Chủ quán cà phê do người điếc phục vụ, trả tiền theo niềm vui: Làm việc không lương, xa lánh mẹ vì sợ các em tủi thân

22/08/2020 07:02 AM | Kinh doanh

“Các bạn ấy là những dấu ngã. Vì thế mình phải tìm được mô hình uốn lượn phù hợp để khớp với dấu ngã đó. Cần tôn trọng nguyên bản chứ không phải bẻ cong nó", nhà sáng lập dự án “Nhà của Thời thanh xuân” chia sẻ.

Anh Võ Thành Luân sinh ra trong một gia đình có điều kiện tốt, được hỗ trợ để sang Philippines du học ngành tâm lý. Giữa lúc đang theo học tại đây vào năm 2013, cơn bão lớn nhất lịch sử mang tên Hải Yến quét qua quốc gia này. Đứng trước thiên nhiên, tận mắt chứng kiến sự mất mát của người dân, Luân quyết định quyên góp hết đồ đạc của mình rồi bỏ học trở về Việt Nam.

Trở về nước, chàng trai sinh năm 1987 nhất quyết không nhờ đến sự trợ giúp của gia đình, từ Bảo Lộc chuyển tới Đà Lạt để thực hiện dự án “Nhà của Thời thanh xuân”, mong muốn đem lại việc làm cho các bạn trẻ không nghe và nói được.

Chia sẻ với chương trình Dám sống, mẹ của Thành Luân cho biết con trai đã chủ động “cách ly” mình 4 năm. Dù bà mua quần áo hay giày dép thì anh cũng không mặc, bà ngồi gần thì Luân chủ động đứng dậy với lý do “không muốn các em tủi thân”.

Chủ quán cà phê do người điếc phục vụ, trả tiền theo niềm vui: Làm việc không lương, xa lánh mẹ vì sợ các em tủi thân - Ảnh 1.

Anh Võ Thành Luân - nhà sáng lập dự án "Nhà của Thời thanh xuân".

Năm 2015, quán cà phê có tên “Quán của Thời thanh xuân” khai trương, là nơi các bạn trẻ bình thường cùng sống và làm việc với các bạn điếc.

Trong một phóng sự với VTV, anh Luân cho biết: “Ban đầu rất khó khăn, chỉ có một bạn điếc tham gia dự án thôi. Nhưng có khả năng giúp một người thì mình giúp một người.”

Thời kỳ đầu, bàn ghế của quán tại Đà Lạt chủ yếu là đi lượm nhặt đồ cũ về hoặc được người dân ủng hộ, trang trí đơn giản bằng những quả thông và mẩu giấy note ghi cảm nhận của khách hàng.

Quán của Thời thanh xuân tại Đà Lạt.

Các bạn câm điếc khi gia nhập dự án Nhà của Thời thanh xuân sẽ được dạy ngôn ngữ ký hiệu, dạy làm pha chế và nhận lương khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra còn có các bạn tình nguyện viên, họ cùng chung sống và làm việc như một gia đình. Phạm Thị Như Quỳnh, một tình nguyện viên chia sẻ: "Các tình nguyện viên đều có công việc riêng của mình nhưng thời gian sống ở nhà là hết 80% rồi. Chỉ có lâu lâu có việc gì ở quê, bọn mình mới rời nhà. Hiện tại các tình nguyện viên như mình thì không có lương, còn các bạn câm điếc thì một tháng nhận hơn 2 triệu đồng. Cuộc sống ở đây khiến mình không cần đến tiền, có tiền cũng chẳng biết tiêu gì. Nhưng mỗi lần tụi mình rời khỏi đây đều sẽ được nhà trích ra 1 triệu đồng coi như lộ phí đi đường. Ngay cả anh Luân, người tạo lập dự án, cũng không có tiền chi tiêu cá nhân"

Đến với Quán của Thời thanh xuân, khách hàng sẽ chọn món trong bảng menu và thanh que có màu sắc tương ứng. Các bạn câm điếc có thể tự mình phục vụ mà không cần sự trợ giúp của người khác.

Đặc biệt, tất cả món nước đều không có giá cố định mà khách hàng sẽ tùy tâm, trả theo mức độ hài lòng, niềm vui họ cảm nhận được.

Chủ quán cà phê do người điếc phục vụ, trả tiền theo niềm vui: Làm việc không lương, xa lánh mẹ vì sợ các em tủi thân - Ảnh 3.

Menu đặc biệt tại quán.

“Các bạn ấy là những dấu ngã. Vì thế mình phải tìm được mô hình uốn lượn phù hợp để khớp với dấu ngã đó. Cần tôn trọng nguyên bản chứ không phải bẻ cong nó.

Cái khó nhất là tư duy của người nói áp đặt lên người câm điếc. Để có được trái tim của các bạn thì phải đếm bằng năm, bằng tháng. Sau bao nhiêu năm rồi các bạn ấy mới tin rằng mình đang thực sự đồng hành với họ. Hãy giao tiếp trực tiếp, khi khoảng cách ngôn ngữ không còn thì chỉ có đối đãi với nhau bằng trái tim”, anh Luân chia sẻ với VTV.

Ngoài ra, anh Luân còn nghiên cứu và cùng các bạn làm thêm các bánh xà phòng, tinh dầu thiên nhiên,... để giúp quán có thêm thu nhập. Nông trại của dự án Nhà của thời thanh xuân không chỉ giúp các bạn điếc mà còn hỗ trợ người dân địa phương cách làm nông nghiệp sạch, cách làm du lịch ngay trên chính mảnh đất của mình.

Sau gần 5 năm thực hiện dự án, hàng chục bạn điếc đã đến, được đào tạo và sau đó đã có thể rời đi, tự chủ cuộc sống của mình. Ngoài Đà Lạt, quán đã có thêm hai cửa hàng tại Hội An và Tp. Hồ Chí Minh.

“Một buổi trưa, mình đi ra ngoài hiên quán thấy các bạn điếc đang tập hát say sưa, mình mới nhận ra rằng có những thứ cả cuộc đời họ không chạm tới được còn chúng ta đang có những căn bản của hạnh phúc: nói được, cười được, nghe được thì còn tìm kiếm điều gì nữa", Thành Luân tâm sự.

T.D

Cùng chuyên mục
XEM