Lọc dầu Dung Quất sợ phải "đóng cửa" vì chênh lệch thuế suất nhập khẩu

23/02/2016 10:18 AM | Kinh doanh

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vừa có văn bản gửi Liên Bộ Tài chính – Công Thương và Văn phòng Chính phủ về tình hình tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang trong giai đoạn khó khăn.

Cụ thể, PVN cho hay, ngày 16/12/2015 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư mới về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc.

Theo đó, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với sản phẩm xăng từ Hàn Quốc sẽ áp dụng là 10%, trong khi thuế với sản phẩm xăng mua từ Lọc hóa dầu Dung Quất có thuế cao gấp đôi (20%).

Điều này dẫn đến việc ký kết hợp đồng dài hạn tiêu thụ sản phẩm xăng dầu năm 2016 với khách hàng gặp nhiều khó khăn.

Để bù đắp một phần chênh lệch thuế nhập khẩu, Tập đoàn đã cố gắng đàm phán, thuyết phục khách hàng cam kết hợp đồng kỳ hạn cho cả năm 2016 và giảm giá bán.

Mặc dù vậy, mức giá bán đối với dầu Diesel, Jet A1 của Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn không thể cạnh tranh đối với nguồn hàng nhập khẩu.

Tất cả các doanh nghiệp đầu mối lớn chỉ ký hợp đồng với thời hạn 2-3 tháng đầu năm 2016 và thỏa thuận giảm khối lượng mua để chờ đợi việc giảm thuế của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Chẳng hạn Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là khách hàng lớn nhất chỉ đồng ý áp dụng mức phụ phí trên cho 2 tháng đầu năm 2016 với khối lượng DO giảm từ 120.000 m3/tháng xuống 80.000 m3/tháng theo Hợp đồng năm 2016.

Tập đoàn này lý giải, việc khách hàng giảm khối lượng cam kết tiêu thụ và chỉ cam kết tiêu thụ sản phẩm trong ngắn hạn gây nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho Nhà máy trong việc lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch mua dầu thô, xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm cũng như mục tiêu đảm bảo an toàn vận hành của Nhà máy.

Trong khi đó, dầu Diesel, Jet A1 là sản phẩm chính của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, chiếm gần 50% tổng lượng sản phẩm của toàn nhà máy.

PVN cho rằng: "Nếu mặt hàng diesel không tiêu thụ được thì Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ không thể duy trì công suất ổn định, bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong thời gian tới".

Do vậy, tập đoàn này đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ sớm điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu với dầu diesel, Jet A1 nhằm đảm bảo sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, giúp ổn định sản xuất, vận hành liên tục của nhà máy.

Trước đó, trong năm 2015, Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng từng "dọa" đóng cửa khi áp dụng biểu thuế ưu đãi ATIGA. Sau đó, Bộ Tài Chính đã quyết định giảm thuế đối với các sản phẩm xăng dầu từ Dung Quất xuống 20% ngang với các nước ASEAN.

Dù liên tiếp kêu khó về tồn kho sản phẩm song trong năm 2015, Lọc hóa dầu Bình Sơn vẫn có kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu 95.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 6.000 tỷ đồng.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD bắt đầu vận hành từ năm 2009. Giữa năm 2015, dự án được đầu tư mở rộng thêm 1,82 tỷ USD nhằm nâng công suất lên 8,5 triệu tấn một năm, dự kiến hoàn thành năm 2021. Tổng đầu tư của dự án lên tới gần 5 tỷ USD.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM