Trương Đình Anh không có tên trong danh sách "Người tiên phong" của FPT
Với những chiến lược gây sốc và tạo ra cuộc cách mạng cho thị trường Internet, vai trò tiên phong của Trương Đình Anh trong việc khai thác thị trường viễn thông cho FPT là điều không thể phủ nhận. Thế nhưng, cựu CEO FPT chưa được đánh giá là một trong những gương mặt tiên phong của Tập đoàn này.
Trên website của CTCP FPT có một phần trình bày rất chi tiết mang tên “Những người tiên phong” để vinh danh các cá nhân đã sáng lập và vun đắp nên vật chất cũng như tinh thần của Tập đoàn công nghệ này. Những người tiên phong, họ là những người đã xây dựng nên các hướng kinh doanh mới cũng như áp dụng các công cụ quản trị tiên tiến cho FPT.
Trong danh sách này, tất nhiên không thể thiếu gương mặt quen thuộc của ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT của FPT, được gọi là người truyền cảm hứng; Ông Bùi Quang Ngọc - Tổng giám đốc: Người mang công nghệ vào cuộc sống và ông Đỗ Cao Bảo - Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT: Người dẫn dắt mảng kinh doanh tích hợp hệ thống của FPT.
Bên cạnh đó là rất nhiều thành viên như ông Trần Quốc Hoài - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phân phối FPT, người xây dựng nền móng cho ngành phân phối điện thoại di động FPT; Ông Uwe Schlager - Giám đốc M&A, người đã hoàn tất thương vụ M&A đầu tiên trong lịch sử FPT…
Một gương mặt trẻ trung trong danh sách là ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch Công ty phần mềm FPT với dòng mô tả về tham vọng 1 tỷ USD và 30.000 người.
Những người đã lùi khỏi thương trường về làm cố vấn như ông Hoàng Minh Châu; Ông Nguyễn Thành Nam và ông Lê Quang Tiến – Giám đốc tài chính đầu tiên của FPT, người đã không còn làm việc tại đây, cũng được xứng tên trong danh sách những người tiên phong của FPT.
Thế nhưng, cái tên Trương Đình Anh không xuất hiện.
Nếu nói về vai trò của Trương Đình Anh tại FPT, người ta sẽ nhớ ngay đến FPT Telecom. Hiện nay, FPT Telecom có vốn điều lệ 1.246 tỷ đồng, do FPT nắm 45,64% nhưng vào năm 1997, khi Trương Đình Anh trở thành Giám đốc thì FPT Telecom lúc đó có tên Trung tâm Internet FPT chỉ có doanh thu năm đầu là 100 triệu đồng và 4 nhân viên.
Dưới bàn tay của vị Giám đốc trẻ, trung tâm này đã trở thành một ông lớn trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ internet tại Việt Nam.
Rất nhiều chiến lược táo bạo được tung ra bởi “quái thú” FPT và “nã đạn” vào thị trường khi đó như tuyển đội ngũ giao dịch viên xinh như mộng, gửi hàng tấn bom thư đến các khách hàng dùng email, rải hàng chục ngàn tờ rơi, … cùng với hàng loạt dịch vụ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam bất chấp các rào cản pháp lý như Internet trả trước, dịch vụ cáp quang…
Ngoài các hình thức khuyến mại thông thường, FPT Internet đã gây chấn động thị trường internet năm 1998 với việc tặng modem cho khách hàng đăng ký sử dụng mạng FPT. Nhờ các chiêu thức này, FPT Internet đã đạt tới đỉnh cao của thị trường Internet dial up vào năm 2002 và vươn tới mức doanh thu nửa triệu USD.
Đến năm 2003, Trương Đình Anh được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông FPT (FPT Telecom).
Cho đến nay, mặc dù có nhiều lĩnh vực mới nổi lên nhưng FPT Telecom vẫn luôn là đơn vị thành viên đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của toàn tập đoàn FPT.
Thế nhưng những người điều hành của FPT hiện nay cũng như HĐQT công ty này dường như không đánh giá như vậy. Dù Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình vẫn luôn nhấn mạnh rằng FPT ngày càng trẻ hóa, tuổi trung bình của cả Tập đoàn là 27 và lãnh đạo chính của tập đoàn là những người trẻ tuổi, song có lẽ tại FPT, các bậc cao niên mới được coi là những "Người tiên phong", và chỉ đạo đường lối nữa.
Trong cuốn sách kỷ niệm mà các nhân viên cũ của Trương Đình Anh tại FPT thiết kế để tặng sếp cũ khi Trương Đình Anh và gia đình sang Mỹ sinh sống, đã tiết lộ những câu chuyện hậu trường trong quá trình sống và làm việc của doanh nhân này tại Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Rất nhiều tình yêu, đam mê, cống hiến và cũng rất nhiều đấu tranh, mâu thuẫn, xung đột gay gắt khủng khiếp, nhất là với người có tính cách cực đoan như Trương Đình Anh.
“Nhiều năm sau, tôi kinh nghiệm rằng không bao giờ nên tin mình có thể trồng trọt và thu hoạch lâu dài trên một mảnh đất do người khác đứng tên.” – Đó là bài học mà Trương Đình Anh đã rút ra khi làm việc tại FPT, và có lẽ cũng là những do dự khi ông từ chối vị trí CEO của Tập đoàn FPT lúc mới được đề nghị.