Chủ đầu tư Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng lỗ hơn 1.750 tỷ trong năm đầu khai thác toàn tuyến

18/04/2017 13:24 PM | Kinh doanh

Bình quân mỗi ngày Vidifi thu được khoảng 4 tỷ đồng tiền phí nhưng chỉ riêng lãi vay mỗi ngày đã lên tới 8 tỷ đồng.

Sau khi thông xe toàn tuyến từ cuối năm 2015, năm 2016 là năm đầu tiên Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam ( Vidifi ) có nguồn thu đáng kể từ việc thu phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sau hơn 7 năm đầu tư.

Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khởi công từ tháng 5/2008 có tổng mức đầu tư hơn 45.500 tỷ đồng. Toàn tuyến dài 105 km, trong đó 6 km chạy qua Hà Nội, 26 km qua Hưng Yên, 40 km qua Hải Dương và 33 km qua Hải Phòng.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là cổ đông chính Vidifi đồng thời cũng là nhà tài trợ vốn chủ yếu cho dự án này. Bên cạnh VDB, Vidifi còn có 2 cổ đông thiểu số khác là Vietcombank và Vinaconex.

Để hoàn vốn cho dự án này, Vidifi thu phí trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5 cũ cũng như đầu tư một số dự án bất động sản nằm dọc cao tốc.

Theo số liệu chúng tôi có được, trong năm 2016, Vidifi đạt 1.430 tỷ đồng doanh thu, tăng đáng kể so với mức 121 tỷ của năm 2015. Như vậy bình quân mỗi ngày Vidifi thu về gần 4 tỷ đồng.

Tuy vậy, mức doanh thu như trên không thể bù đắp được chi phí vận hành, lãi vay cũng như khấu hao dẫn đến việc Vidifi lỗ 1.757 tỷ đồng trong năm vừa qua.

Mức lỗ trên đã “thổi bay” gần một nửa vốn điều lệ của Vidifi, hiện đạt 3.705 tỷ đồng. Tổng tài sản của Vidifi tại thời điểm cuối năm 2016 là hơn 38.700 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ so với một năm trước.

Cách đây 1 năm, khi tiến hành tăng phí, chủ tịch Vidifi ông Đào Văn Chiến cho biết: “Không thể không tăng, nếu không chúng tôi sẽ phá sản. Nhà nước hứa hỗ trợ 39% vốn đầu tư nhưng đến giờ này chúng tôi chưa nhận được đồng nào. Mức thu phí thu được sau khi tăng chỉ đủ trả 50% số tiền lãi hàng ngày, tức đạt 4 tỷ đồng trả lãi trong khi tiền lãi ngày là 8 tỷ đồng”.

Theo kiểm toán nhà nước, nợ gốc của dự án Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tính đến cuối năm 2015 là 27.558 tỷ đồng. Nhưng trên phương án tài chính, khoản này lại được xác định là hơn 32.120 tỷ, chênh lệch hơn 4.500 tỷ đồng.

Sau khi điều chỉnh một số thông số đầu vào theo số liệu tính đến 30/9/2016, Kiểm toán Nhà nước xác định thời gian thu phí hoàn vốn thực tế của dự án có thể giảm 1 năm 3 tháng 3 ngày so với phương án mà chủ đầu tư đang trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định (28 năm 8 tháng).

Năm 2016 cũng là năm đầu tiên CTCP BOT Hà Nội – Bắc Giang, chủ đầu tư cao tốc Hà Nội – Bắc Giang đi vào thu phí. Doanh nghiệp này đạt 241 tỷ đồng doanh thu và lỗ 19,2 tỷ trong năm vừa qua.

Theo Kiến Khang

Cùng chuyên mục
XEM