Chế tạo xe ô tô điện siêu nhỏ chạy 200km/lần sạc, giá chỉ 100 triệu đồng, startup Việt tham vọng số 1 ĐNA: Shark Bình nói viển vông, Shark Hưng vẫn quyết đầu tư
Thị trường sẽ có thêm một thương hiệu xe điện được tạo ra bởi công ty Việt Nam?
Xuất hiện cuối cùng tại Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 3, kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh – nhà sáng lập và kỹ sư chế tạo máy Trần Quyết Tiến – đồng sáng lập giới thiệu về mẫu xe điện 3 bánh thân hẹp mang tên Carbaba.
Hai nhà sáng lập muốn kêu gọi 1,8 tỷ cho 5% cổ phần công ty.
Chiếc xe điện giá chỉ 100 triệu đồng, chạy 200km trong một lần sạc
Trăn trở bởi nắng, mưa, khói bụi, tiếng ồn, sự không an toàn khi di chuyển bằng xe máy lúc đưa con gái đi học, bên cạnh đó là tình trạng tắc đường, khoản chi phí mua xe và sự lãng phí không gian khi sử dụng xe ô tô mà chỉ có hai người, Nguyễn Tuấn Anh quyết định cho ra đời thương hiệu Cababa, là chữ viết tắt của ‘Car ba bánh’ – tức xe ba bánh.
Theo giới thiệu, chiếc xe điện ba bánh thân hẹp có mức chiếm dụng mặt đường tương đương một chiếc xe máy, có buồng lái kín, hệ thống điều hòa nhiệt độ. Xe được trang bị cơ chế cân bằng chủ động để khắc phục nhược điểm lớn nhất của các chiếc xe thân hẹp nói chung là dễ bị lật khi vào cua. Chiếc xe ba bánh này có thể di chuyển 200 km trên một lần sạc với phiên bản pin gắn liền thân xe hoặc 150 km với phiên bản pin có thể tháo rời. Giá bán dự kiến là 100 triệu đồng.
Đến thời điểm hiện tại, chiếc xe đã hoàn thiện hệ thống lái, hệ thống treo và cân bằng, đang tiếp tục hoàn thiện khung vỏ và các tiện ích bên trong xe. Xe Carbaba đã có thời gian chạy thử 6 tháng.
+ Shark Hưng hỏi: Thế bây giờ bạn gọi đây là ô tô hay xe máy?
- Startup: Có rất nhiều người hỏi tôi câu đó. Nhưng tôi trả lời rằng không phải ô tô cũng không phải xe máy, đó là thứ đến từ tương lai.
Tuy nhiên, Shark Hưng cho biết cần xác định rõ loại phương tiện khi đăng kiểm và theo cảm nhận, ông cho rằng Carbaba là ô tô.
Shark Bình nói viển vông, Shark Hưng vẫn rót vốn
Dù hai nhà sáng lập chỉ vừa mới giới thiệu về sản phẩm nhưng Shark Bình đã nhanh chóng đưa ra quyết định không đầu tư.
"Tôi khâm phục ước mơ và nỗ lực của bạn. Tuy nhiên với hệ thống quy định của Việt Nam, những sản phẩm này rất khó để được duyệt lưu hành. Shark Tank không phải là sân chơi của ước mơ viển vông, nên tôi không đầu tư" , ông chủ NextTech nhận định.
Với tâm huyết của mình, nhà sáng lập Nguyễn Tuấn Anh tiếp tục chia sẻ về sản phẩm, cho rằng chiếc xe này có thể xuất khẩu trước, sẽ có một thị trường chấp nhận Carbaba. Hiện nay, Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu đều đã có những mẫu xe tương tự.
Trong khi đó, Shark Hưng có cái nhìn khá tích cực.
"Tôi nghĩ việc biến chiếc xe này thành xe máy hay ô tô trong phút mốt không khó. Chỉ cần thêm một chiếc bánh là thành "city car", chạy dưới 50km/h và vẫn được tham gia vào làn ô tô.
Tôi nghĩ đây là một sản phẩm tương đối có tiềm năng. Vấn đề là bức tranh kinh tế. Giả sử nếu tôi đầu tư, bạn cho tôi bức tranh thế nào sau 3-5 năm, tham vọng của bạn là gì?", Shark Hưng đặt câu hỏi.
"Tầm nhìn của Carbaba đến năm 2030 sẽ là công ty số 1 Đông Nam Á về lĩnh vực micro mobility". Tuy nhiên, startup này thành thật chưa nghĩ đến doanh thu, lợi nhuận hay bán được bao nhiêu sản phẩm.
Đến đây, Shark Hùng Anh đồng cảm với tư tưởng, đam mê của nhà sáng lập. Tuy nhiên, ông thẳng thắn rằng công ty sẽ khó đi một lối đi riêng khi xe chưa được cấp phép, doanh nghiệp không có vốn.
"Cuộc đời chỉ có 20-30 năm làm việc thôi. Ta hy sinh tuổi trẻ rồi sau này sẽ tiếc nuối. Giống như ngày xưa tôi gọi vốn mãi mà không được. Không phải người ta không nhìn ra tâm huyết của bạn nhưng người ta biết chắc dự án thất bại thì không ai bỏ tiền ra. Không ai bỏ tiền xây dựng ước mơ cho mình", Shark Hùng Anh quyết định không đầu tư.
Tương tự, dù nhận thấy tâm huyết lớn của đội ngũ sáng lập, Shark Tuệ Lâm và Shark Louis cũng nói không với đề nghị đầu tư.
Duy chỉ có Shark Hưng cho rằng những dòng xe như Carbaba sẽ có thị trường trong tương lai gần. Ông đề nghị đầu tư 1,8 tỷ cho 15% cổ phần. Điều kiện đưa ra để giải ngân vốn là startup phải có bước tiến đáng tin cậy trong thủ tục đăng kiểm và lưu hành xe.
Hai nhà sáng lập mặc cả với số vốn 1,8 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần và 3% cổ phần sở hữu.
Shark Hưng đề nghị lại: 1,8 tỷ đồng cho 12% cổ phần và cộng thêm 3% pre-share cho sự đồng hành, với điều kiện sản phẩm phải được cấp phép đăng kiểm và lưu hành. Đây cũng là con số cuối cùng được hai bên thống nhất, giúp startup tránh khỏi tình trạng ra về trắng tay.