Ông lớn Vingroup, FLC đã nhập cuộc, Sungroup sẵn sàng rót nghìn tỷ..."đánh thức" BĐS Thanh Hóa
Sau Hải Phòng, Quảng Ninh,...Thanh Hóa đang là địa điểm mới hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Với hàng chục nghìn tỷ từ các ông lớn BĐS đang đổ vào đây đã khiến vùng đất này "thay da đổi thịt" từng ngày.
Vùng đất nhiều tiềm năng
Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, cách Thủ đô Hà Nội 150km về phía nam, Thanh Hóa giữ một vai trò quan trọng trong việc kết nối ra biển của cả khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh Bắc Lào. Với tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đặc sắc nơi đây được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái.
Ưu thế vượt trội của Thanh Hóa là những danh lam, thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Có thể để kể như Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Khu di tích Lam Kinh được công nhận là di tích đặc biệt quốc gia. Ngoài ra, vùng đất này có lợi thế lớn trong phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch biển (bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến), du lịch sinh thái (Vườn quốc gia Bến En)...
Là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, những năm qua Thanh Hoá luôn là tỉnh dẫn dầu cả nước về đầu tư xây dựng cơ sở. Hệ thống giao thông tại đây bao gồm đầy đủ các loại hình đường bộ, hàng không, đường biển đã và đang được đầu tư nâng cấp như đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh...
Đặc biệt, Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thông thương với nước CHDCND Lào và với nhiều nước trong khối ASEAN; Cảng hàng không Thọ Xuân với đường bay tới TP. Hồ Chí Minh và TP. Buôn Ma Thuột; Cảng nước sâu Nghi Sơn tiếp nhận tàu 10 vạn tấn…là điểm nhấn hạ tầng nơi đây.
Giai đoạn 2011-2015 tỉnh Thanh Hóa đã thu hút 560 dự án đầu tư trực tiếp (25 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 120.000 tỷ đồng. Hiện Thanh Hóa cũng là tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI từ Nhật Bản với 9,657 tỷ USD trong tổng số 33,059 tỷ USD Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Trong số 5 dự án FDI lớn nhất từ Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam thì có 2 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Xi măng Nghi Sơn.
Ông Nguyễn Đình Xứng – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá từng khẳng định Thanh Hoá là tỉnh có rất nhiều điều kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, tỉnh đã áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.
Ông lớn dồn dập tiến quân
Với những tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng cùng với sự cải thiện về cơ sở hạ tầng giao thông, Thanh Hóa ngày càng là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, danh mục các doanh nghiệp bất động sản đăng ký đầu tư vào Thanh Hóa đã có mặt nhiều ông lớn. Đầu tiên phải kể đến Tập đoàn FLC với bản ghi nhớ ký cam kết đầu tư vào Thanh Hóa với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD trong giai đoạn 2014 - 2018.
Hiện nay ngoài dự án khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đã đi vào hoạt động từ năm 2015, Tập đoàn FLC cũng đang tập trung đầu tư vào các dự án như: Dự án nhà ở hỗn hợp Nam thành phố Thanh Hóa (2ha) tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng; Khu nhà hỗn hợp FLC Complex Thanh Hoá có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng; dự án Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp Cồn Nổi tại Sầm Sơn có diện tích là 150ha với tổng mức đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng....
Ngoài FLC, Vingroup và Sungroup là hai đại gia BĐS được kỳ vọng sẽ tạo nên một bộ mặt hoàn toàn mới cho cùng đất này. Gia nhập cuộc chơi BĐS Thanh Hóa, Tập đoàn Vingroup đã khởi công hai dự án lớn tại đây vào tháng 5/2016. Dự án thứ nhất là Trụ sở làm việc của Thành ủy – HĐND – UBND và các đoàn thể thành phố Thanh Hóa có tổng vốn đầu tư 665 tỷ đồng được xây dựng theo hình thức BT. Dự án thứ hai là dự án Trung tâm Thương mại Vincom Thanh Hóa với điểm nhấn là khách sạn 5 sao cao 33 tầng.
Là người đến sau nhưng Tập đoàn Sungroup cũng không kém cạnh khi quyết định rót gần 10.000 tỷ đồng vào Thanh Hóa với dự án “Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En (thuộc huyện Như Thanh, Thanh Hóa). Dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành thành điểm nhấn về du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí mang tầm vóc quốc tế.
Bên cạnh dự án này thì, Sun Group dự kiến sẽ đầu tư hoàn chỉnh Khu tâm linh Am Tiên, xã Tân Ninh (Triệu Sơn), sẵn sàng lập dự án và đầu tư Khu đô thị mới tại Khu vực phía Đông ga đường sắt cao tốc Bắc Nam đến giáp phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa.
Hai đại gia khác cũng đã nhanh chân đầu tư vào vùng đất đầy tiềm năng này. Đầu tiên là Tập đoàn T&T với Dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân (tại xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia) với quy mô 117ha, tổng vốn đầu tư 1.024 tỷ đồng. Và một doanh nghiệp khác đến từ phía Nam là Tập đoàn Sao Mai cũng đã rót hơn một nghìn tỷ xây xây dựng Khu đô thị cao cấp Sao Mai huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa với quy mô 51ha.
Ngoài những ông lớn trong nước, BĐS Thanh Hóa cũng đang đón làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2014, Tập đoàn Magnum Group từng bày tỏ ý định cử các chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới đến Thanh Hóa để nghiên cứu và quy hoạch dự án, nhằm xây dựng khu núi Trường Lệ thành khu du lịch biển đẳng cấp thế giới. Hay mới đây, 30/5/2016 Hoàng tử Brunei dẫn đoàn CEO tìm cơ hội đầu tư tại Thanh Hóa.
Có thể nói, sau nhiều năm im ắng thời gian gần đây vùng đất Thanh Hóa đang dần thay da đổi thịt. Với hàng chục nghìn tỷ đồng dự kiến đổ vào đây, các nhà đầu tư có kinh nghiệm dự báo đây sẽ là cơ hội bứt phá cho vùng đất này.