Doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn từ chênh lệch thuế
Phần lớn xăng được nhập về chỉ nộp thuế nhập khẩu 5-10%, còn dầu chỉ 0-5% nhưng mức thuế để tính giá bán đến người tiêu dùng hai mặt hàng này là 10 và 20%.
Trong khi đó, các cơ quan điều hành vẫn chưa thống nhất được hướng xử lý dù tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2015, thuế nhập khẩu xăng từ ASEAN là 20% và dầu diesel là 5% theo hiệp định VN đã ký và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại thông tư 165. Và từ ngày 1-1-2016, thuế nhập khẩu các mặt hàng như diesel, mazut, dầu hỏa... từ ASEAN giảm về 0%. Riêng thuế nhập khẩu từ Hàn Quốc đối với xăng còn 10% và các loại dầu còn 5%.
Tuy nhiên, theo nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở - căn cứ để xác định giá xăng dầu - vẫn được liên bộ Công thương và Tài chính tính trên mức thuế nhập khẩu ưu đãi bình thường.
Cụ thể, từ cuối tháng 5-2015 đến nay, thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở đối với xăng là 20%, dầu diesel và dầu mazut là 10%, dầu hỏa 13%.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết trong năm 2015, tổng số thu thuế nhập khẩu xăng dầu đạt khoảng 35.000 tỉ đồng, nhưng đã phải hoàn thuế nhập khẩu xăng dầu khoảng 3.500 tỉ đồng, chủ yếu hoàn cho mặt hàng dầu có xuất xứ từ ASEAN do được hưởng thuế thấp.
Khoản thuế được hoàn này đã rơi vào túi các doanh nghiệp đầu mối, dù giá xăng bán lẻ cho người tiêu dùng đã được tính cả khoản thuế này.
Ngay từ cuối tháng 12-2015, trong công văn trả lời chúng tôi về sự bất hợp lý này, đại diện Bộ Công thương cho rằng việc này cần hỏi... Bộ Tài chính - cơ quan điều hành thuế... Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính lại cho rằng cần hỏi Bộ Công thương - cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu.
Các doanh nghiệp cũng từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề này.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, nhờ khoản chênh lệch này, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã “thoát lỗ”, thậm chí đạt lợi nhuận khá lớn. Chẳng hạn, theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 vừa được công bố, Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) cho biết đã đạt mức lợi nhuận trước thuế lên tới 3.766 tỉ đồng, tăng hơn 3.400 tỉ so với năm trước đó, dù giá xăng dầu trong năm qua liên tục giảm mạnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã lợi dụng sơ hở của chính sách, yếu kém, buông lỏng của cơ quan quản lý để trục lợi. Theo ông Long, nếu áp mức thuế đúng theo thực tế, giá xăng dầu sẽ giảm và người tiêu dùng, nền kinh tế được hưởng lợi.
“Nếu Bộ Tài chính và Bộ Công thương chậm sửa bất cập này ngày nào, người tiêu dùng bị thiệt ngày đó, còn các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu tiếp tục hưởng lợi” - ông Long nói.
Cũng theo ông Long, cần buộc các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải trả lại khoản chênh lệch thuế nhập khẩu này cho người tiêu dùng qua quỹ bình ổn giá xăng dầu.
“Cần phải chủ động công khai khi các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp thay đổi bởi đó chính là trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước. Người tiêu dùng phải được biết có sự chênh lệch này và doanh nghiệp hưởng lợi bao nhiêu...” - ông Long đề nghị.
Gần 90% xăng dầu được nhập từ ASEAN và Hàn Quốc
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1-2016 lượng xăng dầu nhập về VN đạt 789.000 tấn và gần 90% được nhập từ ASEAN và Hàn Quốc. Trong đó, lượng xăng VN nhập từ Singapore (chiếm hơn một nửa tổng lượng nhập khẩu) tăng 67,3% so với cùng kỳ 2015, từ Thái Lan tăng hơn 30%, từ Malaysia tăng gấp hơn 9 lần...
Trong năm 2015, VN nhập hơn 10 triệu tấn xăng dầu, trong đó lượng xăng dầu nhập từ ASEAN chiếm đến 68%.