Cho nhân viên làm online, doanh nghiệp tưởng thiệt hại nhưng thực chất lại có lợi
Một nghiên cứu trên 3,1 triệu người lao động khắp thế giới cho thấy ngày làm việc thời đại dịch của mỗi người thường kéo dài hơn 48 phút và có nhiều cuộc họp hơn.
Các nhóm từ Đại học Harvard và Đại học New York vừa hợp tác thực hiện nghiên cứu mà họ mô tả là lớn nhất trừ trước đến nay về hành vi của người lao động khi làm việc ở nhà. Theo đó, nghiên cứu được tiến hành với 3,1 triệu người ở 21.000 công ty khác nhau ở 16 thành phố tại Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông, từ New York tới Tel Aviv.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy một cuộc cách mạng thực sự đối với làm việc online đang diễn ra. Cụ thể, những người được hỏi cho biết họ làm việc nhiều giờ hơn, tham dự nhiều cuộc họp với nhiều người hơn cũng như sử dụng email với tần xuất lớn hơn.
Các nhà nghiên cứu so sánh hành vi của người lao động trong 8 tuần trước và sau khi đóng cửa vì Covid-19. Nhìn vào số lượng email và các cuộc họp, nhóm này tính toán mỗi người làm việc nhiều hơn 48,5 phút mỗi ngày. Số lượng các cuộc họp tăng khoảng 13% và mọi người gửi thêm khoảng 1,4 thư điện tử mỗi ngày cho đồng nghiệp của họ.
Ở một vài thành phố, chẳng hạn như Los Angeles và Chicago, thời gian làm việc trung bình trở lại mức trước đại dịch. Tuy nhiên, ở New York, San Jose và hầu hết châu Âu, thời gian làm việc của người lao động lớn hơn trong bối cảnh họ làm việc trực tuyến.
Ông Keith Polzer, giáo sư bộ phận hành vi trong tổ chức – một trong những tác giả của nghiên cứu, nói rằng: "Mọi người đã tự điều chỉnh hành vi của họ khi làm online. Trong thời gian nghiên cứu, người ta cũng nhận ra rằng các cuộc họp về sau ngắn hơn so với những cuộc họp trong thời gian đầu.
Ở thời điểm hiện tại, các công ty đang nỗ lực đánh giá tác động của làm việc online so với các làm việc truyền thống. Năng suất, tinh thần, văn hóa, chi phí và các yếu tố khác được họ xem xét nhằm đưa ra những sửa đổi phù hợp trong tình trạng dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải để nhân viên làm việc ở nhà.
Tuy nhiên, những tác động làm ảnh hưởng tới công việc như chăm sóc trẻ em, việc nhà tiếp tục làm mờ đi ranh giới giữa việc riêng và việc chung. Ngoài ra, những tác động từ suy thoái kinh tế cũng tạo ra những đòi hỏi khác trong công việc.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng họ cần nghiên cứu kỹ hơn để xem liệu thói quen của mọi người có thay đổi vĩnh viễn sau đại dịch hay không. Tuy nhiên, họ chắc chắn rằng việc trở lại như mức trước đại dịch là điều không sớm diễn ra.
Ở thời điểm hiện tại, thế giới có hơn 18,23 triệu người mắc Covid-19 với 691.727 trường hợp tử vong. Với số ca mắc tăng kỷ lục theo từng ngày, đại dịch Covid-19 dường như sẽ chỉ được kiểm soát khi có vắc xin phòng bệnh.