nhượng quyền, chị Yến cũng cung cấp thêm giấy chứng nhận bảo hộ logo độc quyền của công ty Hoàng Trà.
Chị Yến cung cấp hình ảnh, khẳng định việc cử người sang Trung Quốc học tập kỹ thuật pha chế từ công ty hoàng Trà.
"Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng đồ uống, bên mình cũng đã cử người sang học và tốt nghiệp lớp pha chế ở bên công ty Hoàng Trà", chị Yến nói thêm.
"Tóm lại chúng tôi có đầy đủ giấy tờ chứng minh được nhượng quyền hợp pháp. Tôi cũng khẳng định công ty Hoàng Trà mới là đơn vị đầu tiên kinh doanh trà sữa dưới tên gọi Royaltea chứ không phải công ty bên Đài Loan", chị Yến nói.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, anh Dũng chủ cửa hàng Royaltea VietNam by Hongkong ở Sài Gòn có 2 địa chỉ ở số 44 Ngô Đức Kế và số 1 Nguyễn Trãi cho biết:
Hai cửa hàng trà sữa Royaltea VietNam by Hongkong của anh Dũng ở Sài Gòn.
Cái tên Royaltea không được đăng ký bảo hộ, nên ở nước ngoài xuất hiện nhiều công ty cùng sử dụng thương hiệu này để kinh doanh.
Anh Dũng cũng cho biết thêm: "Chúng tôi mở rất nhiều cửa hàng, mỗi cửa hàng tốn hàng tỷ đồng, vậy tại sao lại có chuyện không đăng ký chuyển nhượng thương hiệu được? Chúng tôi không muốn gây tranh cãi nhiều về vấn đề này, chỉ mong mỗi khách hàng khi uống trà của chúng tôi sẽ tự cảm nhận và có đánh giá riêng".
Đại diện chuỗi Royaltea Việt Nam: “Lời khẳng định độc quyền của phía cửa hàng Đà Nẵng ảnh hưởng lớn đến hệ thống chúng tôi”.
Còn đại diện chủ chuỗi Royaltea Việt Nam, anh Đức cho biết: "Lời khẳng định của phía cửa hàng Đà Nẵng là không chính xác, gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống của chúng tôi".
Anh Đức phân tích, website của bên Đài Loan mới được thành lập, hệ thống cửa hàng còn ít, không thể so sánh với uy tín của công ty Hoàng Trà. Bên cạnh đó, bản thân thương hiệu Royaltea không thể đăng ký bảo hộ nên không thể nói là độc quyền.
Anh Đức cũng nhấn mạnh, chuỗi cửa hàng của mình và chị Yến đều được nhượng quyền hợp pháp từ công ty Hoàng Trà. "Có thể còn cơ sở khác cũng được nhượng quyền từ công ty này. Việc nhiều chuỗi cùng kinh doanh chung thương hiệu được nhượng quyền từ nước ngoài là điều hết sức bình thường. Tôi cũng không thể nắm hết các cơ sở được nhượng quyền từ công ty Hoàng Trà nhưng có đầy đủ chứng từ khẳng định mình được nhượng quyền hợp pháp từ công ty này", anh Đức khẳng định.