Chiến tranh thương mại: Cú hích cho doanh nghiệp nước ngoài mở rộng sản xuất ở Việt Nam

12/04/2019 09:15 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong khi Mỹ và Trung Quốc chưa đi đến được một thỏa thuận thương mại, ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam vừa để tìm kiếm nguồn cung vừa để mở rộng sản xuất.

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc áp thuế lên 360 tỷ USD hàng hóa của nhau vào năm 2018, ông Lê Duy Anh, Giám đốc của Công ty CP Xuân Hoa Việt Nam, cho biết các khách hàng của công ty, như Ikea, bắt đầu chuyển hướng một phần chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Ông Duy Anh cho hay gần đây công ty liên tục đón những vị khách nước ngoài tới tham quan. Riêng 3 tháng đầu năm nay, đã có ít nhất 10 khách hàng nước ngoài tiềm năng tìm đến Xuân Hoa.

“Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh. Ngày càng có nhiều công ty liên lạc với chúng tôi để mua sản phẩm thay vì mua từ Trung Quốc”, ông Duy anh nói. Cùng một sản phẩm, giá của Xuân Hoa hiện thấp hơn khoảng 1.000 đồng so với hàng của Trung Quốc, và con số này có thể tăng lên trong bối cảnh Mỹ - Trung chưa tìm được tiếng nói chung.

Nói về việc chuyển hướng thị trường, ông Mattias Hennius, phát ngôn viên của Ikea tại Thụy Điển, cho biết: “Giống như các công ty đa quốc gia đang trong thời kỳ phát triển, Ikea luôn tìm kiếm cơ hội để tối ưu hóa nguồn cung, đảm bảo chi phí thấp cho khách hàng".

Việt Nam lâu nay vẫn được xem là một quốc gia có chi phí sản xuất thấp. Lương công nhân ở Việt Nam chỉ bằng khoảng một nửa so với ở Trung Quốc, đồng thời giá điện cũng khá rẻ vì được chính phủ trợ cấp. Hơn nữa, Việt Nam và Trung Quốc sát nhau nên các nhà máy dễ dàng tìm kiếm được nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trở thành cú hích cho các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.

Nhà cung cấp của Apple, GoerTek, tại Trung Quốc và Foxconn tại Đài Loan, cùng một số đối thủ đều đang dịch chuyển sản xuất về Việt Nam trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc chưa tìm thấy tiếng nói chung. Thậm chí, công ty nội thất Haverty Furniture của Mỹ cũng đang đẩy mạnh sản xuất ở Việt Nam vì lý do áp lực thuế quan.

Điều này được thể hiện qua sự tăng trưởng ổn định của dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). FDI vào Việt Nam đặc biệt tăng mạnh sau Samsung Electronics tuyên bố kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc trong năm 2014. Năm 2017, FDI vào Việt Nam đạt 14,1 tỷ USD, chiếm 1/5 tổng vốn đầu tư vào khu vực ASEAN, trừ Singapore, theo số liệu của công ty nghiên cứu Maybank Kim Eng.

Chiến tranh thương mại: Cú hích cho doanh nghiệp nước ngoài mở rộng sản xuất ở Việt Nam - Ảnh 1.

Vốn FDI vào khu vực ASEAN, trừ Singapore. Ảnh: Bloomberg.

Cùng với đó, Việt Nam có những bước tiến đáng kể trong Chỉ số thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới và Chỉ số Cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Hiện Việt Nam cũng đang đứng ở vị trí thứ 60 về Chỉ số Đổi mới của Bloomberg.

Xu hướng dịch chuyển cũng được thể hiện thông qua con số xuất khẩu. Theo số liệu do HSBC thu thập, xuất khẩu của Việt Nam tăng 12,4% trong nửa sau của năm 2018, vượt mặt 5 nền kinh tế lớn nhất tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện môi trường kinh doanh, như cải thiện và mở rộng cơ sở hạ tầng, đặc biệt cho hoạt động vận tải,…

Theo Minh Lan

Cùng chuyên mục
XEM