Chính phủ Nhật đang giúp hàng triệu doanh nghiệp tìm người kế vị bằng cách nào?

28/02/2018 11:00 AM | Xã hội

Nước Nhật đang có 2,45 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ được điều hành bởi những người quản lý nay đã ngoài 70 tuổi, hơn một nửa trong số doanh nghiệp đó hiện đang không có người kế vị.

Người Nhật đang cố gắng tìm kiếm những người mua tiềm năng sẵn sàng bỏ tiền thâu tóm công ty của họ thay vì đóng cửa công ty vì lý do thiếu người kế vị. Khi làm như vậy, họ giúp giữ được việc làm và những giá trị kinh tế trong bối cảnh dân số Nhật đang ngày một già và giảm.

Nỗi lo không có người tiếp quản doanh nghiệp

Hiện tại, nước Nhật đang có 2,45 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ được điều hành bởi những người quản lý nay đã ngoài 70 tuổi, hơn một nửa trong số doanh nghiệp đó hiện đang không có người kế vị. Khá đông trong những doanh nghiệp nói đến ở trên được quản lý bởi người chủ hiện đang trong độ tuổi từ 65 đến 69.

Tính toán của Tokyo Shoko Research cho thấy khoảng 28 nghìn doanh nghiệp đóng cửa trong năm 2017, tăng 30% trong 10 năm qua.

Cuối năm ngoái, một công ty linh kiện kim loại có tên Hishinuma Seisakujo tại quận Ota, thủ đô Tokyo của Nhật đã phải đóng cửa. Vị chủ tịch 75 tuổi của công ty, ông Shigetoshi Hishinuma, cho biết: “Dù nhà máy vẫn còn đang hoạt động nhưng cuộc sống thực sự bên trong nhà máy dường như đã ngưng lại”.

Công việc kinh doanh của nhà máy vẫn có thể tiếp tục được duy trì nếu chủ tịch có thể tìm được người kế vị, nhưng khả năng đó đã không xảy ra. Trước đây, ông Shigetoshi Hishinuma đã thừa kế công ty này từ cha mình. Giờ đây, khi ông nghỉ hưu, công ty buộc phải đóng cửa.

Thời kỳ cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970, hoạt động sản xuất tại các khu vực đô thị của Nhật tăng trưởng bùng nổ cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế vô cùng ấn tượng mà nước Nhật có được lúc đó.

Tuy nhiên, tại quận Ota, một trong những khu vực từng trải qua thời kỳ tăng trưởng ấn tượng đó, số lượng các doanh nghiệp cứ giảm dần trong những năm gần đây, từ con số 10 nghìn doanh nghiệp của thời kỳ đỉnh cao xuống chỉ còn khoảng 3 nghìn doanh nghiệp ở hiện tại.

Có nhiều nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp sụt giảm. Công nghệ phát triển, nhu cầu sản xuất tại địa phương với quy mô nhỏ giảm bớt. Cùng lúc đó, chủ các doanh nghiệp gặp khó khi muốn kiếm người kế vị, việc này càng khó khăn hơn dân số Nhật già.

Không chỉ các công ty sản xuất của Nhật khó tìm người kế vị. Gensui, một công ty kinh doanh kẹo Nhật có lịch sử hoạt động tại Kyoto từ năm 1825, chuẩn bị đóng cửa vào cuối tháng 3/2018.

Người thừa kế thế hệ thứ 7 của gia đình Inoue, ông Kiyofumi Inoue năm nay đã 71 tuổi, cho biết: “Tôi không có ai thay vị trí của mình, trong khi sức khỏe tôi ngày một yếu, chân thậm chí không thể đứng vững để làm việc”.

Nếu không có biện pháp nào ngăn các doanh nghiệp đóng cửa vì thiếu người kế vị, theo ước tính của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, đến năm 2025, nước này có thể mất 6,5 triệu việc làm và khoảng 205 tỷ USD doanh thu cho nền kinh tế.

Khoảng hơn một nửa doanh nghiệp phải đóng cửa trong khi vẫn đang làm ăn kinh doanh tốt. Những người chủ doanh nghiệp tất nhiên không hề muốn phải chứng kiến doanh nghiệp họ dày công xây dựng bao nhiêu năm cuối cùng phải đóng cửa, nhưng họ không còn lựa chọn khác khi mà không thể tìm được ai quản lý nó.

Sự vào cuộc của Chính phủ Nhật

Chính phủ Nhật tất nhiên không đứng ngoài cuộc. Ngày 6/2/2018, Nội các Nhật thông qua kế hoạch với mục tiêu sẽ tư vấn cho khoảng 50 nghìn doanh nghiệp mỗi năm về việc làm sao chuyển giao được công việc quản lý cho thế hệ tiếp theo. Ngoài ra, họ muốn hỗ trợ khoảng 2.000 thương vụ bán doanh nghiệp mỗi năm để ngăn các doanh nghiệp không phải đóng cửa hoàn toàn.

Chính phủ Nhật đã mở ra các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp trên khắp nước, tiêu biểu nhất có thể kể đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Saitama (SCCI). Trung tâm này có sự tham gia của rất nhiều chuyên gia về luật, tài chính kế toán để giúp các chủ doanh nghiệp tỉnh Saitama tìm kiếm bên mua tiềm năng cho doanh nghiệp của họ. Tỉnh Saitama nằm tiếp giáp với thủ đô Tokyo và thuộc vùng Kanto, một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất nước Nhật.

Thủ đô Tokyo hiện cũng đang có Phòng Thương mại và Công nghiệp Tokyo (TCCI) với chức năng tương tự. Cơ quan này đang làm việc rất tích cực với nhiều chủ doanh nghiệp nay đã đến tuổi 60. Nhân viên của phòng đến gặp từng chủ doanh nghiệp để hỏi xem họ có kế hoạch chuyển giao công ty như thế này.

Những nỗ lực cũng đã mang lại thành công nhất định. Có thể kể đến thương vụ công ty Medical Pine do ông Kenichi Matsumura làm chủ tịch đã bán thành công cho một công ty khác thuộc tỉnh Saitama trong năm ngoái.

TCCI hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm bên mua tiềm năng và một công ty khác chuyên hỗ trợ cho hoạt động thâu tóm và sáp nhập doanh nghiệp sẽ giải quyết các công việc còn lại.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM