Người dân bị "móc túi" làm giàu cho DN xăng dầu, Bộ Công Thương nói gì?
Trước thông tin doanh nghiệp xăng dầu đang hưởng lợi lớn từ chênh lệch thuế suất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, công thức tính giá cơ sở đối với sản phẩm xăng dầu áp mức thuế nhập khẩu ưu đãi...
Bộ Công Thương vừa chính thức lên tiếng về cách áp thuế xăng dầu khiến các doanh nghiệp xăng dầu được hưởng lợi lớn.
Theo đó, Bộ Công Thương cho biết: Theo điểm b Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
"Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong công thức tính giá cơ sở đối với sản phẩm xăng dầu thì mức thuế nhập khẩu là mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN)", Bộ Công thương cho biết.
Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các FTA theo cam kết hội nhập quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước; các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng.
Trước đó, từ tháng 5/2015, thuế nhập khẩu dầu đã giảm từ 10% xuống còn 5%. Đến ngày 1/1/2016, thuế xăng, dầu nhập khẩu tiếp tục được điều chỉnh như sau: Xăng nhập vẫn 20% nhưng các loại dầu lại giảm về 0%.
Bên cạnh đó, từ đầu năm nay, thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam cũng giảm về 5%, thuế xăng về 10% (thấp hơn thị trường khác 10%).
Như vậy, phần lớn xăng được nhập về chỉ nộp thuế nhập khẩu 5-10%, còn dầu chỉ 0-5% nhưng mức thuế để tính giá bán đến người tiêu dùng 2 mặt hàng này vẫn giữ nguyên 10 và 20%.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết mức chênh lệch thuế trên đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đổ xô nhập khẩu từ Hàn Quốc để hưởng lợi.