Chia tay "gà đẻ trứng vàng" mảng bán lẻ, đâu sẽ là động lực tăng trưởng của FPT?

27/07/2016 09:52 AM | Kinh doanh

Lĩnh vực phân phối và bán lẻ sản phẩm công nghệ đang chiếm 60% tổng doanh thu của FPT, vậy, giả định FPT hoàn tất việc thoái vốn mảng Bán lẻ thì đâu là cửa giúp FPT giữ vững tốc độ tăng trưởng?

Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 của FPT vừa được công bố, doanh thu hợp nhất đạt 17.818 tỷ đồng, và LNTT 1.258 tỷ đồng.

Lĩnh vực viễn thông và mảng xuất khẩu phần mềm chỉ đóng góp xấp xỉ 30% vào tổng doanh thu nhưng mang lại tới 61,2% vào tổng lợi nhuận trước thuế của toàn tập đoàn. Đây cũng là hai mảng có tốc độ tăng trưởng cao về doanh thu, lần lượt 26% và 37%.

Còn thị trường nước ngoài mang lại cho FPT 2.713 tỷ đồng doanh thu, và 377 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (LNTT), tăng 34% và 31% so với cùng kỳ năm trước.

Trong vòng hơn 5 năm qua, tỷ trọng doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT tăng từ con số 5% trong năm 2011 lên 15,2% trong 6 tháng đầu năm 2016.


Bảng số liệu so sánh doanh thu toàn cầu hóa/tổng doanh thu năm 2011 và 6 tháng 2016

Bảng số liệu so sánh doanh thu toàn cầu hóa/tổng doanh thu năm 2011 và 6 tháng 2016

Trong đó, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng của toàn cầu hóa FPT là mảng xuất khẩu phần mềm khi doanh thu đạt 2.359 tỷ đồng, chiếm gần 87% doanh số thị trường nước ngoài của FPT và tăng trưởng 37% so với cùng kỳ.

Những con số này cho thấy, thị trường nước ngoài nói chung và mảng xuất khẩu phần mềm nói riêng đang ngày càng đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của Tập đoàn.

Nhật Bản vẫn tiếp tục là “đầu kéo” cho sự tăng trưởng cao từ thị trường nước ngoài của FPT. 6 tháng đầu năm, Nhật Bản mang về 1.271 tỷ đồng, tăng 54% so với 6 tháng đầu năm 2015 tính theo đồng USD (đã loại ảnh hưởng tăng giá của đồng Yên Nhật), chiếm gần 47% tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của tập đoàn này.


Bảng tỷ trọng doanh thu theo thị trường

Bảng tỷ trọng doanh thu theo thị trường

Nhưng “miếng bánh ngon” không phải lúc nào cũng dễ thưởng thức. Mặc dù có khoảng 4.500 nhân sự làm cho các dự án với đối tác Nhật Bản, FPT cần đạt 8.800 người vào năm 2020 và đây là một thách thức không hề nhỏ. Được biết, FPT đã và đang thúc đẩy Chương trình đào tạo 10.000 Kỹ sư cầu nối cũng như tăng cường tuyển dụng.

Còn tại thị trường Mỹ, FPT cũng đã có được những dự án khá lớn từ mảng công nghệ mới. Mới đây nhất, FPT có dự án IoT (Internet of Things) cho một hãng điều khiển thang máy của Mỹ.

Tuy nhiên, tại thị trường có tỷ trọng doanh thu lớn thứ 2 này, FPT vừa phải cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ đến từ Ấn Độ vừa phải chịu ảnh hưởng từ việc mua bán sáp nhập của các khách hàng lớn. Hệ lụy là trong 6 tháng đầu năm, thị trường này chỉ tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ.

Như vậy, để thị trường nước ngoài nói chung và mảng xuất khẩu phần mềm là đòn bẩy tăng trưởng, FPT có lẽ sẽ cần phải có những bứt phá mạnh mẽ hơn nữa từ việc nghiên cứu phát triển các giải pháp dịch vụ cho khách hàng, cũng như mở rộng quy mô cộng với việc trang bị đầy đủ các kỹ năng chinh chiến cho đội quân của mình.

Dự kiến, đến cuối năm 2016, doanh thu từ thị trường nước ngoài sẽ đạt khoảng 6.200 tỷ đồng, tương đương 275 triệu USD, chiếm 13,5% tổng doanh thu. Riêng mảng xuất khẩu phần mềm dự kiến đạt khoảng 230 triệu USD.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM