Chi tiết kế hoạch tiêu nghìn tỷ của VNG: Hơn 400 tỷ đồng cho bản quyền game PUBG Mobile, 139 tỷ đồng cho Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile, 78 tỷ đồng thuê các KOLs
VNG sẽ bán toàn bộ 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho công ty Big V, thu về 1.264 tỷ đồng. Trong đó, 764,4 tỷ đồng để mua bản quyền game và 500 tỷ đồng làm marketing.
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VNG vừa ra nghị quyết thông qua một số nội dung cụ thể về chào bán cổ phiếu quỹ, hồ sơ chào bán cổ phiếu quỹ và việc miễn nhiệm và bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Về việc thay Chủ tịch, VNG bổ nhiệm ông Võ Sỹ Nhân làm Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2025 thay cho ông Lê Hồng Minh.
Về việc bán cổ phiếu quỹ, VNG sẽ thực hiện theo phương án đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022, là bán toàn bộ 7,11 triệu cổ phiếu quỹ cho Công ty cổ phần Công nghệ Big V với giá 177.881 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, số tiền VNG sẽ thu về là 1.264,4 tỷ đồng. VNG cho biết, số tiền này sẽ được dùng để mua bản quyền phần mềm trò chơi (764,4 tỷ đồng) và tiếp thị (500 tỷ đồng) trong hai năm 2023 và 2024.
Trong đó, các trò chơi mà VNG mua bản quyền gồm PUBG Mobile (400 tỷ đồng); JX1M (152,8 tỷ đồng); Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile (138,9 tỷ đồng) và Gunny Origin - VN (72,7 tỷ đồng).
Chi phí tiếp thị gồm: Tiếp thị kỹ thuật số trực tuyến (500 tỷ đồng); Thuê các KOLs (78 tỷ đồng) và tổ chức sự kiện (38 tỷ đồng).
Đầu tháng 1/2023 vừa qua, VNG đã đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM với mã VNZ, giá lên sàn là 240.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức định giá 8.600 tỷ đồng.
Như vậy, Công ty Big V được mua cổ phiếu VNG với giá thấp hơn 26% so với giá trên sàn chứng khoán và chỉ bằng 1/10 so với mức giá mà Công ty quản lý quỹ Mirae Asset mua cổ phần VNG trong năm 2021 (1,7 triệu đồng/cp), cũng như Temasek (Singapore) mua cổ phiếu quỹ VNG năm 2019 (1,8 triệu đồng/cp).
9 tháng năm 2022, VNG đạt doanh thu thuần 5.764 tỷ đồng, và lỗ sau thuế 419 tỷ đồng.